Đỗ Thị Thanh Huyền: Câu chuyện trồng rừng và truyền cảm hứng kết nối

Năm 2020 vừa qua, 50ha bãi bồi vùng lõi Vườn Quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau đã được Gaia khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên để chuyển hóa thành rừng. Loài cây được trồng là mắm trắng và mắm đen. Đây là những loài cây tiên phong của các khu rừng ngập mặn. Vào tháng 9 - 12 hàng năm, quả mắm chín trên cây mẹ sẽ rụng xuống nước và trôi ra biển. Nếu được giữ lại tại bãi bồi, chúng sẽ nhanh chóng mọc lên thành cây con, sinh sống trên bãi bồi ngập nước, và thành rừng ngập mặn sau khoảng 6 năm.

Mỗi năm, cây mắm lớn lên và tăng thêm số lượng, giúp phù sa bồi đắp nhiều hơn vào bãi bồi, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài cây rừng ngập mặn như đước, sú, vẹt... sinh sôi, phát triển. Việc “khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên để chuyển hóa thành rừng” này là kết quả ủng hộ từ hơn 6.500 đơn vị, cá nhân trong cộng đồng. Thông qua Gaia, mỗi người có thể “góp một cây là góp rừng”, tham gia trồng và giám sát rừng cộng đồng.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia Đỗ Thị Thanh Huyền.

Đầu năm, Người Đô Thị có cuộc trò chuyện với chị Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia, xung quanh câu chuyện trồng rừng.

Chị có thể kể thêm về những câu chuyện trồng rừng của Gaia được không?

Hiện chúng tôi tập trung vào các VQG và Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) vì đây là những khu rừng đầu nguồn, có chức năng sinh thái rất quan trọng, nơi dự trữ những nguồn gen quan trọng, nhưng các giá trị đa dạng sinh học thì lại đang bị tổn thất ở nhiều nơi.

Ví dụ VQG Bến En, là nơi chuyển tiếp giữa đồng bằng Thanh Hóa - Nghệ Tĩnh với núi cao Trường Sơn Bắc, có thể xem là khu vực hiện hữu cho sự đặc thù của khu hệ động vật Bắc Trường Sơn, có hơn 1.530 loài động vật và hơn 1.400 loài thực vật nhưng có tới 433 loài động vật và 58 loài thực vật bị đe dọa tuyệt chủng cấp thế giới. Ở đây vẫn còn tới hơn 3.000ha rừng nghèo kiệt và đất trống, đồi núi trọc hoặc chỉ có thảm cỏ, cây bụi, lâu lâu mới có 1 - 2 cây gỗ, trước đây vốn là đất lâm trường khai thác gỗ. Hay KBTTN Xuân Liên hiện có khoảng 150ha rừng nghèo kiệt, trước vốn là đất canh tác của người dân địa phương… Dù chúng đã được gây trồng cây rừng gần 20 - 30 năm qua thì đây vẫn là những khu rừng nghèo kiệt, ít loài.

"Nhà nước là người đứng ra nhận trách nhiệm bảo vệ rừng quốc gia, nhưng tôi nghĩ đây cũng là việc chung của tất cả mọi người. Cái mà nhà nước cần làm tốt là làm đúng và nghiêm minh trong quản lý, thực thi pháp luật."

Đỗ Thị Thanh Huyền

Ở những nơi như vậy, câu chuyện của chúng tôi là phải làm giàu rừng. Việc trồng vào đấy các loài cây bản địa đa mục đích như cây gỗ, cây làm thức ăn cho động vật hoang dã, cây thuốc sẽ góp phần gia tăng số loài, đặc biệt là thức ăn cho các loài hoang dã. Nó cũng góp phần cải tạo đất, duy trì các giá trị đa dạng sinh học, làm tăng giá trị du lịch, nghỉ dưỡng của rừng, tăng cường hấp thu CO2 giảm biến đổi khí hậu. Đặc biệt là có sự tham gia của người dân địa phương.

Phục hồi loài là câu chuyện vô cùng khó khăn…

Vâng, nhất là với loài đã bị biến mất. Ở KBTTN Văn hóa Đồng Nai, Gaia trồng rừng là hướng đến bảo vệ một trong những đàn voi hoang dã cuối cùng ở Việt Nam (hiện còn khoảng 50 cá thể). Ở Đồng Nai đã có 11 - 19 con rồi, và đây có thể là một trong những nơi hiếm hoi có voi hoang dã vẫn đẻ con. Năm ngoái, kiểm lâm cho chúng tôi xem ảnh quan sát thấy một con voi con. Mừng lắm!

Hay gỗ lim ở Việt Nam hiện nay chỉ còn rất ít. Hồi xưa khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh rất nhiều gỗ lim, nay đã khai thác hết. Ở khu vực miền Trung (như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế…), cứ khoảng tháng 7 mọi người lại đi đào rễ cây lim sau khi đã chặt hết cây. Chúng tôi rất hay đi trồng gỗ lim là vì thế.

Nhưng không chỉ trồng, mà còn là giải pháp bảo vệ lâu dài nữa. Phục hồi loài cần nhiều giải pháp đồng bộ. Như ngừng việc ăn uống, săn bắt, khai thác loài nguy cấp, tạo lại sinh cảnh cho loài, thực thi pháp luật, bổ sung chính sách quản lý...

Màu áo của Thanh Huyềnvà mạng lưới hơn 200 tình nguyện viênđã góp phần phủ xanh các khu rừng Việt Nam.

Tập trung trồng cây ở các VQG, KBTTN, chị có nghĩ mình đang làm việc đáng ra là trách nhiệm của nhà nước?

Hàng năm nhà nước vẫn có ngân sách trồng rừng nhưng không nhiều, chưa đủ trồng ngay được. Cũng có thực tế, một khu rừng đã được trồng 30 năm rồi nhưng vẫn chưa đủ giàu. Nhu cầu trồng rừng vẫn còn rất lớn, mọi người cùng làm sẽ nhanh hơn. Nhà nước là người đứng ra nhận trách nhiệm bảo vệ rừng quốc gia, nhưng tôi nghĩ đây cũng là việc chung của tất cả mọi người. Cái mà nhà nước cần làm tốt là làm đúng và nghiêm minh trong quản lý, thực thi pháp luật.

Chị nói rằng mục tiêu sâu xa trong hoạt động trồng rừng mà Gaia đang làm đều hướng tới giáo dục môi trường. Cụ thể như thế nào?

Ví dụ khi đi trồng rừng, người trồng còn được trải nghiệm và hiểu rõ về khu rừng mình trồng, về thiên nhiên, động vật hoang dã, cây cỏ… Điều này giúp họ tự thay đổi mạnh mẽ hơn.

Thực ra hồi đầu chúng tôi chủ yếu nhắm tới bạn trẻ. Các bạn có khả năng rất cao trở thành người ra quyết định trong tương lai. Nhưng sau đó tôi thấy có quá nhiều câu chuyện đang xảy ra ngay lập tức, nên nếu chỉ tập trung vào các bạn trẻ thôi thì chưa đủ. Làm thế nào để hướng cả vào những người có khả năng đang gây ra những chuyện đó. Nhưng nếu mình nói trực tiếp quá thì người lớn đâu chịu nghe. Người lớn vẫn cần thay đổi nhưng khó hơn và phải thông qua những cách thực tiễn hơn như sinh kế của họ, hoặc họ phải được lợi gì đó, mà phải thấy ngay, chứ 50 năm nữa thì hết đời người ta rồi.

Gaia cũng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vì họ có điều kiện, có khả năng kinh tế và là người có tác động nhiều đến thiên nhiên.

“Góp một cây là góp rừng”.

“Giáo dục môi trường”, có thể hiểu khái niệm này như thế nào?

Hội nghị quốc tế về Giáo dục môi trường của Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Tbilisi năm 1977 đã đưa ra khái niệm: “Giáo dục môi trường có mục đích làm cho cá nhân và cộng đồng hiểu được bản chất phức tạp của môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo là kết quả tương tác của nhiều nhân tố sinh học, lý học, xã hội, kinh tế và văn hóa; đem lại cho họ kiến thức, nhận thức về giá trị, thái độ và kỹ năng thực hành để họ tham gia một cách có trách nhiệm và hiệu quả trong phòng ngừa, giải quyết các vấn đề môi trường và quản lý chất lượng môi trường”.

Giáo dục môi trường luôn trân trọng những tri thức bản địa và ủng hộ việc giáo dục dựa trên môi trường địa phương, cam kết và hành động hướng về tính cụ thể và địa phương. Vì vậy, một trong những phương châm của Gaia là “suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương”.

Hoạt động bằng gây quỹ cộng đồng. Khó khăn gì khi chị chọn Gaia đi theo mô hình này?

Thực ra mô hình này bắt đầu cũng do hoàn cảnh đưa đẩy. Một tổ chức thành lập chưa quá ba năm thì không thể xin được tiền từ quỹ nào ở nước ngoài. Vì vậy Gaia bắt đầu bằng gây quỹ từ cộng đồng trong nước. Nhờ vậy tôi phát hiện khi mình gây quỹ từ địa phương thì mình tạo ra những thay đổi có thể nhìn thấy hơn. Như trong quá trình mọi người đi trải nghiệm thiên nhiên và đi trồng rừng, tôi nhận thấy khi đi bằng chính tiền của mình thì họ quan tâm hơn nhiều, không bỏ sót bất cứ một chi tiết, câu chuyện nào. Khác hẳn với việc mình mời một nhóm đi thăm nơi nào đó, có người sẽ chán chỗ này, không thích chỗ kia, và khi đi bằng tiền được tài trợ thì họ không có động lực nhiều bằng việc tự tài trợ cho mình.

Giờ Gaia đã có thể xin quỹ quốc tế và xin tốt nữa. Nhưng tôi vẫn đang muốn làm sao đẩy mạnh được mọi người tham gia, cảm thấy có trách nhiệm với môi trường của mình nhiều hơn. Làm sao thay đổi được nhiều hơn, nhưng phải chính từ người dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam.

Người dân địa phương cùng tham gia trồng rừng.

Vậy điều gì đã giúp Gaia thuyết phục được cộng đồng ủng hộ để duy trì hoạt động suốt hơn ba năm qua?

Chúng tôi đi kể những câu chuyện. Thực ra mình là người đứng giữa gây quỹ cộng đồng nên rất khó khăn, vì mình phải đi kể những câu chuyện cho công chúng thấy tầm quan trọng và cần thiết của việc cần làm. Chúng tôi trân trọng tất cả hỗ trợ lớn nhỏ, không chỉ tiền mặt. Như để phục vụ hoạt động điều tra nghiên cứu đa dạng sinh học, giáo dục truyền thông, tham quan khám phá thiên nhiên, chúng tôi mời gọi mọi người hỗ trợ trang thiết bị. Hay các doanh nghiệp có thể hỗ trợ bằng cách cử nhân viên tham gia trồng cây, giám sát cây trong 4 - 6 năm liên tiếp cùng Gaia, giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh…

Một điều nữa không thể thiếu là chúng tôi may mắn có được sự hỗ trợ quý báu của mạng lưới hơn 200 tình nguyện viên. Nhân sự chính thức của Gaia chỉ 5 người. Chúng tôi đang là một tổ chức nhỏ, còn nhiều việc phải làm.

Làm sao chị giữ được niềm tin với nghề khi thực tế “giáo dục môi trường” luôn là ưu tiên thấp nhất trong ngành?

Suy nghĩ lạc quan thì những điều lạc quan lại đến với mình chăng! (cười tươi) Giáo dục môi trường là mục tiêu rất lớn, rất khó định lượng. Nhưng nếu không làm gì thì không có gì thay đổi cả. Tôi từng có lúc thử đi làm việc khác, nhàn hạ và thu nhập tốt hơn nhưng lại không tìm thấy niềm vui, thấy không còn động lực để nghĩ ra nhiều cái mới. Thế là quay lại. Nếu có thể làm được gì tôi sẽ làm ngay, không đợi đến già hay một thời điểm xa nào khác. Tôi cũng may mắn được chồng cùng làm trong ngành bảo tồn thiên nhiên hỗ trợ, góp ý chuyên môn. Cùng các giá trị chia sẻ thì thuận lợi hơn.

Chị nghĩ sao về đề xuất trồng 1 tỷ cây trong 5 năm tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?

Nó tạo nhiều cảm hứng trồng rừng hơn trong xã hội. Nhưng vẫn rất cần kế hoạch bài bản, rõ ràng, và nên tập trung những nơi cần giải quyết cấp thiết nhất.

Tốt nghiệp xuất sắc khoa Môi trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội và nhận bằng thạc sĩ cùng trường từ năm 2000, Đỗ Thị Thanh Huyền đã có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là giáo dục truyền thông môi trường tại Việt Nam; làm việc và tư vấn cho nhiều tổ chức quốc tế lớn tại Việt Nam như: WWF, Plan, WAR, GIZ…. Chị đã có gần 20 ấn phẩm về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn biển tại Việt Nam.

Các chương trình hiện nay của Gaia gồm trồng rừng khôi phục hệ sinh thái, tổ chức các hoạt động trại, trải nghiệm thiên nhiên cho nhiều doanh nghiệp, trường học, giới trẻ, các gia đình, nâng cao năng lực giáo dục môi trường tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, xây dựng tài liệu, tập huấn giáo viên, chiến dịch nâng cao nhận thức, tập huấn bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp, tái chế rác hữu cơ.... Gaia đã làm việc với hơn 100 vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, sinh thái trong nâng cao năng lực giáo dục môi trường...

Năm 2020, với sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, cá nhân, Gaia đã trồng hơn 206.000 cây gỗ lớn trên diện tích hơn 77ha tại 5 khu rừng đầu nguồn.

“Huyền là người say mê thiên nhiên, và chắc chắn là một trong những chuyên gia giáo dục môi trường trải nghiệm chuyên nghiệp và bền bỉ nhất ở Việt Nam mà tôi từng biết. Điều dễ nhận thấy là Huyền dấn thân vào công việc với tình yêu thiên nhiên trong sáng, nhiệt thành, không quản ngại khó khăn, xông xáo đến các khu bảo tồn, trường học, cộng đồng để hướng dẫn, kết nối và truyền cảm hứng bảo tồn động vật hoang dã, trồng lại rừng, bảo vệ môi trường.

Chính sự dấn thân đó mà nhiều doanh nghiệp đã ủng hộ và tham gia cùng Gaia thực hiện các sáng kiến cụ thể, thực tế về phục hồi rừng ở các vườn quốc gia. Nỗ lực này rất đáng trân trọng vì bên cạnh đảm bảo các yêu cầu pháp lý, kỹ thuật về trồng rừng, một cây trồng xuống, lớn lên chính là kết quả từ sự kết nối, tin tưởng, hợp tác và cùng đóng góp của tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà nước vì các lợi ích chung. Những thay đổi nhỏ đến từ hành động tập thể như trên là rất ý nghĩa, không chỉ về bảo vệ môi trường mà còn với các thách thức xã hội khác. Vấn đề quan trọng là nhà nước cần tạo điều kiện, ủng hộ, minh bạch để khuyến khích sự tham gia, hành động nhiều hơn của các cá nhân, tổ chức trong xã hội”.

ThS. NguyễnViệt Dũng (chuyên gia quản trị môi trường)

Lê Quỳnh thực hiện - Ảnh: NVCC