Lý do Thủ tướng Ấn Độ gọi 19/9 là 'ngày lịch sử'

Phiên họp của Hạ viện Ấn Độ ngày 19/9. (Nguồn: The Hindu)

Sau khi được chính phủ thông qua, ngày 19/9, Bộ trưởng Bộ Luật Arjun Ram Meghwal trình bày dự luật trong phiên họp đặc biệt đang diễn ra của Quốc hội.

Dự luật, được coi là một bước quan trọng hướng tới bình đẳng giới và quản trị toàn diện, đã đưa ra lần đầu năm 1996 nhưng vẫn "dẫm chân tại chỗ" cho đến ngày nay. Trên thực tế, dự luật được Thượng viện Ấn Độ thông qua từ năm 2010 nhưng đây là lần đầu tiên được đưa ra xem xét tại Hạ viện.

Chính phủ cho biết, việc hiện thực hóa dự luật này sẽ tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia nhiều hơn vào việc hoạch định chính sách ở cấp Nhà nước và cấp bang.

Đáng chú ý, đây là dự luật đầu tiên được giới thiệu tại tòa nhà Quốc hội mới của đất nước sông Hằng

Phát biểu tại Hạ viện, Thủ tướng Narendra Modi tự hào gọi đây là "ngày lịch sử" khi tại tòa nhà Quốc hội mới, "với tư cách là thủ tục tố tụng đầu tiên của Hạ viện, sự khởi đầu của việc tất cả các nghị sĩ mở cửa cho quyền lực của phụ nữ đang được thực hiện với quyết định quan trọng này”.

Thủ tướng Modi tuyên bố, chính phủ của ông đang "đưa ra một dự luật sửa đổi hiến pháp quan trọng", thực hiện "quyết tâm của chúng tôi về sự phát triển do phụ nữ lãnh đạo".

Khẳng định dự luật với tên gọi “Nari Shakti Vandan Adhiniyam" sẽ "tiếp thêm sức mạnh cho nền dân chủ của chúng ta", nhà lãnh đạo Ấn Độ kêu gọi "các nhà lập pháp ủng hộ dự luật”.

“Chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào quá trình phát triển của đất nước”, ông Modi khẳng định.

Phụ nữ hiện chiếm gần một nửa trong tổng số 950 triệu cử tri đã đăng ký của Ấn Độ nhưng chỉ chiếm 15% trong Quốc hội liên bang và khoảng 10% trong cơ quan lập pháp các bang.

Dự luật nếu được thông qua sẽ có hiệu lực trong 15 năm. Theo đó, như tính toán của Bộ trưởng Arjun Ram Meghwal, số lượng nữ nghị sĩ ở Hạ viện sẽ tăng lên 181 so với 82 hiện tại.

Nguyễn Hoàng