Đà Nẵng phát triển nguồn nhân lực 'đón đầu' công nghiệp vi mạch bán dẫn

Ngày 10/10, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, vấn đề đặt ra với TP Đà Nẵng”.

Định vị Đà Nẵng trong hệ sinh thái bán dẫn thế giới

UBND thành phố Đà Nẵng trước đó đã ban hành Kế hoạch số 163 ngày 16/8/2023 về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố đến năm 2030, trong đó xác định ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch.

Đà Nẵng định hướng phát triển nguồn nhân lực để "đón đầu" công nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn. Ảnh: Giang Thanh

Theo ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, việc nâng tầm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện và cam kết của Hoa Kỳ trong hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ sinh thái bán dẫn mở ra cơ hội cho Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng trong tham gia chuỗi cung bán dẫn, vi mạch toàn cầu.

“Đây là động lực để Đà Nẵng tiếp tục phát triển, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, nhất là con người. Các nguồn lực này không chỉ là cơ hội mới mà là sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và của các cơ sở đào tạo”, ông Chinh nói.

Ông Trịnh Thanh Lâm - Giám đốc kinh doanh Synopsys khu vực Nam Á, đánh giá Đà Nẵng có nhiều lợi thế để phát triển lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn. “Chính quyền địa phương quyết tâm, có chính sách khuyến khích phát triển công nghệ. Nơi đây có hệ thống các trường đào tạo nhân lực chuyên ngành công nghệ thông tin; cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bài bản; hệ sinh thái khởi nghiệp có thể ươm tạo các start-up trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn”, ông Lâm nói.

Theo ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Synopsys khu vực Nam Á, đơn vị sẵn sàng hỗ trợ Đà Nẵng trong đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn.

Theo ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, Đà Nẵng phải có tham vọng mãnh liệt để viết tên trong hệ sinh thái vi mạch bán dẫn của thế giới.

Địa phương cũng có rất nhiều lợi thế bởi lãnh đạo thành phố đã sớm đón đầu và định hướng thiết kế vi mạch bán dẫn là động lực tăng trưởng mới. “Bài học của tôi là đứng trên vai người khổng lồ. FPT sẵn sàng hỗ trợ Đà Nẵng kết nối, mời gọi các 'ông lớn' bán dẫn đặt nền móng hợp tác, cam kết cùng Đà Nẵng phát triển nguồn nhân lực. Đà Nẵng sẽ là thủ phủ vi mạch bán dẫn của Tập đoàn FPT trong thời gian đến”, ông Bình nói.

Bắt tay đào tạo đội ngũ chuyên gia

Hiện, Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, trong đó Đà Nẵng chiếm tỷ lệ 7%. Các công ty hoạt động về thiết kế vi mạch lớn, có thể kể đến đó là: Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, FPTsemi, Sannei Hytechs… với khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng).

Đánh giá cao hệ thống các viện, trường đào tạo cũng như đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin của Đà Nẵng, ông Trịnh Thanh Lâm cho biết, Synopsys đang có các chương trình đào tạo để nâng cao năng lực cho giảng viên các trường đại học và sẵn sàng hợp tác với Đà Nẵng để triển khai.

Bên cạnh đó, đại diện Synopsys cũng đề nghị Đà Nẵng nên mở các trung tâm đào tạo tăng tốc để sinh viên công nghệ thông tin có cơ hội học tập với chuyên gia, thực hành phòng lab.

“Chúng tôi sẵn sàng kết nối để giới thiệu các bên thứ 3 chuyên về đào tạo nguồn nhân lực và chịu trách nhiệm đầu ra trong lĩnh vực này; đảm bảo cung cấp nhân lực chất lượng cho các công ty vi mạch, bán dẫn khi vào Việt Nam”, ông Lâm nói.

Chia sẻ về câu chuyện nguồn nhân lực, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho hay, mỗi năm, tập đoàn này có 6.000 – 7000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp. Để họ có thể làm việc cho ngành vi mạch bán dẫn, FPT sẵn sàng bắt tay cùng các công ty sản xuất chip như Synopsys để đào tạo từ xa trong 6 tháng.

Ông Trương Gia Bình cho biết Đà Nẵng sẽ là thủ phủ vi mạch bán dẫn của Tập đoàn FPT trong thời gian tới.

Tập đoàn cũng có thể gửi sinh viên sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) làm việc tạo nguồn nhân lực nhanh chóng, sau đó, đưa nhân sự này quay về làm việc tại Đà Nẵng. “FPT cam kết đào tạo khoảng 15.000 nhân lực ngành vi mạch bán dẫn, trong đó, dự kiến sẽ đào tạo khoảng 10.000 nhân lực ở Đà Nẵng, sau đó nâng dần lên qua các năm”, ông Bình nói.

Chủ tịch Tập đoàn FPT cũng đề xuất Đà Nẵng cần tăng cường hợp tác, kết nối với các trường đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn hàng đầu trong khu vực và trên thế giới; xây dựng những chương trình đào tạo tiệm cận nhất với thế giới; có những cơ chế ưu đãi để mời gọi chuyên gia trong lĩnh vực này từ khắp nơi trên thế giới gắn bó với địa phương.

Còn theo PGS.TS Phạm Hồng Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), trong định hướng ngắn hạn (từ 6 tháng đến 2 năm), trường sẽ cử giảng viên tham gia các khóa học chuyên sâu về thiết kế vi mạch bán dẫn để bổ sung vào đội ngũ.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Bách khoa cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, các chuyên gia xây dựng các khóa đào tạo ngắn hạn để nâng cao năng lực cho sinh viên, cải tiến các chương trình hiện có.

“Năm 2024, Trường Đại học Bách khoa sẽ mở mới chuyên ngành Vi điện tử đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch, cung cấp 60 – 100 nhân lực chuyên sâu mỗi năm, có thể thích ứng nhanh sau khi được tuyển dụng. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp bán dẫn hỗ trợ chi phí để sinh viên cam kết làm việc cho doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp”, PGS.TS Phạm Hồng Hải cho hay.

Giang Thanh