Điện Biên khai thác giá trị văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng

“Thức dậy” tiềm năng du lịch

Mới đi vào hoạt động gần 1 năm, đến nay, bản du lịch cộng đồng Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, ỉnh Điện Biên đã được đông đảo du khách biết đến.

Nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, bản Nà Sự có lợi thế phát triển kinh tế - xã hội hơn nhiều địa phương trong xã, huyện. Đặc biệt, bà con nơi đây còn giữ gìn được nhiều nét đặc trưng, văn hóa truyền thống của người Thái như nếp nhà sàn, ẩm thực, trang phục, tập quán sinh hoạt, những nét bản sắc văn hóa dân ca, dân vũ, đời sống tâm linh.

Du khách thưởng thức ẩm thực địa phương tại bản du lịch cộng đồng Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ. Ảnh: ND

Trong bản có 5 gia đình có nhà cửa sạch đẹp được chọn làm điểm homestay để khách du lịch trải nghiệm không gian sống của đồng bào dân tộc Thái.

Cùng với đó, bản Nà Sự đã thành lập đội văn nghệ, thường xuyên tổ chức tập luyện và biểu diễn các chương trình văn nghệ dân tộc để phục vụ khách du lịch. Tại điểm du lịch cộng đồng, du khách sẽ được khám phá, trải nghiệm thực tế sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con dân tộc Thái: Tham gia chế biến món ăn, tham quan cảnh đẹp quanh bản; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thưởng thức ẩm thực địa phương, nghỉ ngơi tại các gia đình trong bản.

Ngoài Nậm Pồ, nhiều địa phương khác trong tỉnh Điện Biên cũng đang tập trung đánh thức tiềm năng du lịch mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số. Tại huyện Tủa Chùa, với nhiều thắng cảnh nổi tiếng: Cao nguyên đá cổ Tả Phìn, hệ thống ruộng bậc thang, chợ phiên, hội xuân, các di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và một số di tích, hang động, huyện đang đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Theo ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, trên địa bàn huyện có 7 dân tộc sinh sống gồm: Mông, Thái, Kinh, Khơ Mú, Dao, Hoa, Phù Lá. Trong đó, dân tộc Mông chiếm hơn 70%, vì lẽ đó mà Tủa Chùa được coi là vùng đất phản ánh đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Mông.

Lễ hội Bun Huội Nậm của đồng bào dân tộc Lào ở tỉnh Điện Biên. Ảnh: TL

Đặc trưng hấp dẫn du khách là trải nghiệm chợ phiên vùng cao tại 2 xã: Tả Sìn Thàng, Xá Nhè và chợ đêm vào tối thứ 7 hàng tuần tại thị trấn Tủa Chùa. Nơi đây, hội tụ đủ màu sắc của các dân tộc trên địa bàn, là nơi mua bán, trao đổi những đặc sản địa phương như: Lợn cắp nách, rượu Mông pê, gà xương đen, cá sông Đà, chè cổ thụ và các sản phẩm thủ công truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.

Trong khi đó, tại thị xã Mường Lay, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai nhiều kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa vốn có để phát triển du lịch; gìn giữ và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái như: Điệu xòe Thái cổ, điệu múa cổ cũng như trang phục truyền thống của người dân tộc Thái.

Với vẻ đẹp sông nước được ví như “viên ngọc quý” trên đỉnh trời Tây Bắc cùng nền văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái trắng, thị xã Mường Lay vẫn đang kết hợp công tác bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa với việc phát triển du lịch.

Trong đó, các tour du lịch ở Mường Lay chủ yếu đưa khách tham quan lòng hồ thủy điện, các di tích lịch sử như: Dinh thự Đèo Văn Long, di tích Pú Vạp, hệ thống nhà sàn mái đá đặc trưng, đồng thời trải nghiệm du lịch cộng đồng, thưởng thức các điệu xòe, điệu múa cũng như ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.

Các cấp, các ngành cùng vào cuộc

Từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, thời gian qua, các thôn, bản trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được đầu tư thiết chế văn hóa, khôi phục, thành lập các câu lạc bộ dân ca dân vũ, hỗ trợ chính sách cho các nghệ nhân để bảo tồn văn hóa phi vật thể… Qua đó, giúp đồng bào nhất là ở các bản du lịch cộng đồng thêm nguồn lực đẩy để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phiên chợ vùng cao tại Lễ hội hoa ban tỉnh Điện Biên. Ảnh: TL

Theo ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Điện Biên, là tỉnh miền núi, biên giới, có 19 dân tộc cùng sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa. Xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những năm qua, tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Ông Đoàn Văn Chì cho biết thêm, trên địa bàn tỉnh hiện đã có 11 bản văn hóa đang triển khai các dịch vụ phục vụ khách du lịch giao lưu ẩm thực, văn hóa văn nghệ, sản xuất hàng thổ cẩm truyền thống... Ngoài ra, còn có 5 homestay đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ và trải nghiệm các nét văn hóa dân tộc, mở ra hướng phát triển mới cho người dân từ du lịch cộng đồng.

Ngoài các bản sắc văn hóa dân tộc Thái, thời gian gần đây, ngành Văn hóa Du lịch tỉnh đã nỗ lực đưa thêm các nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc khác như: Múa khèn của dân tộc Mông; Tết Hồ Sự Chà - Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì; Tết Té nước của dân tộc Lào… vào chuỗi du lịch văn hóa của địa phương, nhằm mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn với du khách và từng bước đưa du lịch văn hóa - lịch sử trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Trang phục của người Hà Nhì ở tỉnh Điện Biên. Ảnh: TL

Đồng thời, tỉnh đã có nghị quyết và đề án bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị của các làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn. Bảo tồn phát huy giá trị những di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh như: Xòe Thái, Then Tày - Nùng - Thái.

Trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục phát huy những giá trị này gắn với du lịch cộng đồng, để làm sao cho du khách thấy được những nét đẹp văn hóa của 19 dân tộc anh em.

T.Toàn