Các quỹ phòng hộ toàn cầu tiếp tục bán tháo cổ phiếu Trung Quốc

Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm 2% trong khi Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,4% trong tháng 11.

Theo đó, các chuyên gia của Sachs cho biết trong một báo cáo đầu tuần này rằng chứng khoán Trung Quốc đã chứng kiến dòng tiền bán ròng từ các nhà quản lý quỹ mua/bán trong tháng thứ tư liên tiếp.

Ngân hàng này cho biết đây cũng là tháng thứ 9 chứng khoán Trung Quốc chứng kiến dòng vốn chảy ra ròng trong năm nay.

Trái ngược với sự phục hồi của các chỉ số lớn trên toàn cầu nhờ sự lạc quan về việc cắt giảm lãi suất của Mỹ, Chỉ số 300 của Trung Quốc giảm 2% trong khi Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,4% trong tháng 11, cả hai đều ghi nhận mức giảm tháng thứ tư liên tiếp.

Các nhà đầu tư vẫn thận trọng trong bối cảnh dữ liệu kinh tế Trung Quốc trì trệ và cuộc khủng hoảng dai dẳng trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt, ngay cả khi quan hệ Mỹ-Trung có dấu hiệu ấm lên sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng trước.

Goldman Sachs cho biết chứng khoán Trung Quốc niêm yết tại Mỹ và cổ phiếu hạng A của đại lục dẫn đầu đợt bán tháo trong tháng 11, tuy nhiên điều này "được bù đắp một phần bằng việc mua ròng cổ phiếu loại H".

Theo Goldman Sachs, tại các thị trường châu Á mới nổi, Đài Loan cũng ghi nhận dòng vốn chảy ra ròng vào tháng trước, trong khi Hàn Quốc chứng kiến dòng vốn vào ròng lớn nhất.

Các quỹ phòng hộ tập trung sự quan tâm của họ sang các thị trường châu Á phát triển, bao gồm Hồng Kông, Singapore và Nhật Bản, những thị trường chứng kiến lượng mua ròng trong tháng vừa qua.

Các nhà đầu tư toàn cầu bắt đầu mua cổ phiếu Trung Quốc với tốc độ kỷ lục vào tháng 1 năm nay trước dự đoán kinh tế nước này sẽ hồi phục mạnh mẽ sau khi bỏ chính sách Zero-Covid (Không Covid).

Tuy nhiên, các quỹ đầu tư nước ngoài đã buộc phải bán tháo các danh mục đầu tư của mình trong những tháng gần đây trước mối lo ngại ngày càng tăng về cuộc khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản và các chỉ số tăng trưởng đáng thất vọng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Các thương nhân và nhà phân tích cho biết việc thiếu sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư và tổ chức toàn cầu “đóng băng” giao dịch cho đến khi tăng trưởng phục hồi đủ để khiến thị trường Trung Quốc cạnh tranh với các thị trường khác trong khu vực.

Quang Đăng

Theo Reuters