Bình luận: Học bạn

Đỉnh cao bóng đá châu Á là thế nào? Ngay ở vòng 1/8, cuộc đụng độ giữa Saudi Arabia và Hàn Quốc cho thấy tầm cỡ thế giới cả về trình độ lẫn phương thức phát triển bóng đá. Đó là hai huấn luyện viên (HLV) châu Âu lừng danh Mancini và Jurgen Klinsmann ở hai bờ chiến tuyến. Đó là hai khối tinh hoa của hai cách làm bóng đá tiên tiến.

Với đại diện Tây Á là kết quả của giai đoạn đầu trong chiến lược đầu tư đắt đỏ bậc nhất thế giới để xây dựng sức mạnh mềm, hình ảnh quốc gia nói chung và bóng đá nói riêng. Khi giải quốc nội Pro League đang khuấy động toàn cầu với sức hút khó cưỡng đối với những cầu thủ xuất sắc hàng đầu thế giới thì mục tiêu của đội tuyển quốc gia đâu chỉ là đỉnh cao châu lục.

Ngược lại, chiến lược xuất khẩu cầu thủ đến các giải đấu châu Âu cùng định hướng theo phong cách bóng đá Đức được kiên trì theo đuổi hàng chục năm qua đã nâng bóng đá Hàn Quốc lên tầm thế giới.

Bóng đá Hàn Quốc đã vươn tầm thế giới. Ảnh: Getty

Kết quả của hai cách làm, hai thế lực giàu tham vọng và sức mạnh thực sự là trận hòa 1-1. Hàn Quốc chỉ có thể tiến vào tứ kết bằng chiến thắng trên loạt sút luân lưu. Nhìn vào con đường của hai thế lực hàng đầu này, chúng ta có thể thấy sự khác biệt của hai khu vực mạnh nhất Đông Á và Tây Á, điều này cũng ít nhiều tác động đến phương hướng của các quốc gia phát triển sau của bóng đá châu lục. Với các nước khu vực Trung Á, Nam Á và Đông Nam Á, hướng học theo Nhật Bản, Hàn Quốc phù hợp hơn những đội Tây Á.

Tất nhiên, với “vùng trũng” Đông Nam Á, việc tham khảo, học theo các mô hình Nhật Bản, Hàn Quốc là một quá trình rất dài và mỗi nước đều tìm kiếm những cách làm, bước đi phù hợp. Tất cả đều nhằm xây dựng từ móng nền giải quốc gia và đào tạo trẻ. Tiên phong trên con đường này là Thái Lan.

Dù bóng đá Việt Nam đã giành được một số thành quả nhưng phải công nhận nhiều ưu thế về lối chơi, kỹ thuật cơ bản và phong thái thi đấu tự tin của bóng đá Thái Lan. Cũng ở nền bóng đá tiên phong này, việc chuẩn bị cho các cầu thủ tiềm năng ra nước ngoài thi đấu đã gặt hái được kết quả tích cực trong nhiều năm. Có thực lực và tham vọng, mới đây, lãnh đạo bóng đá nước này đã có quyết định hợp lý khi sa thải HLV Polking từng giành ngôi vô địch AFF Cup hai lần liên tiếp để thay bằng nhà cầm quân người Nhật Bản Masatada Ishii. Quyết định này đã giúp đội tuyển của họ bất bại và giữ sạch lưới ở vòng bảng Asian Cup 2023.

So với Thái Lan, công cuộc xây dựng đội tuyển Indonesia dưới thời HLV Tae-yong đã được tiến hành khẩn trương, quyết liệt hơn. Chiến dịch đào tạo lứa U.20 thành công cùng việc nhập tịch cấp tốc nhiều cầu thủ có gốc gác bản quán đã làm đội tuyển của họ có bước thay đổi rõ rệt và tỏ ra rất triển vọng...

Học những nền bóng đá phát triển và học hỏi, tham khảo, rút kinh nghiệm ngay từ những người hàng xóm gần gũi, bóng đá Việt Nam đã làm được nhiều điều. Tuy nhiên, những giá trị căn bản là xây dựng các câu lạc bộ ổn định, bền vững cùng hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng cũng như công tác đào tạo trẻ, vận hành các giải quốc gia vẫn cần được chú trọng đầu tư và tổ chức bài bản hơn nữa. Chỉ có phát triển bền vững mới giúp nền bóng đá và các đội tuyển đạt thành tích ổn định, không lên xuống thất thường.

THƯỜNG NGUYỄN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.