An Giang thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Đạt nhiều kết quả

UBND tỉnh Giang cho biết, hàng năm, tỉnh được bố trí bình quân trên 2.200 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương đóng vai trò chủ đạo và trên 200 tỷ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa. Công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được thực hiện với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cơ bản phù hợp thực tiễn. Từ đó, phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Trao sinh kế cho người nghèo chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo

Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, người dân trên địa bàn nghèo, vùng đặc biệt khó khăn từng bước được nâng lên. Thời gian qua, tỉnh triển khai, hỗ trợ hơn 220 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo hiệu quả với trên 5.000 hộ tham gia hưởng lợi. Qua đó, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân sinh sống trên địa bàn nghèo. Qua triển khai các dự án, có rất nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, một số hộ vươn lên khá giả.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang Châu Văn Ly cho biết, các cơ chế, chính sách giảm nghèo chung hỗ trợ toàn diện cho người nghèo được ban hành đồng bộ, đầy đủ, như: Bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, dạy nghề, lao động và việc làm, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội, vay vốn tín dụng ưu đãi; giải quyết đất ở, đất sản xuất. Từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có hoàn trả, có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng.

Đặc biệt, tỉnh tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu, như: Giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt. Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở huyện nghèo (huyện Tri Tôn), các xã, ấp đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng DTTS. Giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện đầu tư 27 công trình giao thông và duy tu, bảo dưỡng các công trình trên địa bàn huyện nghèo với kinh phí trên 400 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, việc hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, chọn giống cây trồng vật nuôi, phương thức canh tác, chăm sóc, bảo vệ rừng ngày càng được cải thiện. Nhiều người nghèo, hộ nghèo được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề, được tiếp cận các kiến thức, khoa học - kỹ thuật áp dụng thực tế, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị cao hơn để thay thế cho các giống cũ, phương thức canh tác, nuôi trồng cũ, năng suất thấp ở địa phương.

Thực hiện đồng bộ các chính sách

Tỉnh phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân từ 1 - 1,2%/năm, trong đó hộ nghèo DTTS giảm bình quân từ 3 - 4%/năm; huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn và đến năm 2030 cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn. Tỉnh đang tiếp tục rà soát, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện các chính sách giảm nghèo; chuyển dần sang hỗ trợ có điều kiện, nhằm khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo.

Tỉnh rà soát, lồng ghép các chính sách, chương trình, đề án có cùng đối tượng, nội dung hỗ trợ (đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất...) để tăng hiệu quả nguồn lực, thống nhất cơ chế thực hiện chung. Cùng với đó, thực hiện cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống người nghèo. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người hộ nghèo cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so cuối năm 2015 (ở các huyện nghèo, xã nghèo tăng gấp 2 lần).

Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo, để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của người nghèo. Hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; hỗ trợ theo dự án sản xuất kết nối thị trường, gắn hỗ trợ phát triển sản xuất với vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và đối ứng của người dân.

Các địa phương tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo để xây dựng kế hoạch giảm nghèo hiệu quả. Đồng thời, tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và Nhân dân cùng tham gia giảm nghèo. Vận động người dân thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội.

Đặc biệt, nâng cao nhận thức, ý chí quyết tâm phấn đấu vượt nghèo, vươn lên mức sống khá của các hộ nghèo, cận nghèo. Triển khai có hiệu quả cuộc vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo để tăng nguồn lực giảm nghèo.

Công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được tập trung vào các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng DTTS, các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh. Nhờ đó, tỷ lệ giảm nghèo đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 8,45% đầu năm 2016 xuống còn 1,9% cuối năm 2020, đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 2,07% (kể cả hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội) và toàn tỉnh không còn hộ nghèo có thành viên thuộc chính sách ưu đãi người có công.

HẠNH CHÂU