Bảo tàng Lào Cai đẩy mạnh công tác giáo dục trải nghiệm

Học sinh say mê với việc thăm quan trải nghiệm ở Bảo tàng tỉnh Lào Cai

Tìm hiểu những giá trị cội nguồn

Nhằm đổi mới, đa dạng hóa các hình thức học tập, giáo dục truyền thống về lịch sử, văn hóa địa phương trong nhiều năm qua, Bảo tàng tỉnh ào Cai đã triển khai chương trình phối hợp giữa Bảo tàng - Trường học - Công ty Du lịch - Cơ sở kinh doanh, hoạt động văn hóa du lịch để tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, ngoại khóa về giá trị di sản cũng như rèn luyện các kỹ năng cho học sinh.

Để chuẩn bị tốt cho các hoạt động, Bảo tàng Lào Cai đã tiến hành rà soát các tư liệu hình ảnh, câu chuyện, từ hệ thống sách giáo khoa các cấp học, tài liệu giáo dục lịch sử địa phương để liên hệ thực tiễn với Lào Cai, hệ thống tài tài liệu hiện vật, hình ảnh đang lưu giữ tại Bảo tàng, di tích, nơi lưu giữ giá trị di sản.

Từ đó, xây dựng bộ công cụ phù hợp trong phối hợp tiết học lịch sử, văn hóa tại Nhà trường và tiết học tại Bảo tàng, di tích. Bên cạnh đó, chú trọng các hoạt động trải nghiệm, kỹ năng như cách tạo ra lửa, khám phá nghề làm khảo cổ, mỹ thuật, thuyết minh hay tham gia làm nghệ nhân dệt, thêu hoa văn, vẽ hoa văn trên trang phục, quy trình chế biến ẩm thực đặc trưng xôi ngũ sắc của Lào Cai,… đến các cuộc thi tìm hiểu rung chuông vàng theo nhiều chủ đề tổ chức tại các di tích, trường học trên địa bàn thành phố Lào Cai.

Học sinh thăm quan và trải nghiệm ở Bảo tàng tỉnh Lào Cai

Bà Bùi Thị Giang, Trưởng phòng Tư vấn - Truyền thông , Bảo tàng Lào Cai cho biết: "Mỗi năm chúng tôi đón trên 15.000 lượt học sinh ở khắp các huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh về thăm quan. Học sinh đều rất hồ hởi và say mê tìm hiểu các hiện vật, những câu chuyện giai thoại, sự tích và đặc biệt là những trải nghiệm thực tiễn tại đây”.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Lào Cai, cho biết: "Chúng tôi xác định, việc đón học sinh về thăm quan Bảo tàng là một nhiệm vụ chính trị, với mục tiêu làm sao để các cháu đến để hiểu, trải nghiệm các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương theo cấp học. Bên cạnh đó, lứa tuổi mầm non cũng là một điểm nhấn trọng tâm nghiên cứu khi xây dựng không gian riêng dành cho trẻ em trong tổng thể không gian trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Lào Cai”.

"Thực tế cho thấy, quá trình diễn tiến và phát triển của đời sống xã hội có những thứ đã bị mai một, bị mất đi, thì nhiệm vụ của chúng tôi là phải gìn giữ, phát huy, làm giàu cho bản sắc văn hóa quê hương Lào Cai", ông Thắng cho biết thêm.

Tạo nhiều ưu thế trong phát triển giáo dục

Hiện nay Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách để vừa phát triển, vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa; nhằm duy trì sự ổn định phát triển bền vững của xã hội, thì mục tiêu gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh Lào Cai luôn được khẳng định ở vai trò nòng cốt, trung tâm.

Để làm tốt những mục tiêu trên, lãnh đạo, cán bộ nhân viên Bảo tàng Lào Cai đã tích cực tổ chức điền dã, sưu tầm các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, để đưa về bảo tàng, nhằm gìn giữ bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả nhất.

Học sinh thăm quan tìm hiểu nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào địa phương

Cháu Nguyễn Ngọc Thanh, học sinh lớp 10, ở huyện Bảo Thắng, chia sẻ: "Cháu rất vui khi được về thăm bảo tàng tỉnh, ở đây cháu được các cô hướng dẫn viên chia sẻ về những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc tỉnh Lào Cai. Có những điều mà hôm đến đây cháu mới biết, vì ở thế hệ của chúng cháu hiện nay, nó đã mất, đã mai một. Thông qua những hoạt động trong ngày thăm quan, cháu thấy rất tự hào về quê hương Lào Cai".

Ngoài việc thăm quan tìm hiểu, học sinh còn được tham gia trực tiếp vào các công đoạn chế biến món ăn truyền thống của người dân tộc bản địa ở Lào Cai

Đến với Bảo tàng Lào Cai, học sinh được nghiên cứu, học tập với các nội dung tìm hiểu lịch sử đất nước nói chung và lịch sử Lào Cai nói riêng, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Các em được trải nghiệm nghề thủ công truyền thống như: Dập hoa văn dân tộc; ẩm thực làm xôi ngũ sắc; nhuộm chàm; vẽ hoa văn sáp ong; trải nghiệm công cụ thời kỳ đồ đá; thêu hoa văn trang phục,…

Trường Sa