Định hướng ưu tiên đầu tư cho y tế cơ sở có ý nghĩa quan trọng với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Năm 2023, Bộ Y tế đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hàng loạt văn bản liên quan đến thể chế chính sách cho hoạt động của ngành. Một trong những văn bản quan trọng đó là Chỉ thị số 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới được Ban Bí thư ban hành.

Với quan điểm y tế cơ sở là nền tảng, Chỉ thị số 25 hướng tới mục tiêu: phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở.

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính nhấn mạnh: Những định hướng ưu tiên về đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng được nêu trong Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Đây cũng là một trong 10 sự kiện nổi bật năm 2023 vừa được Bộ Y tế công bố cách đây không lâu. Nhân dịp này, Báo Sức khỏe & Đời sống đã trao đổi với PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế về những nội dung liên quan đến Chỉ thị số 25.

- Thưa PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Chỉ thị số 25-CT/TW đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở; qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở. Xin bà cho biết cụ thể hơn về nội dung này.

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư đặt ra yêu cầu cao hơn về tư duy, trách nhiệm và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị đối với y tế cơ sở.

Về tư duy, đó là yêu cầu nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; sơ cấp cứu, khám chữa bệnh; quản lý sức khỏe cá nhân và bệnh không lây nhiễm; phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe Nhân dân thông qua các chương trình y tế công cộng, công tác dân số, tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe thường xuyên ngay tại cộng đồng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Về trách nhiệm, đó là yêu cầu về tính chịu trách nhiệm một cách trực tiếp của tổ chức cũng như cá nhân người đứng đầu đối với hoạt động y tế cơ sở.

Về hành động, đó là đòi hỏi cao hơn về chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với công tác y tế cơ sở, trong đó đặc biệt quan trọng là việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở.

- Để nâng cao chất lượng chuyên môn thì yêu cầu quan trọng là nâng chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở với số lượng, cơ cấu phù hợp, có chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ tương xứng. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, mỗi trạm y tế có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; mỗi thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn,...Xin bà cho biết lộ trình thực hiện ra sao?

Thăm khám sức khỏe cho người dân tại trạm y tế.

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Như chúng ta đã biết, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở với số lượng, cơ cấu phù hợp và đảm bảo đội ngũ nhân lực này hoạt động một cách hiệu quả trong việc cung ứng các dịch vụ Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng dân cư là yêu cầu được nhần mạnh trong Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư.

Trong thời gian tới đây, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ/ngành liên quan và các địa phương tiếp tục hoàn thiện khung chính sách liên quan tới phát triển nhân lực y tế cơ sở và triển khai thực hiện các giải pháp mang tính cốt lõi nhằm thúc đẩy sự phát triển một cách bền vững đội ngũ nhân lực y tế cơ sở, trong đó bao gồm nhóm giải pháp đào tạo (như đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo cập nhật liên tục…), nhóm giải pháp tái phân bổ nhân lực y tế (luân phiên, luân chuyển, điều động nhân lực y tế…), và nhóm giải pháp về ưu đãi nhằm thu hút nhân lực (chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ cũng như chính sách tuyển dụng và sử dụng nhân lực…).

- Về chuyên môn, Chỉ thị số 25 đề cập cần tăng cường nguồn lực cho y tế dự phòng, sàng lọc và phát hiện bệnh sớm; từng bước mở rộng danh mục dịch vụ thuộc phạm vi của y tế cơ sở do quỹ BHYT chi trả phù hợp với mức đóng. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, thưa bà?

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Những định hướng ưu tiên về đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng được nêu trong Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Đối với tự thân mạng lưới y tế cơ sở, những định hướng này giúp nâng cao năng lực toàn diện (bao gồm năng lực chuyên môn, quản lý và tài chính) của mạng lưới y tế cơ sở một cách bền vững.

Đối với hệ thống y tế nói chung, những định hướng này hỗ trợ việc kiến tạo một Hệ thống Y tế cân bằng hơn giữa chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản và chăm sóc sức khỏe chuyên sâu, qua đó giúp cải thiện tính công bằng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe cũng như cải thiện tác động tới thực trạng sức khỏe của người dân.

Đối với cộng đồng dân cư, những định hướng này giúp người dân tối ưu hóa hoạt động chăm sóc sức khỏe (thông qua việc chủ động nâng cao sức khỏe, tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ y tế phù hợp một cách thuận lợi nhất).

- Chỉ thị số 25 cũng đề cập đến việc có biện pháp khuyến khích y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe cá nhân. Mặt khác, phát triển mô hình bác sĩ gia đình, thiết lập hệ thống chuyển tuyến chuyên môn linh hoạt. Xin bà cho biết lộ trình triển khai các nội dung này?

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Như chúng ta đã biết, Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư đã đưa ra nhiều định hướng mới về phát triển Mạng lưới Y tế cơ sở trong tình hình mới, trong đó có khuyến khích y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe cá nhân; phát triển mô hình bác sỹ gia đình; và (iii) thiết lập hệ thống chuyển tuyến chuyên môn linh hoạt.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm xây dựng và hoàn thiện khung chính sách và hệ thống hướng dẫn chuyên môn về những vấn đề này, trên cơ sở đó sẽ tiến hành triển khai thực hiện từng bước (thí điểm, đánh giá và mở rộng phạm vi thực hiện).

Chằng hạn, để huy động có hiệu quả sự tham gia của y tế ngoài công lập vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong thời gian tới chúng ta cần nghiên cứu những giải pháp đồng bộ về quản trị (xác định phạm vi ưu tiên dành cho y tế ngoài công lập, tăng cường sự cộng tác, giảm thiểu nguy cơ xung đột lợi ích giữa y tế công lập và ngoài công lập trong chăm sóc sức khỏe ban đầu…), về kỹ thuật (đảm bảo chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu) và về tài chính (tăng tính hấp dẫn về tài chính khi cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu).

Y tế cơ sở giữ vai trò tuyến đầu trong phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động của y tế cơ sở được đẩy mạnh, tăng cường kết nối giữa y tế cơ sở với y tế tuyến trên và người dân trong tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh từ xa; thống kê, quản lý dữ liệu,…sẽ được thực hiện ra sao, thưa bà?

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Trong lĩnh vực y tế, có 3 yếu tố rất quan trọng mà mọi hệ thống y tế đều rất khó, thậm chí không thể cải thiện một cách đồng thời, đó là diện bao phủ, chất lượng dịch vụ và chi phí y tế (được ví như 3 đỉnh của một tam giác).

Chẳng hạn, nếu chúng ta nỗ lực đảm bảo dịch vu y tế có chất lượng cao, được bao phủ rộng khắp thì đồng nghĩa với việc chúng ta phải chấp nhận chi phí dành cho y tế tăng cao. Tuy nhiên gần đây với làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin viễn thông, người ta cho rằng các giải pháp y tế thông minh có thể giúp chúng ta vượt qua ngưỡng thách thức "Tam giác diện bao phủ, chất lượng dịch vụ và chi phí y tế". Chính vì vậy, việc chuyển đổi số đối với Ngành Y tế là xu hướng không thể đảo ngược.

Cụ thể đối với hoạt động của y tế cơ sở, trong thời gian tới Ngành Y tế sẽ ưu tiên đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm cải thiện toàn bộ các mặt hoạt động của Y tế cơ sở, trong đó chú trọng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực vận hành, hoàn thiện các chính sách khuyến khích chuyển đổi số cũng như hoàn thiện hệ thống hướng dẫn kỹ thuật.

- Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Phan Lê Thu Hằng!

Thái Bình (thực hiện)