Buổi tuyển chọn thí sinh 'bất ngờ' của Học viện Cải lương tại Chùa Nghệ sĩ

Thí sinh tới Chùa Nghệ sĩ TP.HCM

Có hơn 300 thí sinh tham gia buổi tuyển chọn đầu tiên của Học viện ải lương. Sau đó, BTC chọn 50 thí sinh đi tiếp. Thí sinh Nguyễn Trường Kha không tham dự buổi tuyển chọn này, nhưng sau đó được BTC đồng ý để anh tiếp tục dự thi.

Cụ thể, vào buổi tuyển chọn đầu tiên (diễn ra vào tháng 1/2024), gia đình Trường Kha có tang sự. Vì cha qua đời nên Trường Kha không thể đến thi tuyển dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó. Trong buổi hoạt động đồng hành của top 50 thí sinh tại Chùa Nghệ sĩ (quận Gò Vấp, .HCM), Trường Kha đã có mặt, cùng đoàn thắp hương kính viếng các nghệ sĩ tiền bối như: NSND Phùng Há, NSƯT Thanh Nga, soạn giả Hoa Phượng… Tại đây, Trường Kha đã xin phép trình bày câu chuyện buồn của mình. NSND Bạch Tuyết thay mặt Hội đồng giám khảo đã gửi lời chia buồn đến gia đình Trường Kha và đưa ra quyết định "đặc cách" cho thí sinh Nguyễn Trường Kha bước vào Học viện Cải lương.

Xúc động trước tình cảm và quyết định của Hội đồng giám khảo cùng sự ủng hộ của đại diện nhà tài trợ và 50 thí sinh, Nguyễn Trường Kha đã xin phép được trình bày một câu vọng cổ trong bài tân cổ Ai cho tôi tình yêu. Sau phần trình bày, anh bày tỏ: "Em trân trọng cơ hội này, sẽ cố gắng hết sức để chứng minh được năng lực của mình, lan tỏa tình yêu cải lương đến các bạn trẻ".

Nguyễn Trường Kha sinh năm 2005, đến từ Bình Dương, hiện là sinh viên của Học viện Cán bộ TP.HCM. Trước đó, anh từng đạt được các thành tích như: giải vàng Liên hoan Vọng cổ và các ca khúc mang âm hưởng dân ca TP.HCM 2022, á quân Theo dấu thần tượng 2020, top 28 Chuông vàng Vọng cổ 2023, top 9 Tài tử miệt vườn 2023. Vì thế, anh cũng hứa hẹn là nhân tố "nặng ký" trong vòng ghi hình để chọn ra top 25 bước tiếp.

Dù đã đến chùa Nghệ sĩ nhiều lần nhưng 50 thí sinh đều cùng chung một cảm xúc khi đây là dịp hiếm hoi trong đời các bạn được "trở về" với cội nguồn của mình, được nghe chính người thầy của mình - cũng là học trò ưu tú của một trong những vị Tổ sống của nghệ thuật cải lương, NSND Phùng Há - nói về sự ra đời của ngôi chùa, tâm huyết của "má Bảy". Và trên hết là bài học làm người, làm nghề của các vị thầy Tổ để hôm nay các thế hệ nghệ sĩ được kế thừa, tiếp nối.

Một câu chuyện tuy không mới nhưng luôn là bài học vỡ lòng cho người nghệ sĩ, không chỉ trên sân khấu mà cả ngoài đời đã được NSND Bạch Tuyết tâm tình với 50 thí sinh Học viện Cải lương: Sinh thời, tình cảm của NSND Phùng Há dành cho NSND Năm Châu rất sâu đậm. "Má Bảy xem ba Năm Châu là người thầy, đồng nghiệp, vừa kính trọng vừa có mối tương giao. Nhưng như lời má Bảy vẫn hay nói, khi tui có chồng thì ảnh thôi vợ; khi tui một mình thì ảnh đang có gia đình. Nên tình cảm riêng tư má dành trọn cho ba Năm trên sân khấu, trong vai tuồng. Cho đến hôm ba Năm hấp hối trong bệnh viện, má chạy vô, ba Năm vừa trút hơi thở sau cùng thì má mới đến bên để nói mấy lời gan ruột…"

NSND Phùng Há cũng thường xuyên nhắc nhở hậu bối phải luôn giữ hình ảnh đẹp trong mắt khán giả, không để bản thân kém chỉn chu, nhếch nhác khi xuất hiện trước khán giả; lại càng không được ứng xử kém văn hóa. NSND Bạch Tuyết mong các bạn trẻ có thể lĩnh hội để làm hành trang cho họ trong con đường nghệ thuật sắp tới.

Thí sinh Nguyễn Trường Kha tại Học viện Cải lương

Sau Tập 1, có 8 thí sinh được chọn đi tiếp với chương trình gồm: Biện Thị Kim Thuy, Nguyễn Lương Vĩ, Huỳnh Nguyễn Duy, Nguyễn Văn Bol, Hồng Phi, Nguyễn Minh Tâm, Trần Thị Mỹ Lệ, Nguyễn Trọng Phúc.

Vào ngày 14/4 tới đây, Tập 2 của chương trình phát lúc 19g trên TodayTV - YouTV; 20 giờ trên kênh YouTube của NSND Bạch Tuyết.

Học viện Cải lương xây dựng theo dạng học viện có Viện trưởng là NSND - Tiến sĩ nghệ thuật Bạch Tuyết. Nghệ sĩ cải lương Châu Thanh, Thanh Hằng cùng "thầy đờn" - nhạc sĩ, NSND Thanh Hải đồng hành xuyên suốt với thí sinh trong chương trình để đào tạo, truyền nghề. Dẫn dắt chương trình là nhà sáng tạo nội dung Thầy Beo U40.

Viện trưởng Học viện Cải lương là NSND - Tiến sĩ nghệ thuật Bạch Tuyết

Học viện Cải lương với tổ hợp gồm đào tạo - tranh tài - trình diễn, hướng đến xây dựng hình ảnh nghệ sĩ cải lương thế hệ mới, không chỉ làm nghề, mà còn làm văn hóa.

Học viện Cải lương gồm 12 tập. Trong đó 3 tập đầu là vòng tuyển chọn các thí sinh. 8 tập sau đó là các thử thách để đào tạo, rèn luyện kỹ năng cho họ. Từ 50 thí sinh ban đầu, giám khảo chọn ra 25 bạn đi tiếp, sau đó loại dần còn một số thí sinh trước chung kết. Tập 12 khép lại chương trình, tìm ra ngôi vị quán quân.

Sau đó, nhà sản xuất có kế hoạch tổ chức gala, tạo môi trường để thí sinh, người chiến thắng có cơ hội biểu diễn trước công chúng trên sân khấu chuyên nghiệp.

Chương trình trang bị những kiến thức nền tảng về nghệ thuật ca - diễn cải lương; tạo không gian từ sàn tập đến sàn diễn cho các học viên để từng bước trở thành một nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp. Đồng thời chương trình cũng hướng đến việc đào tạo họ là một người hoạt động văn hóa, góp phần vào việc bảo tồn, phát triển di sản văn hóa - nghệ thuật nước nhà.

Tiêu chí của chương trình là đi tìm - đào tạo - truyền nghề và "đo ni đóng giày" những giọng ca, vai diễn phù hợp với sở trường của từng học viên. Ngoài dàn nghệ sĩ - giảng viên cơ hữu, học viện sẽ quy tụ nhiều nghệ sĩ bậc thầy thỉnh giảng để truyền đạt kiến thức, truyền nghề cho học viên qua từng tập, từng phần thử thách.

Họ đều là những nghệ sĩ danh tiếng, có đóng góp lớn cho nghệ thuật cải lương như: NSND Ngọc Giàu, NSND Minh Vương, NSƯT Diệu Hiền, NSND Vương Hà, NSƯT Bạch Long, nghệ sĩ Kiều Mai Lý, NSND Hữu Quốc, diễn viên Lê Khánh…

Ngoài ca - diễn, học viên cũng được trang bị thêm nhiều kỹ năng khác như: trang điểm, catwalk, chụp ảnh… để xuất hiện trước công chúng tự tin, bản lĩnh hơn.

Đối tượng dự thi từ 16-40 tuổi, hội tụ đầy đủ những yếu tố của nghệ thuật ca kịch. Trước đó, buổi casting của chương trình đã quy tụ được hơn 300 thí sinh tham gia, gồm 3 thành phần chính: người yêu thích cải lương nhưng chưa có kỹ năng; người có kỹ năng cơ bản và nghệ sĩ hoạt động chuyên nghiệp. Bên cạnh kỹ năng ca, nhiều thí sinh có trình độ ngoại ngữ tốt, đáp ứng tiêu chí của nhà tổ chức.

Một trong những điểm thú vị của chương trình là sự đồng hành của các sứ giả văn hóa. Họ là giảng viên, doanh nhân, nghệ sĩ… đã có những thành công trong sự nghiệp cá nhân, yêu thích và ủng hộ sự phát triển của nghệ thuật truyền thống. Ở mỗi tập sẽ có một người đồng hành để chấm chọn thí sinh.

Họ đánh giá thí sinh với vai trò một khán giả đặc biệt. Với hoạt động sân khấu thực tiễn, khán giả đóng vai trò hết sức quan trọng để tạo nên sự thành công của nghệ sĩ. Vì thế, nhà sản xuất mong muốn bên cạnh những nghệ sĩ chuyên nghiệp sẽ có thêm thành phần này. Họ cũng góp phần lan tỏa thông điệp về tình yêu với cải lương, nghệ thuật truyền thống.

Những sứ giả văn hóa của chương trình gồm có: bà Xuân Trang (Hiệu trưởng trường John Robert Powers), ca sĩ Thu Phương, diễn viên Hứa Vĩ Văn, hoa hậu H'Hen Niê, hoa hậu Ngọc Châu, ca sĩ Phương Mỹ Chi…

K.Vân