Chống tham nhũng, cài cắm lợi ích

Ngày 28-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9-2023.

Chậm ban hành văn bản quy định chi tiết

Về đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ một số quy định liên quan quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn nằm ở một số văn bản dưới luật. Do đó, cần luật hóa theo hướng bảo đảm chính sách hợp lý, khả thi, hiệu quả; hạn chế điều kiện kinh doanh không cần thiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Liên quan đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Thủ tướng cho rằng sau hơn 10 năm thi hành, một số quy định không còn phù hợp, một số hoạt động phát sinh - như quảng cáo trên môi trường mạng, quảng cáo xuyên biên giới - cần được bổ sung quy định... Ngoài ra, một số quy định trong Luật Quảng cáo trùng lắp với Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược... Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất để phát triển hoạt động quảng cáo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên môi trường mạng, nhất là với các nền tảng xuyên biên giới; bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng của người dân.

Thảo luận về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến cho hay tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để; có văn bản chưa bảo đảm chất lượng. Về nội dung này, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, nghiên cứu sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành. Đối với các văn bản cần ban hành trong thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu bảo đảm đúng thời hạn, chất lượng; không để tiếp tục xảy ra tình trạng nợ đọng, chậm ban hành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý bố trí cán bộ đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, trách nhiệm và đam mê; tuyển nhân sự xuất sắc cho đơn vị phụ trách xây dựng pháp luậtẢnh: NHẬT BẮC

Cần phản ứng chính sách kịp thời

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ; hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật, dự thảo báo cáo theo quy định. Khẳng định tầm quan trọng của thể chế với việc giải phóng, huy động nguồn lực cho phát triển đất nước, Thủ tướng lưu ý cần phản ứng chính sách kịp thời; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi kèm với phân bổ nguồn lực phù hợp, cá thể hóa trách nhiệm; tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp.

"Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tiếp xúc trực tiếp; chống tiêu cực, tham nhũng, cài cắm lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, cục bộ" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu bộ, cơ quan nào chưa giao bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách, chịu trách nhiệm về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì phải phân công trong tháng 9-2023 và báo cáo Thủ tướng.

Thủ tướng lưu ý bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, trách nhiệm và đam mê; xem xét tuyển mới nhân sự xuất sắc cho đơn vị phụ trách xây dựng pháp luật. Bộ Tư pháp được giao phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chính sách, chế độ phù hợp cho đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng pháp luật. Khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cần tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội; lắng nghe ý kiến của những đối tượng chịu tác động, nhà khoa học, nhà quản lý...

M.Chiến

BẢO TRÂN