Đổ xô đăng ký các ngành nghề 'hot' xu hướng thời 4.0

Ngành vi mạch bán dẫn được quan tâm nhiều tại ngày hội tư vấn hướng nghiệp 2024 (Ảnh: Phương Thảo)

Ngành vi mạch bán dẫn “lên đỉnh”

Theo dự báo của các chuyên gia, Việt Nam đang rất “khát” nhân lực ngành vi mạch, bán dẫn, khi thiếu khoảng 20.000 nhân lực trình độ đại học của ngành này trong 5 năm tới và con số này lên đến khoảng 50.000 người trong 10 năm tới.

Đây cũng là ngành đang “khát” nhân trên toàn cầu khi dự kiến đến năm 2030, ngành bán dẫn sẽ thiếu 1 triệu nhân lực.

Những thông tin trên khiến cho ngành vi mạch, bán dẫn dự kiến trở thành một trong những ngành “hot” nhất mùa tuyển sinh đại học năm nay.

Thời điểm hiện tại, có nhiều trường đại học thông báo mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch, Công nghệ bán dẫn trong mùa tuyển sinh 2024. Có thể kể đến như: ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU), Trường ĐH Phenikaa, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội … Chỉ tiêu ngành học này còn khá khiêm tốn, không quá 100 sinh viên.

Các đại học cho hay, việc mở chương trình và tăng cường chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhân lực trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn và chế tạo chip, linh kiện điện tử. Cơ hội lớn mở ra cho đơn vị đào tạo lẫn người học. Thế nhưng cũng không ít thách thức…

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Theo công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%/năm.

"Sự gia tăng về nhu cầu tiêu dùng là nguyên nhân trực tiếp giúp các nhà máy bán dẫn ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua", Technavio nhận định.

Minh chứng cho thấy, nhiều “đại bàng” FDI đã tuyên bố kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam từ tháng 7 tới; rồi nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất chip, cũng chọn Việt Nam là nơi đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất…

Nhiều ngành học đào tạo nhân lực “xanh”. (Ảnh: Sinh viên thuộc Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường Trường đại học Công nghiệp TPHCM trong giờ thực hành)

Cần hàng triệu nhân sự "việc làm xanh"

Vi mạch bán dẫn đang làm mưa làm gió trong mùa tuyển sinh năm nay thì nhu cầu đào tạo nhân lực “xanh” cũng không hề kém cạnh. Nhu cầu việc làm “xanh” cao nhất tại Việt Nam hiện nay đến từ các ngành sản xuất, chiếm 48%, năng lượng, nông nghiệp và công nghệ...

Bà Nguyễn Thanh Hương, giám đốc nhân sự toàn quốc (ManpowerGroup Việt Nam), cho biết từ năm 2021 Tập đoàn ManpowerGroup đã giới thiệu báo cáo ESG đến khách hàng và đối tác trên toàn cầu.

Nhu cầu việc làm xanh ngày càng nhiều, kéo theo sự xuất hiện rất nhiều vị trí mới liên quan ESG. Số lượng việc làm xanh ngày càng gia tăng, tương ứng với sự ra đời của rất nhiều vị trí mới liên quan ESG.

Trong cẩm nang Hướng dẫn Lương 2024 dành cho các doanh nghiệp vừa được Manpower Group Việt Nam công bố, đáng ghi nhận là xu hướng việc làm xanh được dự báo tiếp tục gia tăng.

Trong đó, các vị trí việc làm liên quan đến phát triển bền vững có mức lương, thưởng hấp dẫn. Chẳng hạn, vị trí chuyên viên an toàn lao động được trả mức lương từ 1.200 - 2.000 USD/tháng; mức lương của nhân sự quản lý như vị trí giám đốc an toàn lao động có thể lên đến 9.000 USD/tháng...

Với nhận định các doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm lao động có kỹ năng, đóng góp nhiều sáng kiến giúp doanh nghiệp tiến gần hơn với các mục tiêu ESG, ông Simon Matthews - Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của Manpower Group cho hay, khoảng 70% doanh nghiệp trên toàn cầu đã và đang tích cực tuyển dụng các vị trí và kỹ năng xanh.

Tại Việt Nam, đến hết 11 tháng năm nay, sản xuất và chế biến chế tạo là ngành có nhu cầu tuyển dụng việc làm xanh nhiều nhất với tỷ lệ 33%.

Theo nghiên cứu của World Bank và Tổng cục Thống kê về việc làm xanh cho thấy hiện tại Việt Nam có 39 ngành nghề có việc làm xanh. Các ngành có mức độ tập trung việc làm xanh cao nhất hiện nay là điện, khí đốt và cấp nước (23%), khai mỏ (5%), dịch vụ thị trường (5%).

Việt Nam đang xanh hóa nền kinh tế nên tương lai có thêm 88 nghề khác có tiềm năng có việc làm xanh. Dự báo số lượng việc làm xanh có thể chiếm tới 41% tổng số việc làm trên thị trường tương lai.

Phương Thảo

Dân sinh