Bà Dương Tường Nhi, Trưởng Làng Tư duy thiết kế, Techfest Việt Nam: Mạnh dạn bước đi sẽ tạo con đường

Bà Dương Tường Nhi, Trưởng Làng Tư duy thiết kế, Techfest Việt Nam

Luôn tò mò về điều chưa biết

Trước khi bước chân vào Techfest Việt Nam - cuộc thi, sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lớn nhất của quốc gia với nhiệm vụ hỗ trợ “Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” (Đề án 844/QĐ-TTg), bà Dương Tường Nhi là Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Happy Lifestyle. Đây là doanh nghiệp chuyên cung cấp các khóa học, huấn luyện về thay đổi nhận thức, thái độ…, làm nền tảng tạo nên những doanh nghiệp bền vững, lối sống hạnh phúc.

Bà Nhi thừa nhận, thời điểm đó, kiến thức của bà về lĩnh vực này chỉ là con số 0. “Đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái… là những từ mà tôi được nghe nhiều, nhưng giữa biết và hiểu sâu là cả khoảng cách lớn. Chỉ khi bắt tay vào làm, tôi mới thấy mình chẳng hiểu gì”, bà Nhi chia sẻ.

Nữ doanh nhân cho biết, ở thời điểm bắt đầu, bà đã trao đổi, trò chuyện cùng các trưởng làng công nghệ khác, trao đổi với lãnh đạo Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, nhưng đôi khi, trao đổi xong vẫn không hiểu gì.

Song, chính sự không hiểu đó đã kích thích tính tò mò của bà. Nữ doanh nhân dành thời gian tham dự các hội thảo, tọa đàm, sự kiện về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; trò chuyện cùng lãnh đạo, trưởng làng, chuyên gia… trên khắp cả nước.

“Tôi luôn lắng nghe những chia sẻ, đúc kết kinh nghiệm của các chuyên gia tại các sự kiện từ đầu tới cuối, nuốt lấy từng lời của họ. Và cơ duyên lớn nhất là cuốn sách “Rừng mưa” viết về thuở ban đầu hình thành Thung lũng Silicon. Tôi đã học được rất nhiều từ cuốn sách này và nhờ nó, tôi biết phải bắt đầu từ đâu để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh, nhằm góp phần đưa đất nước đón đầu công nghệ 4.0”, bà Nhi nhớ lại.

Nhưng chỉ nghe, học và đọc thôi là chưa đủ. Bà đã triển khai, hành động ngay khi có thể những điều đã học để trải nghiệm và rút kinh nghiệm. Theo bà, đổi mới sáng tạo, trước hết, nằm ở bản lĩnh tiên phong, không sợ sai, nếu sai thì làm lại. Tư duy thiết kế có 5 bước là thấu hiểu, xác định, sáng tạo, nguyên mẫu và thử nghiệm, nhưng không nhất thiết luôn phải đi từ 1 đến 5. Đôi khi, có thể đi đến bước 3, rồi quay lại bước đầu để điều chỉnh.

Chìa khóa đổi mới sáng tạo

Làng Tư duy thiết kế được thành lập với mục tiêu tạo ra môi trường thúc đẩy các thành viên trong hệ sinh thái khởi nghiệp, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư… có thêm nguồn cảm hứng và kết nối trong vấn đề tư duy thiết kế.

Theo định nghĩa về tư duy thiết kế, thấu hiểu hành vi con người là chìa khóa cho đổi mới sáng tạo. Tư duy thiết kế là một quá trình để đạt được sự đổi mới sáng tạo bằng cách tập trung vào nhu cầu của khách hàng, lấy con người làm trung tâm.

Bà nêu ví dụ về sự thành công của taxi công nghệ so với taxi truyền thống. Trước đây, khi chưa có taxi công nghệ, chúng ta phải gọi lên tổng đài để đặt xe và khách hàng không thể biết taxi đã đi tới đâu... Trong quá trình sử dụng dịch vụ, nếu có điều không tốt cũng không thể phản hồi. Nhưng các hãng xe công nghệ không chỉ cải thiện được tất cả những điều đó, mà còn tích hợp thêm nhiều dịch vụ, tiện ích khác, như giao đồ ăn, đa dạng phương thức thanh toán…

“Có thể nói, việc thấu hiểu khách hàng giúp các hãng xe công nghệ có được thành công trên thị trường”, bà Nhi nói.

Không chỉ dừng lại ở thấu hiểu, để ứng dụng thành công tư duy thiết kế, còn cần xác định ý tưởng, tạo ra giải pháp sáng tạo phù hợp với nhu cầu lớn trên thị trường, thử nghiệm, thu nhận phản hồi và liên tục điều chỉnh để luôn có sản phẩm sáng tạo nhất. Điều này thể hiện rõ hơn tại các sản phẩm công nghệ như ứng dụng mạng xã hội, ứng dụng lưu trữ. Ví dụ, cho mọi người sử dụng miễn phí, tạo nhu cầu lớn khi đã có thói quen, sau đó bán gói YouTube Premium cho trải nghiệm không quảng cáo.

“Nhà phát triển đã tạo nên nhu cầu cho chính khách hàng nhờ tư duy thiết kế”, bà Nhi cho biết. Tư duy này cũng có thể được ứng dụng linh hoạt để đổi mới sáng tạo, tạo hiệu quả tốt hơn trong nhiều hoạt động khác ngoài kinh doanh.

Trong khuôn khổ hoạt động của Làng Tư duy thiết kế, bà Dương Tường Nhi đã xây dựng hệ sinh thái Rừng mưa nhằm hỗ trợ, kết nối cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Việt Nam. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về hệ sinh thái này, cần đọc cuốn sách cùng tên nói trên.

Vi vậy, trong dự án này, các cá nhân trong hệ sinh thái được khuyến khích đọc một phần, nhiều phần hoặc toàn bộ cuốn sách và thu âm lại. Các bản thu âm sau đó được tổng hợp thành nhiều bản sách nói. Dự án cũng có nhiều khuyến khích dành cho cá nhân tham gia, để tạo động lực lan tỏa thông điệp về Rừng mưa.

“Nếu không làm gì thì ít ai đọc. Vì vậy, tôi tạo ra nhiều hoạt động để khuyến khích, tạo động lực để họ cầm sách lên. Có thể, họ sẽ chỉ đọc một chương, nhưng từ đó sẽ kích thích sự tò mò, ham muốn tìm hiểu thêm về hệ sinh thái này. Tư duy thiết kế không chỉ được áp dụng trong kinh doanh là như vậy”, bà Nhi chia sẻ.

Đến nay, dự án Rừng Mưa đã hoàn thành bản sách nói để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận hơn. Bên cạnh đó, Trưởng Làng Tư duy thiết kế còn tạo ra nhiều hoạt động như đồng sáng tạo qua team building Bức tranh Rừng Mưa - Rainforest Canvas, các talkshow... trong khuôn khổ dự án Rừng mưa để khuyến khích mọi người tham gia.

Nhằm lan tỏa rộng rãi hơn về tư duy thiết kế, tới nay, Làng Tư duy thiết kế đã triển khai nhiều chương trình như MegaCity Connect, Caravan liên kết vùng, cuộc thi Design Thinking Open Innovation, Dự án Rừng Mưa...

Tiêu điểm chính trong năm 2024 là Cuộc thi Vietnam Innovation Talent, với mục tiêu tìm kiếm những nhà lãnh đạo tiên phong giải quyết các vấn đề của xã hội và của địa phương. Đồng thời, thu hút đa dạngcác nguồn lực và sự tham gia của các tập đoàn, nhà đầu tư, tổ chức chính phủ, sở, ban, ngành nhiều lĩnh vực, từ đó tạo nên một hệ sinh thái thành công, sáng tạo và bền vững.

Kiến tạo hệ sinh thái Rừng mưa

Lý giải về cái tên hệ sinh thái Rừng mưa, bà Nhi cho biết, trong hệ sinh thái rừng tự nhiên, đôi khi sẽ xuất hiện những loại cây mới, không ai biết tới nó. Nhưng sau khi thử nghiệm, tìm ra những giá trị quý, những loại cây này được đặt tên và dần trở nên phổ biến.

Hệ sinh thái kinh tế, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng vậy. Đâu đó sẽ xuất hiện một doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Để những doanh nghiệp này có thể trở thành công ty tên tuổi, cần có cả một hệ sinh thái để nâng đỡ. Ở đó, có nhà đầu tư, có mạng lưới chuyên gia… sẵn sàng giúp đỡ. Trong môi trường tốt như vậy, doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mới phát triển được.

Trong cuốn sách “Rừng mưa” cũng nêu ví dụ về các tên tuổi lớn như Google, Facebook. Nếu những start-up này không ở Silicon Valley, không được cả hệ sinh thái nâng đỡ, thì có thể không ai biết tới.

Tại hệ sinh thái Rừng mưa, trong sự kết nối rộng rãi với mọi thành phần của nền kinh tế, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, như các doanh nghiệp lớn, chuyên gia, nhà đầu tư..., các start-up nhận được sự chia sẻ miễn phí, sự nâng đỡ tận tình từ cả hệ sinh thái. “Có những chuyên gia nổi tiếng sẵn sàng dành thời gian để giúp đỡ các start-up, giúp người cần. Đó là sự cho đi của hệ sinh thái”, bà Nhi chia sẻ.

Bà Nhi và Làng Tư duy thiết kế cũng sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ về đào tạo, chia sẻ thông tin, kết nối nhà đầu tư với start-up, hỗ trợ tài chính… trong khả năng cho phép. Tới nay, có không ít chương trình huấn luyện từ các chuyên gia hàng đầu do Làng Tư duy thiết kế tổ chức cho doanh nghiệp, như đào tạo về trách nhiệm pháp lý của người quản lý và giải quyết tranh chấp nội bộ do luật sư Đào Tiến Phong, Luật sư điều hành Innvestpush Global chia sẻ; tọa đàm về sở hữu trí tuệ trong thương mại toàn cầu và vận dụng vào bối cảnh Việt Nam do PGS-TS. Đinh Diệp Công Thành, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ chia sẻ…

Ngoài ra, Làng cũng tổ chức Cuộc thi Design Thinking Open Innovation với cả bảng start-up và bảng sinh viên, nhằm thu hút những ý tưởng đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp, kinh doanh, thương mại hóa các ý tưởng đó, kết nối các nguồn lực về trí tuệ cùng các giải pháp khả thi từ các chuyên gia để giải quyết các vấn đề của xã hội.

Nguyễn Ngân