Châu Phú nắm bắt tâm tư, nguyện vọng thanh niên

Đoàn viên, thanh niên tham dự đối thoại với lãnh đạo UBND huyện

Phó Bí thư Huyện đoàn Châu Phú Trịnh Thị Xuân Thảo cho biết: “Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND huyện và sự phối hợp hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể địa phương, công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi của huyện được thực hiện với nhiều nội dung thiết thực, phù hợp tình hình thực tế và đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của ĐVTN. Việc tổ chức hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo UBND huyện với thanh niên năm 2024 chủ đề “Thanh niên Châu Phú sáng tạo khởi nghiệp, lập nghiệp” có ý nghĩa quan trọng, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của thanh niên hiện nay liên quan đến nguồn vốn, việc làm, đào tạo nghề, chuyển đổi số…”.

Tại buổi đối thoại, các ĐVTN, cán bộ Đoàn địa phương đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên, chính sách hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế… và được lãnh đạo UBND huyện Châu Phú, các phòng, ban chuyên môn trả lời thỏa đáng. Trong số những vấn đề được đông đảo ĐVTN quan tâm là chính sách, chương trình hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp đối với thanh niên.

Giải đáp những nội dung liên quan vấn đề này, đại diện các ngành chuyên môn của huyện Châu Phú cho biết, những năm qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện. tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa cao, số lượng lao động tham gia học nghề còn thấp, phần đông người tập trung học nghề về lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi). Đối với các lớp dạy nghề phi nông nghiệp, như: May công nghiệp, may dân dụng… có số học viên tham gia thấp.

Do đó, để giải quyết vấn đề thiếu việc làm cho lao động và thiếu đầu ra cho sản phẩm sau khi học nghề, thời gian tới, các đơn vị chuyên môn huyện Châu Phú sẽ tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp (DN) và người học nghề.

Trong đó, chú trọng xác định nhu cầu thị trường, khảo sát nhu cầu lao động của DN để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Đồng thời, ký kết hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề và DN để DN tham gia vào quá trình đào tạo, cung cấp thực tập, cũng như cam kết tuyển dụng học viên sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch bắt đầu từ năm 2024 bố trí ngân sách huyện từ 1 - 2 tỷ đồng/năm, để ủy thác qua Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Châu Phú cho đối tượng vay vốn ủy thác là người lao động thuộc hội viên của các đoàn thể.

Cùng với những vấn đề về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, lao động, việc làm, ĐVTN còn quan tâm đến những giải pháp hạn chế tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội, bạo lực học đường, đuối nước, xung đột trên không gian mạng… Thông tin đến ĐVTN, Phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian qua, UBND huyện chỉ đạo đơn vị phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, hướng dẫn các đơn vị trường học trên địa bàn huyện thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội (TNXH), bảo đảm an ninh, an toàn trường học. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường, TNXH và vi phạm pháp luật trong học sinh nói chung và học sinh trên địa bàn huyện Châu Phú nói riêng vẫn còn diễn ra.

Để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và TNXH trong học sinh trên địa bàn huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương chủ động triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị 02/CT-TTg, ngày 26/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và TNXH trong học sinh, sinh viên”. Định kỳ phối hợp Công an huyện Châu Phú tổ chức các buổi tuyên truyền tại các trường học về tình trạng bạo lực học đường, xâm hại tình dục, đuối nước, xung đột trên không gian mạng, an toàn giao thông…

Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các đơn vị trường học phát huy tốt hiệu quả hoạt động của tổ tư vấn tâm lý học đường, để kịp thời xử lý các vấn đề có liên quan đến bạo lực học đường, xung đột trên không gian mạng; tuyên truyền, giáo dục kỹ năng, các quy định của pháp luật trong khai thác, sử dụng mạng xã hội.

Thường xuyên, phối hợp hiệu quả với phụ huynh học sinh trong công tác giáo dục phẩm chất, đạo đức con em; cung cấp, trao đổi kịp thời các thông tin, tình huống có dấu hiệu bất thường trong học sinh giữa nhà trường, giáo viên và gia đình. Đồng thời, thực hiện tốt việc đưa nội dung dạy bơi vào chương trình giảng dạy tại các trường học, góp phần khắc phục tình trạng đuối nước trong học sinh…

MỸ LINH