Báo động đỏ nguy cơ cháy rừng

Ngày 11-4, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết đến sáng cùng ngày, đám cháy tại Nông trường 402 (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã cơ bản được khống chế. Ngành chức năng đang thống kê thiệt hại và điều tra nguyên nhân dẫn đến vụ cháy.

Hồi chuông báo động

Theo ghi nhận của phóng viên, suốt đêm 10 và cả ngày 11-4, lực lượng chữa cháy túc trực để phun nước dập tắt lửa cháy âm ỉ trong lớp thực bì, đề phòng trường hợp lửa bùng phát trở lại.

Trước đó, vào ngày 10-4, tại Nông trường 402 đã xảy ra cháy lớn trên diện tích khoảng 40 ha rừng tràm sản xuất. Ngay lập tức, gần 600 cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện đã được huy động đến hiện trường để khống chế ngọn lửa. Nắng nóng khiến lớp thực bì dưới chân rừng bị khô héo cộng với gió lớn và thiếu nước do khô hạn đã khiến công tác chữa cháy gặp khó khăn.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cùng lãnh đạo các sở, ngành và địa phương đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo công tác chữa cháy và động viên lực lượng làm nhiệm vụ. Sau nhiều giờ nỗ lực, đám cháy tại khu vực 40 ha rừng tràm ban đầu đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, công tác chữa cháy lại đối diện thách thức mới là gió mạnh dẫn đến tàn lửa bay sang gây cháy tại khu vực có gần 100 ha rừng tràm lân cận.

Lửa cháy dữ dội và cột khói cao hàng chục mét khi xảy ra vụ cháy rừng tràm ở Nông trường 402 Ảnh: VÂN DU

Với quyết tâm không để cháy lây lan trên diện rộng, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã chia lực lượng thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất tiếp tục dập tắt lửa tại địa điểm xảy ra vụ cháy ban đầu. Nhóm còn lại được điều động sang khu vực rừng tràm lân cận để làm đường băng cản lửa, kéo ống đến điểm nóng để khống chế 4 điểm cháy. Các công việc được triển khai, thực hiện một cách nhanh chóng và thần tốc.

Diện tích lớn rừng tràm ở Cà Mau đã bị thiệt hại sau vụ cháy Ảnh: VÂN DU

Trước đó, từ ngày 19 đến 21-2, tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, 3 vụ cháy rừng đã xảy ra trên diện tích 13 ha rừng tại các xã: Chế Tạo, Lao Chải và Mồ Dề. Huyện Mù Cang Chải đã huy động hơn 800 người gồm: lực lượng kiểm lâm, bộ đội, dân quân tự vệ và nhân dân kịp thời dập tắt các đám cháy.

Tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, chiều 6-3, trên địa bàn xảy ra vụ cháy rừng tại tiểu khu 471, thôn Bản Hán, xã Phúc Sơn. Chính quyền địa phương đã phải huy động 500 người dập tắt đám cháy 2,6 ha rừng.

Tại tỉnh Lào Cai, trưa 19-2 đã xảy ra vụ cháy rừng tại tiểu khu 286 (thuộc thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, thị xã Pa). Diện tích đám cháy khoảng 30 ha. Tỉnh Lào Cai và thị xã Sa Pa đã phải huy động khoảng 860 người cùng chữa cháy.

Theo thống kê từ đầu mùa khô đến nay, ú Quốc đã xảy ra gần 10 vụ cháy rừng tại khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, tổng diện tích rừng bị cháy hơn 14 ha. Hiện trạng rừng bị cháy là dây leo, cây bụi, cây tràm nước tái sinh và rừng trồng tràm bông vàng. Ngoài lý do là người dân sử dụng lửa bất cẩn gây cháy, cơ quan chức năng còn xác định một số vụ cháy do người dân đốt nhằm chiếm đất...

Vụ cháy rừng mới nhất xảy ra sáng 11-4, tại khu rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 79, ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang làm thiệt hại 2.000 m2 tràm bông vàng xen cây rừng tự nhiên.

Trong khi đó, vụ cháy rừng gây thiệt hại lớn nhất xảy ra vào trưa 25-2, tại khu vực giáp rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Phú Quốc, thuộc địa bàn ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc. Ước tính đám cháy gây thiệt hại khoảng 1 ha rừng tràm.

Trong hàng loạt vụ cháy trên, cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 1 vụ. Đặc biệt là 4 vụ cháy có diện tích thiệt hại vượt khung xử lý hành chính và có dấu hiệu hình sự về tội "Hủy hoại rừng". Hiện các cơ quan chức năng phối hợp xác minh, củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án.

Ứng phó cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm

Trên địa bàn TP Phú Quốc có hơn 36.000 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp tự nhiên. Trong đó, có hơn 29.610 ha rừng đặc dụng, còn lại là rừng phòng hộ, với 3 hệ sinh thái, gồm: rừng ngập mặn, rừng tràm úng phèn, rừng thường xanh rụng lá cây họ dầu.

Theo Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc, hiện trên địa bàn có hơn 6.770 ha rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao, dự báo cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm. "Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc đang phối hợp với Vườn Quốc gia Phú Quốc và chính quyền địa phương các xã, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tăng cường PCCC rừng cho người dân.

Đồng thời, bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các khu vực trọng điểm, khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao trên các lâm phần" - một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc cho biết. Ngoài ra, UBND TP Phú Quốc cũng đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCC - CHCN các cấp; lập các tổ, đội PCCC cơ sở với hơn 900 người tham gia. Lực lượng chức năng cũng đã san ủi các đường băng cản lửa, đường cơ động PCCC rừng tại các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy trên địa bàn các xã Bãi Thơm, Cửa Cạn, Gành Dầu và Hàm Ninh; đồng thời cách ly diện tích hơn 410 ha đồng cỏ ra khỏi rừng gỗ lớn.

Theo ông Lê Đức Sáu, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, thời tiết khô hạn kéo dài nhiều ngày qua đã khiến cấp độ cảnh báo cháy rừng toàn tỉnh là cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Nguy cơ xảy ra cháy lớn ở tất cả các loại rừng, tốc độ lửa tràn rất nhanh.

Những địa phương có nguy cơ cao nhất là các huyện Phù Cát, Phù Mỹ... Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định đã yêu cầu các đơn vị chức năng, địa phương, chủ rừng thực hiện ngay những biện pháp PCCC rừng.

Cụ thể, chủ rừng cần thực hiện nghiêm quy trình đốt thực bì. Trước khi đốt phải báo cáo bằng văn bản đến cơ quan kiểm lâm, chính quyền địa phương về thời gian, địa điểm, diện tích, chuẩn bị phương án chữa cháy. Chủ rừng chỉ được phép xử lý đốt khi cơ quan kiểm lâm kiểm tra thực tế hiện trường đạt yêu cầu quy phạm kỹ thuật về PCCC rừng.

Ngoài ra, nghiêm cấm mọi trường hợp đốt nương, rẫy, xử lý thực bì khi thời tiết nắng nóng kéo dài, dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Nếu không tuân thủ, để xảy ra cháy rừng, chủ rừng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Các chủ rừng phải bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ để canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; kịp thời phát hiện, khống chế nhanh nhất trường hợp cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn.

Toàn tỉnh Bình Định hiện có hơn 381.000 ha đất có rừng; trong đó, hơn 43% diện tích rừng nguy cơ cháy cao (chủ yếu là rừng lim xanh, sao đen, bạch đàn, keo). Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh này chưa xảy ra vụ cháy nào.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt (thứ 2 từ phải sang) túc trực tại hiện trường để chỉ đạo công tác chữa cháy Ảnh: VÂN DU

Ông Lê Văn Sử yêu cầu các chủ rừng, địa phương, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm phương án PCCC rừng đã được phê duyệt. Các đơn vị, địa phương phải cảnh giác, tăng cường tuần tra, canh gác, bảo đảm lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy để xử lý các tình huống phát sinh ngay từ đầu.

Nhóm phóng viên