Bén duyên với áo dài cách tân

Những người khuyết tật mặc trang phục do Miuk Style thiết kế trong bộ sưu tập Thời trang tái chế “O Collection” trình diễn tại thành phố Hội An, Quảng Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nuôi dưỡng đam mê từ nét xưa phố cổ

Sinh ra và lớn lên trong một ngôi nhà cổ Đức An (129 Trần Phú, ội An) có tuổi thọ hơn 200 năm và qua 8 đời sinh sống trong đó, chị Xuân Thảo được thừa hưởng những giá trị văn hóa cổ xưa của người Hội An. “Mỗi ngày thức dậy, tôi lại thấy những bức tranh, bàn ghế, ấm trà… hiện diện trong ngôi nhà nguyên vẹn nét cổ xưa được lưu giữ từ đời này sang đời khác. Nét văn hóa này đã ăn sâu vào tâm trí và thôi thúc tôi muốn làm điều gì đó để lưu giữ những giá trị văn hóa gắn với tuổi thơ của mình”, chị Xuân Thảo bộc bạch.

Tuy nhiên, sở thích là một chuyện, còn việc theo đuổi và sống được với nghề hay không là một chuyện khác, đặc biệt khi chị tốt nghiệp thạc sĩ ngành thương mại, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Để đến với nghề thiết kế áo dài, chị phải tầm sư học đạo. Điều đầu tiên là học may và vẽ. Chị Xuân Thảo nhớ lại: “Năm 2013, tôi mở tiệm bán đồ bành và tự phối đồ theo từng bộ trang phục. Không ngờ, khách rất thích thú và tìm mua. Từ đó, tôi nghĩ đến việc tạo ra thương hiệu riêng để có thể làm hàng loạt sản phẩm theo ý tưởng của mình để phục vụ khách tốt hơn. Với tình yêu phố cổ, tôi quan tâm đến trang phục cổ xưa, nhất là phong cách retrol của thập niên 50-70. Cùng với những người thợ may ở Hội An như chị Phạm Thị Thanh Liền, chị Trương Thị Sỹ đã giúp tôi đặt những nền móng trong việc thực hiện cắt may những chiếc áo dài theo ý tưởng thiết kế riêng của mình. Cũng từ đó, các chị Liền, Sỹ trở thành những người bạn và cũng là cộng sự đắc lực của tôi sau khi phát triển thương hiệu Miuk Style”.

Trước sự canh tranh gay gắt trên thị trường, để tạo lối đi riêng thì cần phải tìm cho mình một phong cách khác biệt. Chị Xuân Thảo nghĩ tới việc cách tân áo dài để bắt kịp với xu hướng. Những trang phục áo dài cách tân của chị bắt đầu thu hút các bạn trẻ nhờ sự năng động nhưng vẫn giữ được nét duyên dáng của áo dài truyền thống. Song song, chị tiếp tục nghiên cứu biến tấu một số trang phục truyền thống của các nước như hanbok, kimono, kurta… Tuy nhiên, chị luôn tìm hiểu kỹ xem ai đã từng làm chưa, mặc trang phục đó trong dịp nào để làm sao khi cách tân vẫn dựa trên nền tảng văn hóa của trang phục truyền thống. Chẳng hạn như khi nghiên cứu áo dài mặc với váy của người Chăm, chị biến tấu áo dài Việt Nam mặc với váy như một sự giao thoa văn hóa. Khi trào lưu thêu tay nổi lên, chị theo học và truyền cảm hứng cho các cộng sự của mình để thêu ruy băng, thêu hiện đại, thêu cổ điển… Nhờ đó, đến nay, những cộng sự trẻ của chị có thể làm ra các sản phẩm thêu tay trên trang phục được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Hướng tới những dự án mang tính cộng đồng

Khi thương hiệu Miuk Style được mọi người biết đến, chị được UBND thành phố Hội An mời tham gia sự kiện trình diễn bộ sưu tập Thời trang tái chế “O Collection” trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất năm 2023 tại thành phố Hội An vào tháng 4-2023. Điều đặc biệt người mẫu trình diễn là những người khuyết tật đến từ Cửa tiệm hạnh phúc và Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng (CORMIS) với các thiết kế trang phục áo dài, áo bà ba truyền thống được may từ vải thừa. Với tính ứng dụng và thẩm mỹ cao, những trang phục độc đáo của Miuk Style đã truyền tải thông điệp về sự trao quyền cho cộng đồng các nhóm yếu thế tham gia vào việc bảo vệ môi trường, lan tỏa những thông điệp nhân văn và ý nghĩa, tạo tác động tích cực trong cộng đồng.

Chia sẻ về việc làm nghĩa này, chị Xuân Thảo cho biết: “Cảm hứng của bộ sưu tập “O Collection” được lấy từ môn nghệ thuật Kintsugi - bộ môn nghệ thuật cổ xưa của người Nhật biến gốm vỡ thành những kiệt tác hồi sinh từ vàng. “O Collection” là nguồn cảm hứng, là thông điệp, là câu chuyện của sự kết nối, chia sẻ giữa con người và con người, giữa con người và xã hội - một vòng quay cộng đồng, một vòng quay sẽ không xác định điểm khởi đầu, và cũng không có điểm kết thúc, cứ thế mà mọi thứ đến và hòa quyện với nhau. Những người khuyết tật đã tự tin khoác lên trên mình và tỏa sáng từ đó vượt qua mặc cảm để vững tin bước đi trên con đường của mình”.

Sau khi kết thúc cuộc biểu diễn, Miuk Style tiếp tục phối hợp với những người khuyết tật của CORMIS để may các phụ kiện như mũ em bé, túi đựng đồ trang điểm, ví, balo, quạt cầm tay… Bà Mai Thị Dung, Giám đốc CORMIS nhận xét: “O Collection” đã mang lại một suy nghĩ mới đối với các bạn khuyết tật khi họ được bước lên sàn diễn như một người mẫu thời trang. Từ đó, họ cảm thấy yêu đời và sống lạc quan hơn. Ngoài ra, Miuk Style còn tham gia các hoạt động tái chế và đặt những đơn hàng cho nhóm người biểu diễn thời trang này. Qua đó, hỗ trợ những người khuyết tật đưa các sản phẩm ra thị trường nhằm tạo công ăn việc làm. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu, Miuk còn hỗ trợ phối các màu vãi, giúp những người khuyết tật trau đồi kỹ năng trong kinh nghiệm phối đồ.

Khi thương hiệu Miuk Style phát triển, các trang phục của Miuk bén duyên với các dự án nghệ thuật. Năm 2018, Miuk được ca sĩ Jun Phạm liên hệ sử dụng trang phục cho MV của mình. Đặc biệt năm nay, hai đoàn phim “Liên và Đạt”“Sáng đèn” cũng đã tìm đến Miuk để thuê trang phục. Trong đó, web drama “Liên và Đạt” với sự góp mặt của dàn diễn viên Đỗ Khánh Vân, Cody Nam Võ, Hoàng Mèo, Võ Đăng Khoa, Bé 7, Quang Trần, Thanh Vy… Hầu hết các diễn viên rất hài lòng với trang phục của Miuk. Còn phim “Sáng Đèn” là một tác phẩm điện ảnh đạo diễn Hoàng Tuấn Cường xoay quanh câu chuyện về thời thịnh - suy, giao thời của cải lương và những gánh hát lưu diễn khắp miền Tây Nam Bộ, nên rất phù hợp với phong cách trang phục của Miuk Style.

Chia sẻ niềm vui này, chị Xuân Thảo cho biết: “Khi tôi nhận được cuộc gọi của đoàn phim ngỏ lời hợp tác trang phục trong vài phân cảnh của bộ phim. Tôi đã rất hào hứng và vui mừng vì mình sẽ ngắm nhìn trang phục Miuk Style trên màn ảnh rộng, được công chiếu khắp các cụm rạp tại Việt Nam. Nếu bạn đã sở hữu một trong những trang phục của Miuk thì đến Tết hãy diện những trang phục ấy để trải nghiệm cùng với các diễn viên trong phim”.

Có thể thấy, những bước đi của Miuk Style tuy chậm nhưng vững chắc, bởi bên cạnh còn có thêm sự hỗ trợ của Miuk Food mà chị Xuân Thảo theo đuổi. Như chị Xuân Thảo chia sẻ: “Tên ở nhà của mình là Sữa. Miuk là sự cố tình viết sai chữ Milk (sữa) để tạo sự khác biệt. Nó giống như nguồn sữa mẹ, là nguồn sống, nguồn năng lượng để luôn hướng mình căng tràn nhiệt huyệt với con đường mà mình đi”.

Chị Huỳnh Thị Ngọc Mai, phụ trách phục trang đoàn phim “Sáng Đèn”.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG