Đại tướng Ngô Xuân Lịch dự Hội nghị tổng kết công tác hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam

Dự hội nghị có Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ĐBQH tỉnh Hà Nam khóa XIV, cùng các đại biểu là thành viên của đoàn ĐBQH tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021. Hội nghị do đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam chủ trì hội nghị.

Đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam tặng hoa các ĐBQH tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Báo cáo trung tâm của hội nghị cùng các ý kiến tham luận tập trung đánh giá: Nhiệm kỳ vừa qua, đoàn ĐBQH khóa XIV của tỉnh Hà Nam đã tổ chức và hoạt động trên cơ sở Luật tổ chức Quốc hội, quy chế hoạt động của ĐBQH và đoàn ĐBQH, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và các quy định pháp luật có liên quan. Chức năng, nhiệm vụ của ĐBQH được xác định rõ hơn, nhiều mặt hoạt động được thực hiện với tinh thần thẳng thắn, đổi mới phương thức hoạt động. Các ĐBQH trong đoàn đã tích cực tham gia vào công tác xây dựng pháp luật, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tham gia giám sát tối cao và tham gia các hoạt động của đoàn ĐBQH tại địa phương. Tại các kỳ họp quốc hội, các ĐBQH của tỉnh Hà Nam đều tuân thủ nội quy kỳ họp, tích cực tham gia các nội dung theo chương trình đã đề ra. Các hoạt động lấy ý kiến xây dựng các dự án luật, giám sát và khảo sát tình hình, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân đều được tổ chức thực hiện ngày càng đi vào nền nếp và đạt chất lượng cao hơn. Các ĐBQH đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri trong mọi hoạt động và đã phấn đấu giữ gìn phẩm chất, đạo đức, uy tín, xứng đáng là người đại biểu tin cậy của nhân dân. Hoạt động của đoàn ĐBQH và ĐBQH trong nhiệm kỳ khóa XIV của tỉnh Hà Nam đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, củng cố niềm tin của cử tri vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và vai trò của Quốc hội trong đời sống chính trị của đất nước…

Quang cảnh hội nghị.

Có được những kết quả trên đây là nhờ các ĐBQH của tỉnh đã xác định rõ trách nhiệm trước cử tri, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân và nỗ lực phấn đấu thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao. Các ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động trong việc tổ chức các hoạt động của ĐBQH và đoàn ĐBQH; đồng thời, đó còn là sự ủng hộ, cộng tác và phối hợp tích cực, kịp thời, thường xuyên của Thường trực Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam và các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cũng như đông đảo cử tri trong tỉnh.

Các ĐBQH tỉnh Hà Nam khóa XIV trao đổi bên lề hội nghị.

Hội nghị cũng chỉ ra một số điểm còn tồn tại của đoàn ĐBQH tỉnh trong nhiệm kỳ vừa qua, đó là: Công tác xây dựng pháp luật tuy được chú ý tổ chức lấy ý kiến trong các sở, ban, ngành và tổ chức nghiên cứu theo hình thức chuyên gia, nhưng chất lượng còn dừng lại ở mức độ nhất định, chưa thật sự giúp nhiều cho các ĐBQH trong đoàn sử dụng kết quả nghiên cứu để tham gia thảo luận, tranh luận tại hội trường khi Quốc hội xem xét, thông qua các dự án luật. Hoạt động giám sát tuy đã chủ động tổ chức được nhiều cuộc giám sát theo hình thức giám sát chuyên đề, nhưng một số kiến nghị sau giám sát chưa thật sự rõ, tính hiệu lực, hiệu quả còn hạn chế; hoạt động tiếp xúc cử tri chỉ mới được tổ chức ở từng đơn vị xã, phường, thị trấn, mà chưa tổ chức được nhiều tiếp xúc cử tri theo chuyên đề và tiếp xúc theo ngành, giới để nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân…

Hội nghị cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm cho hoạt động của đoàn ĐBQH tỉnh trong nhiệm kỳ tới là: Trong hoạt động của đại biểu, tổ chức và hoạt động của đoàn ĐBQH luôn phải tuân thủ nguyên tắc Đảng lãnh đạo. Đây vừa là nguyên tắc hiến định, vừa là cơ sở, điều kiện để đảm bảo thực hiện thành công mọi nhiệm vụ đại biểu. Luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến cử tri, thường xuyên củng cố mối liên hệ mật thiết với cử tri nơi bầu cử cũng như cử tri cả nước. Luôn đổi mới phương thức tiếp xúc, chú trọng tiếp xúc theo chuyên đề. Qua đó, giúp đại biểu thu thập được nhiều thông tin sát thực, phản ánh đúng những vấn đề bức xúc, những mối quan tâm chung của xã hội. Việc lựa chọn chuyên đề giám sát, đối tượng giám sát cần phải được lựa chọn gắn với từng nội dung giám sát cụ thể để nắm bắt đầy đủ thông tin và đưa ra các kiến nghị chính xác sau giám sát…

Tin, ảnh: CƯỜNG ANH TRƯỜNG