Để du lịch nông nghiệp ở Việt Nam bứt phá…

Đó là nhận định của Tiến sĩ Jackie Ong, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT. Bà cho biết du lịch nông nghiệp bao gồm các hoạt động xoay quanh nông nghiệp, người nông dân và cảnh quan nông thôn. Loại hình này có thể cung cấp trải nghiệm toàn diện, hấp dẫn, cũng như mang tính giải trí và giáo dục...

Động lực phát triển nông thôn toàn diện

Theo bà Jackie Ong, chính nguồn di sản văn hóa phong phú gắn liền với truyền thống trồng lúa và các vườn cây ăn trái bạt ngàn đang tạo tiền đề cho ngành công nghiệp này phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.

Việt Nam đã chứng kiến làn sóng du lịch nông nghiệp tăng vọt trong thời gian gần đây. Các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức và cá nhân đã và đang đầu tư khai thác yếu tố nông nghiệp nhằm phát triển những sản phẩm du lịch đậm đà bản sắc văn hóa, đáp ứng thị hiếu của du khách.

Ở miền Bắc, các tour du lịch nông nghiệp tập trung vào trồng cấy lúa nước truyền thống và các nghề thủ công, như tour trải nghiệm văn hóa đồng lúa hay khám phá con đường di sản ở làng cổ Đường Lâm, Hà Nội.

Tiến sĩ Jackie Ong, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT .

Ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, các sản phẩm thể hiện tính đa dạng nông nghiệp, ví dụ như tour tham quan làng dân tộc thiểu số ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Số lượng du khách đến với loại hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao cũng gia tăng đáng kể ở nhiều địa phương.

Mặc dù số liệu thống kê còn hạn chế nhưng có thể thấy du lịch nông nghiệp đang ngày càng thu hút người tham gia, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế. Hơn nữa, du lịch nông nghiệp có thể đóng vai trò then chốt trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa.

Bằng cách đưa các yếu tố giáo dục vào trải nghiệm du lịch nông nghiệp, du khách sẽ hiểu sâu hơn về truyền thống và văn hóa cũng như tầm quan trọng của các hoạt động bền vững, thúc đẩy mối liên hệ có ý nghĩa hơn với điểm đến.

Những thách thức cản trở

Tuy nhiên, Tiến sĩ Jackie Ong cũng nêu ra một một số thách thức đang cản trở du lịch nông nghiệp phát huy hết tiềm năng ở Việt Nam.

Mặc dù Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú nhưng ngành du lịch nông nghiệp hiện nay vẫn thiếu tính chuyên nghiệp. Các hoạt động thường diễn ra tự phát ở quy mô nhỏ và thiếu chiến lược thương hiệu. Điều này khiến sản phẩm du lịch gặp khó khăn trong thu hút sự quan tâm của du khách.

Du lịch nông nghiệp cũng phải đối mặt với những thách thức về chất lượng dịch vụ, cụ thể là nhiều người dân địa phương còn thiếu kỹ năng cần thiết để phục vụ du khách một cách chuyên nghiệp.

Theo bà, các vấn đề về kết nối đặt ra thách thức thứ ba khi sự hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch và điểm đến vẫn chưa chặt chẽ. Điều này cản trở tạo ra các sản phẩm du lịch tích hợp và hấp dẫn cả khách trong nước và quốc tế.

Tuyến đường đạp xe giữa không gian ruộng lúa tuyệt đẹp ở miền Bắc. (Nguồn: Unsplash)

Các sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng, hay sản phẩm đặc sản vùng miền đi kèm dịch vụ du lịch nông nghiệp còn thiếu thương hiệu và bao bì hấp dẫn, phần nào khiến du khách ngần ngại về chất lượng và độ an toàn; việc giới thiệu và trình bày quy trình sản xuất không đầy đủ cũng làm giảm trải nghiệm mua sắm của du khách.

Bà Jackie Ong cho biết thêm: “ Việc thiếu nguồn lao động có kỹ năng ảnh hưởng đến khả năng cung cấp trải nghiệm du lịch nông nghiệp sáng tạo và chất lượng cao. Tình trạng thiếu đào tạo về quản lý vận hành cho các điểm đến nông nghiệp và làng nghề càng làm trầm trọng thêm những hạn chế này.

Cuối cùng, các nỗ lực quảng bá và tiếp thị hiện tại chủ yếu tập trung vào quảng bá du lịch nói chung mà bỏ qua sức hấp dẫn riêng của các sản phẩm du lịch nông nghiệp”.

Tiến sĩ Phạm Hương Trang, giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn Đại học RMIT.

Nuôi dưỡng thành công

Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Hương Trang, giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn Đại học RMIT, cho rằng để đảm bảo phát triển hiệu quả, các hoạt động du lịch nông nghiệp cần có không gian dịch vụ bài bản.

Đó có thể là nông trại, cánh đồng, vườn cây ăn trái, làng nghề truyền thống hay các vùng quê có giá trị văn hóa, lễ hội, ẩm thực địa phương độc đáo.

Ngoài ra, sự tham gia của cộng đồng địa phương là đặc biệt quan trọng. Là đối tượng gắn bó mật thiết với môi trường văn hóa và phương pháp sản xuất, người dân địa phương đóng vai trò không thể thiếu trong việc tổng hợp và chia sẻ các giá trị văn hóa với du khách.

Họ trở thành người bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa nông nghiệp, góp phần tạo nên trải nghiệm du lịch “có một không hai”.

Theo Tiến sĩ Phạm Hương Trang, ở Việt Nam, các khoản đầu tư trong tương lai vào du lịch nông nghiệp nên tập trung cung cấp các dịch vụ quy mô nhỏ nhưng tinh tế, chuyên nghiệp và thân thiện như homestay và những chuyến dã ngoại cho học sinh.

Các sản phẩm bổ trợ cho du lịch nông nghiệp nên hướng tới cung cấp dịch vụ liên quan đến chăm sóc sức khỏe, thực phẩm chữa bệnh, mỹ phẩm thiên nhiên và trải nghiệm spa.

Sự đa dạng hóa này không chỉ nâng cao trải nghiệm du lịch tổng thể và đáp ứng thị hiếu đa dạng của du khách, mà còn giúp ngành du lịch nông nghiệp Việt Nam trở nên bền vững và hấp dẫn hơn.

Tiến sĩ Phạm Hương Trang nhấn mạnh: “Tại Việt Nam, chủ trương phát triển du lịch nông nghiệp đánh dấu bước tiến đầy hứa hẹn hướng tới phát triển nông thôn, bảo tồn văn hóa và kinh tế bền vững.

Nhiều đồi chè ở Việt Nam mở cửa đón khách du lịch. (Nguồn: Pexels).

Cảnh quan nông nghiệp và truyền thống văn hóa phong phú của Việt Nam là nền tảng thuận lợi cho những trải nghiệm chân thực, mang tính giáo dục, đóng góp đáng kể cho ngành du lịch nói chung”.

Cũng theo bà, nếu vượt qua được khó khăn và tận dụng được những thế mạnh độc đáo của mình, Việt Nam có thể định vị trở thành quốc gia đi đầu về du lịch nông nghiệp bền vững và đậm đà bản sắc văn hóa.

Phương Linh