An Giang chăm lo cho người yếu thế

Năm nay, em Nguyễn Khánh Duy (sinh năm 2002) là sinh viên năm thứ 3, ngành công nghệ thông tin. Nhìn lại năm tháng tuổi thơ, Duy cho biết, nếu không được nuôi dưỡng ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, em không dám nghĩ có được ngày hôm nay. Duy sinh ra trong một gia đình nghèo, hoàn cảnh hết sức khó khăn: Không nhà cửa, cha mất sớm, mẹ bị bệnh nan y không còn khả năng lao động…

Năm lên lớp 8, điều kiện càng khó khăn, cộng với sức khỏe không cho phép, Duy đành nghỉ học, đứa em cũng nghỉ theo. Cậu bé năm đó đang nhìn về tương lai trong mù mịt thì được chính quyền phường Mỹ Thới (TP. Long Xuyên) kết nối gửi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nuôi dưỡng. Từ năm 2016 đến nay, gia đình Duy được các cô, chú, nhân viên công tác xã hội chăm lo tận tình và 2 anh em Duy vui mừng vì được tiếp tục cắp sách đến trường. Suốt thời gian qua, Duy luôn nỗ lực học tập, riêng 3 năm học đại học đều đạt kết quả loại khá, được trường khen thưởng.

Nhiều dịp đến dự họp mặt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, chúng tôi cảm nhận sự ấm áp và hạnh phúc từ những cô, chú, các cháu nhỏ được nuôi dưỡng tại đây và tấm lòng từ ái của cán bộ, cộng tác viên dành cho họ. Mỗi sự kiện, lực lượng tại trung tâm phối hợp nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện cố gắng thực hiện chương trình thật chu đáo.

Chị Lê Thị Mỹ Duyên (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chia sẻ vì cộng đồng, TP. Long Xuyên, tỉnh Giang) bày tỏ: “Câu nói tôi tâm đắc nhất là “Cho đi thì còn mãi”, vì sự cống hiến, trao đi của mình sẽ nhận về sự hạnh phúc”. Thời gian qua, câu lạc bộ đã đồng hành, kết nối những tấm lòng để phối hợp tổ chức chương trình cho các cụ già được nuôi dưỡng tại trung tâm bảo trợ.

Mỗi chương trình tổ chức không dừng lại ở mục đích và ý nghĩa của “người cho” và “người nhận”, mà phía sau, những tấm lòng hảo tâm luôn mong muốn lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp để cộng đồng cùng chia sẻ, nâng đỡ những người yếu thế có được cuộc sống tốt hơn”.

Tôn vinh những cá nhân đóng góp tích cực cho công tác xã hội

Đa số người được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh bị tâm thần, tuổi cao, nhiều bệnh tật. Có người ngồi tham dự vô tư cạp trái ổi trên tay, có người chốc lát giơ tay xin đi vệ sinh, có người chỉ trầm lặng ánh mắt như chất chứa nỗi niềm cả một đời gom lại…

Nhưng đâu đó, vẫn có những tâm hồn trong trẻo như trẻ thơ, chia nhau từng miếng bánh, cái vỗ vai, lời cảm ơn hay thậm chí dành bông hoa họ nhận được để tặng lại cho cán bộ của trung tâm. Không nhà, không người thân, đây là nơi nương tựa cuối cùng, nhưng ấm áp và hạnh phúc. Hoàn cảnh và nhiều lý do khiến một số người thu mình lại. Để tiếp xúc với họ, nhân viên phải kiên nhẫn, chăm bẵm và vỗ về như chính người thân của mình, thậm chí chiều chuộng như những đứa trẻ.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang Châu Văn Ly cho biết, trên địa bàn tỉnh có hơn 89.900 đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng. Bên cạnh đó, có trên 870 người nghiện ma túy đang có hồ sơ quản lý được nuôi dưỡng, cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Toàn tỉnh có 7 cơ sở trợ giúp xã hội tiếp nhận, chăm sóc và nuôi dưỡng trên 450 đối tượng, được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày.

Tuy nhiên, hiện còn trên 4.110 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo Luật Trẻ em và trên 33.880 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người lang thang, người bị rối nhiễu tâm trí. Hàng năm, có khoảng 400 hộ gia đình bị thiên tai, hỏa hoạn cần cứu trợ đột xuất; còn hơn 10.900 hộ nghèo và trên 19.000 hộ cận nghèo cần được giúp đỡ, vươn lên trong cuộc sống.

“Lực lượng làm công tác xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình và xã hội. Đồng thời, góp phần đảm bảo quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của Nhân dân. Qua đó, phát huy ngày càng cao hơn truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, tinh thần thương yêu, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam trong các hoạt động trợ giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Tôi tin rằng nghề công tác xã hội sẽ phát triển mạnh mẽ, ngày càng lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp vì cuộc sống tốt đẹp của cộng đồng” - ông Châu Văn Ly chia sẻ.

Cùng với sự phát triển của đất nước, nghề công tác xã hội và đội ngũ làm công tác xã hội ngày càng được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm, tham gia. Các hoạt động được tổ chức chuyên nghiệp hơn, nhanh chóng kết nối các đối tượng khó khăn ngay khi nắm được thông tin. Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ trẻ em (được đặt tại Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em) thực hiện tốt hoạt động tư vấn khi người dân cần đến. Hoạt động của 2 văn phòng Công tác xã hội cấp huyện ở Phú Tân và TX. Tịnh Biên thực hiện khá tốt các nhiệm vụ hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế tại địa phương.

Ngoài ra, còn trên 1.500 cộng tác viên trên lĩnh vực hỗ trợ trẻ em ở địa bàn dân cư. Các hội, đoàn thể, các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cũng có những hoạt động thiết thực trong công tác an sinh xã hội, trợ giúp các đối tượng yếu thế. Từ đó, góp phần xoa dịu, giảm bớt nỗi đau, khó khăn của người hoạn nạn, nâng chất lượng cuộc sống của những nhóm người yếu thế, ngăn ngừa các vấn nạn xã hội.

HOÀI ANH