Bảo vệ thương hiệu gạo Việt trước 'cơn lốc' gạo Ấn Độ

Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh và lượng hàng bán đi khá chậm. Ảnh: TL

Gạo Việt đang gánh chịu tác động tiêu cực

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/6, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 2,8 triệu tấn, trị giá trên 1,5 tỉ USD. Thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam tập trung chủ yếu Philippines, Trung Quốc, Trung Đông…

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo cho biết đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá gạo xuất khẩu giảm mạnh và lượng hàng bán đi khá chậm. Liên tục có nhiều phiên giá gạo bị điều chỉnh giảm đến 5 USD/tấn. Tính chung từ nửa tháng qua, gạo Việt Nam xuất khẩu đi giảm đến 15 USD/tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, thương mại gạo thế giới năm 2021 sẽ gia tăng chủ yếu nhờ Ấn Độ tăng mạnh xuất khẩu gạo do giá cả cạnh tranh, mặc dù nguồn cung ở Ấn Độ giảm. Ấn Độ dự báo sẽ tiếp tục thống trị thị trường gạo xuất khẩu trên toàn cầu.

Trong khi đó, nhập gạo giá rẻ từ Ấn Độ lại gia tăng chóng mặt. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, có khoảng 500.000 tấn gạo giá rẻ từ Ấn Độ đã và đang trên đường về Việt Nam. Trong khi, thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trước đó, giai đoạn từ năm 2019 trở về trước, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam chỉ đạt mức khiêm tốn từ 500 tấn cho đến vài nghìn tấn.

Được biết, hiện lượng gạo tồn kho đang ở mức khá cao, trong khi mùa vụ thu hoạch lúa của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang cận kề thì rõ ràng số lượng nhập khẩu gạo quá lớn từ Ấn Độ đang dấy lên nhiều lo ngại đối với gạo Việt. Nhiều nguy cơ đang hiện hữu không chỉ tại thị trường trong nước mà cả uy tín thương hiệu gạo Việt tại các thị trường xuất khẩu.

Trên thực tế, trong thời gian qua, lực lượng hải quan đã phanh phui một loạt các DN nhập gạo Ấn Độ và gắn mác xuất xứ Việt Nam, phá hoại ngành xuất khẩu gạo nước nhà. Trong diễn biến khác, nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, một báo cáo gần đây cho biết kho hàng tại một số nước than phiền về việc chất lượng gạo trắng của Việt Nam có dấu hiệu giảm sút.

Ngăn chặn, không để gạo nhập ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu gạo Việt

Trước việc nhập khẩu gạo từ Ấn Độ tăng đột biến trong thời gian qua, Bộ Công thương vừa ban hành Quyết định về việc thành lập đoàn kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về hoạt động xuất nhập khẩu gạo.

Theo đó, đoàn kiểm tra sẽ làm việc với 5 doanh nghiệp gạo gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thuận Minh; Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; Công ty cổ phần Tân Đồng Tiến và Công ty trách nhiệm hữu hạn Khánh Tâm.

Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ làm việc với các đơn vị có liên quan về tình hình xuất nhập khẩu gạo hàng hóa phục vụ việc quản lý, điều hành xuất nhập khẩu gạo theo quy định. Ngoài ra, các DN thuộc đối tượng kiểm tra phối hợp, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các giấy tờ, tài liệu, thông tin theo yêu cầu của đoàn kiểm tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của những thông tin, tài liệu đã cung cấp cho đoàn kiểm tra; trong đó, bao gồm các thông tin về tình hình nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ, tồn kho gạo từ Ấn Độ của doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 22/6 vừa qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đã có công văn gửi các công ty nhập khẩu gạo từ Ấn Độ. Cụ thể, yêu cầu các công ty nhập khẩu gạo từ Ấn Độ phối hợp cung cấp các thông tin về tình hình nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ, tồn kho gạo Ấn Độ của công ty và gửi báo cáo về Bộ Công thương trước ngày 29/6/2021.

Đáng chú ý, mới đây, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh - đơn vị phát hiện nhiều lô gạo Ấn Độ giả mạo xuất xứ, đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp đối với mặt hàng gạo trắng Việt Nam.

Ngoài ra, các DN kiến nghị cơ quan chức năng cần đưa mặt hàng gạo nhập từ Ấn Độ vào luồng đỏ, kiểm 100% hàng hóa để phát hiện, xử phạt những công ty giả mạo xuất xứ; giám sát chặt chẽ các trường hợp công ty nhập gạo Ấn Độ về nhưng lại tái xuất với xuất xứ Việt Nam. Đồng thời, Nhà nước cần có chế tài xử lý mạnh tay những trường hợp gian lận thương mại làm ảnh hưởng đến uy tín của gạo Việt Nam./.

Tố Uyên