Bất ngờ tên lửa hành trình Kh-101 Nga phóng mồi bẫy khi đang tấn công mục tiêu

Trong đòn tập kích bằng 158 tên lửa và UAV nhằm Nga nhắm vào loạt đô thị chủ chốt của Ukraine hôm 29/12/2023, đáng chú ý có tên lửa hành trình Kh-101 được trang bị mồi bẫy.

Video đăng trên mạng xã hội hôm 30/12 cho thấy khoảnh khắc tên lửa hành trình tầm xa Kh-101 Nga phóng mồi bẫy đang lao tới mục tiêu.

"Đây là lần đầu chúng ta được chứng kiến loại tên lửa này phóng mồi bẫy trong khi bay", cây bút Joseph Trevithick viết trên chuyên trang quân sự War Zone của Mỹ.

Trong video, quả đạn Kh-101 bay ngang qua đầu người quay phim, liên tục phóng ra các quả pháo sáng kèm theo nhiều tiếng lốp bốp. Tên lửa sau đó lao xuống mục tiêu và phát nổ. Địa điểm xảy ra sự việc không được tiết lộ.

Giới chuyên gia phương Tây nhận định mỗi bẫy của Kh-101 phát ra quang phổ ngoài khả năng quan sát của mắt người và camera dân sự, hoặc có thời gian cháy ngắn hơn so với mồi bẫy trên máy bay quân sự.

Các dải kim loại và sợi thủy tinh để gây nhiễu radar, vốn rất khó quan sát từ mặt đất, cũng có thể được trộn vào quả đạn này.

Mồi bẫy nhiệt có thể làm chệch hướng tên lửa tầm nhiệt trang bị đầu dò hồng ngoại, trong khi dải kim loại có khả năng tạo tín hiệu giả hoặc màn nhiễu trên hệ thống cảnh giới và đầu dò radar của tên lửa đối phương.

Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về video.

Tên lửa hành trình Kh-101 là vũ khí chủ lực của oanh tạc cơ chiến lược Tu-95MS và Tu-160.

Được biết, tên lửa Kh-101 được phát triển vào những năm 1990 tuy nhiên Nga mới chỉ hoàn thiện loại vũ khí này trong vài năm trở lại đây.

Tên lửa có chiều dài tên lửa 7,54 m, đường kính 0,51m. Trọng lượng phóng của Kh-101 lên tới 2,3 tấn.

Mỗi chiếc Tu-95MS có khả năng mang tối đa 6 tên lửa Kh-101 gắn bên ngoài.

Trong khi những chiếc Tu-160 lại trang bị chúng trong các ổ quay chứa 6 tên lửa bên trong.

Theo nhà sản xuất, độ sai số mục tiêu của Kh-101 chỉ vào khoảng 5 - 10 m. Một thông số tuyệt vời đối với loại tên lửa có tầm bay hàng ngàn km.

Điểm đặc biệt là Kh-101 được trang bị cả động cơ phản lực cánh quạt đẩy với cánh quạt làm bằng vật liệu phản xạ radar thấp.

Kh-101 có "người anh em" là Kh-102 với ngoại hình và các thiết bị hệ thống giống hệt nhau, khác biệt giữa chúng chính là đầu đạn.

Kh-101 mang đầu đạn thường nặng 450 kg với loại thuốc nổ cực mạnh.

Trong khi Kh-102 được trang bị đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ lên tới 250 kT.

Quả bom nguyên tử được Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản chỉ có đương lượng nổ là 13kt. Như vậy sức công phá của Kh-102 gấp hơn 19 lần quả bom nguyên tử này.

Với sức công phá khủng khiếp như vậy, tên lửa hành trình Kh-102 có thể thổi bay cả một thành phố lớn của đối phương.

Hiện cả tên lửa Kh-101 và Kh-102 có vận tốc lên tới mach 0,9. Với một loại tên lửa hành trình bám địa hình thì đây được coi là vận tốc khá cao.

Tên lửa có thể bay cực thấp, từ 30 - 70 m, điều này gây khó khăn cho việc đánh chặn.

Với tầm bắn từ 4.000 tới 6.000 km, đây được coi là loại tên lửa hành trình bay xa nhất thế giới hiện nay, vượt qua tất cả các sản phẩm cùng loại trên thế giới.

Tên lửa hành trình Tomahawk phiên bản mới nhất cũng chỉ có tầm bắn ngang bằng với Kalibr, tức khoảng 2.500 km. Như vậy tầm bắn của Kh-101/102 gấp 2,5 lần.

Với tầm bay xa như vậy, máy bay Nga có thể phóng tên lửa Kh-01/102 từ khoảng cách an toàn mà không phải lo ngại hệ thống phòng không của đối phương.

Tuy có nhiều lợi thế nhưng giá thành lại là điểm yếu của các loại tên lửa hành trình Nga nói chung, sản phẩm của Nga thường có giá cao hơn sản phẩm cùng loại của Mỹ.

Đồng thời chúng lại sở hữu một số thành phần điện tử phương Tây. Khi bị đóng nguồn cung chip, Nga nếu không có sự chuẩn bị trước sẽ khó có thể sản xuất loại tên lửa này với số lượng lớn.

Hiện đơn giá một quả tên lửa Kh-101 lên tới 13 triệu USD.