Bài học 'áp lực tạo nên kim cương'

Năm 2016, tôi được phân công nhiệm vụ dạy học ở vùng cao, bước đầu bỡ ngỡ vào ngành ở nơi cách nhà gần 40 km, đường đi xa xôi, phải vượt qua nhiều đồi núi cao hiểm trở, lạ lẫm môi trường làm việc và đồng nghiệp nên tôi cảm thấy rất bối rối.

Tìm mọi cách "dụ" trẻ đến trường

Cùng thời điểm đó cô Liễu cũng được phân làm hiệu trưởng nơi tôi công tác. Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô đó là người phụ nữ dáng cao cao, khuôn mặt phúc hậu, nụ cười hiền hòa ấm áp và luôn thân thiện với tất cả mọi người.

Những ngày đầu tiên công tác tại đây tôi gặp nhiều khó khăn trong chuyên môn cũng như nơi ăn, nơi ở. Vùng cao nơi tôi công tác hạn chế về trang thiết bị dạy học, nước sinh hoạt, đời sống người dân rất vất vả, đường đi xa xôi cách trở, nhà các bé thường ở cách xa trường, có khi ở tận trong rừng sâu.

Cô Liễu đã làm hết sức mình để học sinh vùng cao được đến trường và tạo động lực để đồng nghiệp cùng bám trường, lớp

Chúng tôi thường xuyên đến vận động phụ huynh đưa các bé đến trường, sự khác biệt ngôn ngữ, văn hóa khiến nhiều phụ huynh ngại giao tiếp và tìm cách từ chối, nhiều hoàn cảnh khác còn nghèo khổ nên phụ huynh rất ngại cho con đi học, họ thường dẫn các bé đi lên nương rẫy nhặt hạt điều kiếm sống hoặc gửi cho ông bà chăm sóc.

Lúc đó tôi và các đồng nghiệp gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động trẻ đến lớp. Cô Liễu luôn động viên, cùng chúng tôi tìm ra các giải pháp hữu hiệu để thuyết phục phụ huynh đưa các cháu đi học.

Ngoài việc tuyên truyền cho phụ huynh biết việc đến lớp của các cháu sẽ được nhà nước, địa phương quan tâm và hỗ trợ thì bằng cả nhiệt huyết và tấm lòng của người nhà giáo, cô lên kế hoạch tân trang lại môi trường trong và ngoài lớp học với những ý tưởng sáng tạo, hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của phụ huynh và địa phương.

Cô chỉ đạo tận dụng từng góc nhỏ trong sân trường lắp đặt các mô hình nhà sàn nơi lưu giữ được bản sắc dân tộc địa phương như: Cồng chiêng, đàn Tơ rưng, trống;… các nông sản ngô, sắn, khoai… Tất cả rất gần gũi với đời sống hằng ngày của trẻ em và người dân nơi đây tạo cho trẻ cảm giác thân thuộc ở trường cũng giống như ở nhà.

Trước đây các lớp học ở cách xa nhau vì đã xây dựng quá lâu nên bị xuống cấp trầm trọng, cô Liễu đã xin kinh phí hỗ trợ từ cấp trên cho tu sửa phòng học và mua sắm trang thiết bị dạy học cho trẻ. Cô cùng chúng tôi đến nhà phụ huynh thuyết phục họ đưa con em đến trường học tập để các em có một tương lai tươi sáng sau này…

Truyền tình yêu thương, gắn bó với vùng cao

Năm đầu tiên công tác tại vùng cao, tôi chịu nhiều áp lực vì nhiều thứ còn mới mẻ như: Hồ sơ sổ sách, học sinh, phụ huynh và kể cả đồng nghiệp. Lúc đó một người đã từng rất đam mê đi dạy, đã từng rất yêu thương trẻ con lại muốn bỏ việc vì không chịu nổi những khó khăn trong ngành.

Tôi là một người rất ít nói, sống nội tâm, cả ngày đi dạy về là tôi chỉ thui thủi một mình ít khi trò chuyện với các đồng nghiệp. Tôi luôn có cảm giác mọi người thường hay tránh né sự có mặt của tôi vì họ cảm thấy tôi không được hòa đồng, thân thiện.

Cô đã nhìn thấy và thấu hiểu những khó khăn mà tôi đang gặp phải. Cô Liễu đã tiếp thêm động lực cho tôi bằng câu nói "Áp lực tạo nên kim cương". Cô nói: "Con hãy nhớ đến những đam mê, ước mơ của mình và biến những khó khăn đó thành động lực để mình cố gắng phấn đấu, để khi nhìn lại con sẽ không cảm thấy hối tiếc vì những gì mình đã cống hiến".

Những lời động viên an ủi đó đã giúp tôi có thêm động lực vượt qua những khó khăn trước mắt. Cô như một người mẹ, một người thầy luôn bên cạnh giúp đỡ và dìu dắt tôi vượt qua mọi khó khăn.

Trong công tác quản lý, cô đã tạo điều kiện cho tôi và các đồng nghiệp khác được lên nhiều tiết dạy để có những trải nghiệm. Cô cho tôi và các đồng nghiệp có cơ hội tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, khuyến khích động viên chúng tôi tham gia và đạt kết quả tốt.

Không những thế, thấy tôi gặp nhiều gian nan trong việc ăn ở, cô đã giúp đỡ cho tôi được có nơi ở trong trường để thuận lợi trong công việc hơn, tạo điều kiện cho tôi được tiếp xúc và trò chuyện với đồng nghiệp để giúp tôi xóa bỏ được khoảng cách và mở lòng hơn với mọi người.

Biết tôi có năng khiếu vẽ tranh nên cô đã định hướng cho tôi trang trí và vẽ tranh lên các mảng tường còn trống trong khuôn viên trường học. Nhờ sự giúp đỡ của cô và sự đoàn kết của tất cả các đồng nghiệp nên trường tôi đã được Đài Truyền hình tỉnh Bình Thuận đưa tin về những sáng tạo trên tranh vẽ, phóng sự mang tên "Nét cọ vùng cao".

Tôi và đồng nghiệp dần xóa bỏ các khoảng cách, trở nên gần gũi, gắn bó và phấn đấu vì sự nghiệp chung. Tôi đã thực sự có thêm nhiều sức mạnh và động lực hơn trong công việc, cảm thấy yêu nghề, yêu trẻ hơn trước, có thêm nhiều tình cảm dành cho học sinh vùng cao, muốn cống hiến nhiều hơn cho công tác giáo dục ở vùng cao.

Không biết từ bao giờ tôi đã không còn cảm thấy áp lực và vất vả. Cô Liễu đã truyền lửa giúp tôi trụ vững trong nghề…

Bài và ảnh: Châu Thị Chính Nghiệp (Bình Thuận)