'Cảm xúc của khách hàng là một loại sản phẩm đặc biệt'

Lê Mai Phương và sản phẩm trái cây sạch của Vườn Nhà Cây

Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với chị Lê Mai Phương về công việc kinh doanh của chị.

- Tốt nghiệp ĐH Luật, ra trường làm nhân viên ngân hàng, đó là công việc đáng mơ ước của nhiều người trẻ. Cơ duyên nào khiến chị khởi nghiệp bằng việc kinh doanh trái cây sạch mà nghỉ công việc ngân hàng?

Năm 2014 tôi mang bầu và nghén trái cây. Thời điểm đó, tôi đi "lùng" khắp nơi để mua trái cây sạch cho mình. Sau khi sinh con, "thức ăn" chủ yếu của con tôi cũng là… trái cây. Trái cây sạch là tiêu chí rất quan trọng với tôi. Khi tìm hiểu được nhiều cơ sở sản xuất trái cây sạch uy tín, tôi gom về cho gia đình và cho bạn bè. Tôi nghĩ ngay đến việc khởi nghiệp trái cây sạch khi đã có trong tay kha khá lượng khách hàng. Có thể nói, ý tưởng khởi nghiệp của tôi đến từ việc người mẹ đi tìm sản phẩm sạch cho con.

Chị Phương cho biết, ý tưởng khởi nghiệp của chị đến từ việc người mẹ đi tìm sản phẩm sạch cho con

- Kinh doanh trái cây sạch là công việc không dễ khi trái cây bán tràn lan ngoài sạp, ngoài chợ. Trong quá trình khởi nghiệp, chị có gặp khó khăn gì?

Từ năm 2014, tôi đã bán online. Năm 2016, tôi mở cửa hàng. Kinh doanh trái cây sạch thì uy tín về chất lượng là vô cùng quan trọng. Với những mặt hàng nào không đạt chất lượng, tôi sẽ ngưng bán. Tôi luôn cố gắng cung cấp dịch vụ tốt, chất lượng đảm bảo. Vì vậy, "Vườn nhà cây" là địa chỉ tin cậy của rất nhiều khách hàng kỹ tính ở thành phố Quy Nhơn.

Tuy nhiên, khoảng năm 2020 là giai đoạn mà tôi gặp khó khăn. Không phải khó khăn vì lượng khách hàng hay doanh số sụt giảm mà trong tôi luôn đau đáu câu trả lời: Tại sao sau một ngày làm việc lại khiến mình mệt mỏi? Mình phải la nhân viên, phải buồn vì những comment (bình luận) góp ý nặng nề? Cuộc sống của mình không thể như thế này! Mình muốn sau một ngày làm việc thì tối đặt lưng cảm thấy ngủ ngon chứ không phải là sự mệt mỏi. Kinh doanh cần mang đến cho mình niềm vui, chứ kinh doanh không phải là vì tiền.

"Vườn nhà cây" là địa chỉ tin cậy của rất nhiều khách hàng kỹ tính ở thành phố Quy Nhơn

Và sau một thời gian dài trăn trở, tôi đã tìm ra câu trả lời: Cảm xúc của khách hàng chính là một loại sản phẩm đặc biệt. Thông qua cảm xúc khách hàng vui hay không vui chính là phản ánh chất lượng dịch vụ của chúng tôi. Tôi xác định với các nhân viên, chúng ta phải làm việc, phục vụ khách hàng hết lòng, phải thương kính khách hàng. Bởi nhờ có khách hàng, chúng ta mới có nguồn thu nhập ổn định. Trong kinh doanh, không có yếu tố đúng- sai, quan trọng là khách hàng cảm thấy hài lòng về sự tử tế ở chúng ta.

Chặng đường kinh doanh 10 năm, tôi cho rằng không có việc gì khó. Nếu bản thân mình thấy khó thì sẽ là khó. Việc gì cũng có cách làm và đều có thể vượt qua được.

Với chị Phương, cảm xúc của khách hàng chính là một một loại sản phẩm đặc biệt

- Để làm được điều đó, chị đã làm như thế nào?

Là người trẻ, tôi biết, nếu không nâng cấp bản thân liên tục thì mình sẽ không theo kịp nhiều người trẻ rất giỏi hiện nay. Thế nên, tôi thường xuyên tham gia các khóa học để nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình. Chưa hết, tôi còn mời chuyên gia về công ty để đào tạo, nâng cấp cho các nhân viên của mình. Việc kinh doanh biến động mỗi ngày, nếu mình không nâng cấp bản thân, nâng cấp đội ngũ nhân viên của mình thì mình sẽ sớm thụt lùi phía sau. Các nhân viên được đào tạo về kỹ năng ứng xử với khách hàng, kỹ năng bán hàng, làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo…

Các nhân viên cũng liên tục được đào tạo về viết content, quay video, chụp hình, edit video, tương tác với khách hàng, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giải quyết vấn đề với khách hàng…Tôi muốn các bạn nhân viên gen Z của mình phải hướng đến nâng cao giá trị bản thân từ công việc mình làm. Đó chính là cách các bạn tạo ra thương hiệu bản thân. Và, thương hiệu công ty cũng đến từ đó.

Chị Phương luôn quan tâm đến việc nâng cấp bản thân, nâng cấp nhân viên

Tôi cũng quán triệt với nhân viên của mình, phải bán hàng bằng tình thân. Phải nhớ khẩu vị của khách hàng. Phải đối xử với khách hàng như người nhà. Và cư xử với khách hàng bằng sự tử tế. Đặc biệt, không bán hàng bằng mọi giá. Phải cung cấp dịch vụ để khách hàng cảm thấy an tâm.

- Kết quả mà chị nhận được khi thực hiện việc nâng cấp bản thân và nâng cấp nhân viên là gì?

Hiện tại, công ty Vườn nhà cây của tôi có hơn 20 nhân viên- đều là lao động trẻ. Tôi tâm niệm, quan trọng nhất trong kinh doanh là phải hạnh phúc. Đó là làm người khác hạnh phúc và mình cũng cảm thấy hạnh phúc. Tôi đã làm điều đó bằng việc kinh doanh dễ thương. Đó là đem sự tử tế ra ứng xử để không xảy ra sự không hài lòng về nhau. Tôi gọi đó là sự ứng xử dễ thương. Nhờ thế, tôi thấy việc kinh doanh nhẹ nhàng hơn, vui hơn, không cảm thấy áp lực, nặng nề như trước kia.

Xin cảm ơn chị!

Nhật Minh. Ảnh: NVCC