Bản án dành cho kẻ giả bị bắt cóc ở Campuchia để… 'câu view'

Chính quyền tỉnh Preah Sihanouk tổ chức họp báo giới thiệu 2 nghi phạm tung tin giả cùng tang vật bị thu giữ

Ngày 19-2, Thủ tướng Hun Manet cho biết, chính quyền Campuchia sẽ không dung thứ đối với những nội dung độc hại có thể gây tổn hại cho nền kinh tế nước này. Đồng thời, những kẻ vi phạm sẽ phải đối mặt với án tù, phạt tiền và cấm nhập cảnh suốt đời. Thủ tướng Campuchia đưa ra bình luận này chỉ vài ngày sau khi Tòa án tỉnh Preah Sihanouk kết án 2 người Đài Loan (Trung Quốc) gồm Chen Neng Chuan (31 tuổi) và Lu Tsu Hsien (34 tuổi). Mỗi người bị phạt 2 năm tù và 4 triệu Riel (khoảng 1.000 USD) vì liên quan đến việc sản xuất video giả về nạn ôn người, giam giữ trái pháp luật, hãm hiếp và buôn bán nội tạng người ở Campuchia.

Bị kết án sau 3 ngày đăng giả

Cả hai người nói trên đều bị bắt vào ngày 14-2 sau khi video của họ giả vờ bị bắt cóc ở Campuchia và lan truyền trên TikTok, thu hút hàng triệu lượt xem. “Ngày 14-2 là Ngày Lễ tình nhân và lẽ ra chúng tôi không nên bắt giữ ai, nhưng không có lựa chọn nào khác. Những thanh niên này bay sang Campuchia rồi làm video giả vờ bị bắt cóc, một trong số đó đã nhờ vợ ở Đài Loan đăng tải và đã thu hút hàng triệu lượt xem. Thay vì giải trí, họ khiến mọi người tin rằng ở Campuchia không an toàn và là điểm nóng của tội phạm bắt cóc” - ông Hun Manet nói.

Chen Neng-chuan nổi tiếng với các video kịch tính được thực hiện ở Đài Loan và các nơi khác. Người này đã viết trên Instagram vào đầu tháng 2 trước khi đến Campuchia rằng, sẽ khám phá “góc đen tối nhất của thế giới” - nơi “nhiều người Đài Loan đã bị lừa và làm nô lệ”. Thế nhưng vào đêm 12-2, người hâm mộ bàng hoàng khi nhà sản xuất nội dung mở live-stream của mình với vẻ ngoài hình như đã bị đánh. Đoạn video sau đó bị ai đó cắt đột ngột.

Ngày hôm sau, vợ của Chen Neng-chuan đầy nước mắt lên mạng thông báo chồng cô đã mất tích. Cô này nói Chen đã nhất quyết đi du lịch Campuchia một mình để quay phim bất chấp sự phản đối của gia đình. Chiều cùng ngày, Chen (còn có biệt danh khác là Goodnight Chicken) quay trở lại buổi phát sóng trực tiếp với vẻ mặt đờ đẫn, một phần đầu bị cạo trọc và bộ quần áo đầy bụi bặm, rách nát. Anh ta thông báo đã trốn thoát khỏi những kẻ bắt cóc có vũ trang ở Sihanoukville - một thành phố nổi tiếng với các tập đoàn lừa đảo, dụ dỗ người nước ngoài thực hiện các hoạt động lừa đảo trên toàn thế giới. Người này kể, anh ta bị trói vào một chiếc ghế bên trong một tòa nhà để thám thính nội tình bên trong.

Tuy nhiên, những người hoài nghi nhanh chóng chỉ ra lỗ hổng trong câu chuyện. Từ các cảnh quay trong video của Chen, người ta xác định vị trí trên Google Maps và phát hiện ra Chen dường như đã đi vòng quanh một khu vực thay vì bỏ chạy như anh ta tuyên bố. Người này có thể đến bất kỳ nơi nào quanh đó để được giúp đỡ nhưng đã không làm vậy. Cảnh sát Đài Loan cho biết, gia đình Chen không trình báo cảnh sát, trong khi cơ quan ngoại giao không nhận được bất kỳ yêu cầu giúp đỡ nào.

Nhanh chóng vào cuộc, cảnh sát Campuchia vào ngày 15-2 đã đưa Chen Neng-chuan cùng đồng phạm Lu Tsu-hsien (một YouTuber người Đài Loan) ra trước truyền thông với cáo buộc dàn dựng vụ bắt cóc. Ông Kuoch Chamroeun - Thống đốc Preah Sihanouk cho biết, nhóm của Chen đến Phnom Penh vào ngày 11-2 để phát trực tiếp tại các tòa nhà bị cho là “ma ám”, nhưng không thể chọn được địa điểm hoàn hảo. Sau đó, họ đến Sihanoukville ghi hình, giả vờ xâm nhập vào cơ sở lừa đảo. Tại Campuchia, đoàn làm phim đã mua đạo cụ như trang phục quân đội, súng giả và máu giả.

Ngày 15-2, Tòa án Preah Sihanouk kết luận Chen và Lu phạm tội kích động bất ổn xã hội vì giả mạo các video về buôn lậu người, tra tấn, hãm hiếp, buôn bán nội tạng người ở Campuchia. Với bản án đưa ra, Thống đốc Kuoch Chamroeu khẳng định: “Nếu chúng ta tha thứ cho họ, sẽ có thêm nhiều người nghĩ ra những điều sai trái tương tự để bôi nhọ hình ảnh của Campuchia”.

Chen Neng Chuan (áo đen bên trái) và Lu Tsu Hsien bị đưa ra trước giới truyền thông sau khi bị chính quyền tỉnh Preah Sihanouk bắt giữ

Không phải trường hợp duy nhất

Hai đối tượng cho biết, họ làm video nhằm mục đích thu hút người theo dõi để có thể sử dụng kênh của mình quảng cáo sản phẩm. Thủ tướng Hun Manet tiết lộ, “ai đó” đã cố gắng can thiệp khi liên lạc với ông qua điện thoại và đề nghị thả họ “và thông cảm”, nhưng ông hoàn toàn từ chối. “Khi nghe nói mẹ của họ đang bị bệnh nặng, tôi trả lời rằng họ nên bị bỏ tù lâu hơn nữa. Bởi đáng lẽ họ nên ở nhà chăm sóc mẹ thay vì đến đây tìm cách gây tổn hại cho Campuchia. Bằng chứng và cuộc thẩm vấn đã chứng minh những kẻ này lên kế hoạch cho việc sản xuất video giả, thậm chí còn mua quân phục để diễn cảnh họ bị truy đuổi bởi những người được gọi là quân lính”.

Đây không phải là lần đầu tiên hình ảnh Campuchia bị một số cá nhân ích kỷ lợi dụng. Trong bài phát biểu ngày 19-2, ông Hun Manet nhắc lại một số vụ án tương tự liên quan đến người nước ngoài trong những năm qua, tất cả đều đã được cơ quan chức năng và truyền thông báo chí vạch trần kỹ lưỡng. Năm 2022, một người Trung Quốc tự nhận là nạn nhân của một vụ lừa đảo việc làm, cáo buộc rằng anh ta bị dụ dỗ vào Campuchia và bị cưỡng bức lấy máu nhiều lần trong hơn 6 tháng. Hóa ra anh ta cùng với một số đồng hương đã bịa đặt câu chuyện nhằm trốn tránh những cáo buộc do liên quan đến nhập cư bất hợp pháp. Hiện tại, tất cả họ đều đang phải đối mặt với tòa án.

Một trường hợp khác liên quan đến một phụ nữ 25 tuổi. Vào ngày 9-3-2022, cô này đã trình báo với cảnh sát Thái Lan rằng mình bị dụ dỗ đến tỉnh Preah Sihanouk của Campuchia để làm việc trong một tổng đài điện thoại bất hợp pháp do băng đảng Trung Quốc điều hành. Cô khai bị lấy máu nhiều lần và đã trốn thoát trước khi bị cướp nội tạng. Nhưng do lời khai mâu thuẫn, người phụ nữ cuối cùng thú nhận đã bịa đặt. Kết quả là cô bị Tòa án tỉnh Sa Kaeo (Thái Lan) kết án 6 tháng tù giam. Vụ án mới nhất xảy ra vào tháng 1 năm nay khi một sinh viên Trung Quốc thú nhận bị một tổ chức tội phạm ở Campuchia giả mạo bắt cóc để lấy tiền từ gia đình ở Trung Quốc.

“Tôi đưa ra cảnh báo đối với những ai muốn lợi dụng Campuchia chỉ để “câu view”, tăng lượng người xem trực tuyến, họ sẽ phải đối mặt với hành động pháp lý nghiêm trọng. Người dân Campuchia đã chịu đủ đau khổ trong nỗ lực xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Họ chào đón du khách bằng nụ cười. Họ không đáng phải chịu đựng nội dung bắt cóc có chủ ý xấu. Nếu 2 năm tù là không đủ thì chính quyền nên xem xét mức án lâu hơn. Danh tiếng của đất nước chúng tôi đang bị đe dọa và chúng tôi phải bảo vệ lợi ích quốc gia của mình” - Thủ tướng Campuchia Hun Manet nhấn mạnh.

Nghiêm trị để bảo vệ lợi ích quốc gia

Theo Thủ tướng Campuchia, bất kỳ cá nhân nào phạm tội tương tự trong tương lai cũng sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm khắc, vì hành động của họ có tác động rất mạnh đến quan điểm của thế giới đối với Campuchia, thậm chí có thể khiến nền kinh tế nước này gặp tai họa. Đó là bởi, nội dung xấu này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Campuchia, vốn là những yếu tố quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận rằng Campuchia trong 4 năm qua được coi là điểm nóng của nạn buôn người quốc tế với phương thức lừa đảo việc làm. Tội phạm buôn người ở Campuchia ngày càng thu hút sự chú ý, đặc biệt là sau các cuộc điều tra về tập đoàn tội phạm Trung Quốc giam giữ người lao động và cho đến nay, công dân nhiều nước, từ Thái Lan, Việt Nam đến Trung Quốc và Mỹ, đã tuyên bố là nạn nhân của nạn buôn người ở Campuchia.

Theo Khmer Times/Strait Times