10 hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đáng mong chờ trong năm 2024

Theo Tổ chức Hội đồng Quan hệ quốc tế (CFR - Mỹ, nghiên cứu về quan hệ quốc tế), thế giới năm 2024 sẽ chứng kiến nhiều diễn biến đầy thách thức, từ biến đổi khí hậu, xung đột, tình trạng mất an ninh lương thực, cho đến sự phổ biến của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong bối cảnh đó, các hội nghị thượng đỉnh toàn cầu sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc gắn kết các nhà lãnh đạo thế giới với nhau để thúc đẩy cam kết và phối hợp ứng phó với những thách thức trên.

Dưới đây là 10 hội nghị thượng đỉnh quan trọng nhất năm 2024:

Hội nghị Bộ trưởng ổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

Hội nghị Bộ trưởng WTO (MC13) lần thứ 13 sẽ tổ chức tại Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE) từ ngày 26 đến 29-2. Kế hoạch tổ chức Hội nghị này diễn ra trong thời đại trật tự thương mại tự do đang bị đe dọa nghiêm trọng do các chính sách "vũ khí hóa thương mại” của nhiều quốc gia.

Hội nghị năm nay sẽ tìm cách giải quyết các vấn đề cải cách của WTO cũng như nỗ lực thực hiện nhiều cam kết được thống nhất tại các hội nghị thượng đỉnh trước đó.

Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi năm 2022 tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: REUTERS

Tổng giám đốc WTO - bà Ngozi Okonjo-Iweala liệt kê các ưu tiên tại hội thượng đỉnh năm nay, gồm: (1) cải cách hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO; (2) đảm bảo Hiệp định trợ cấp đánh bắt cá có hiệu lực và kết thúc giai đoạn 2 của các cuộc đàm phán về trợ cấp nghề cá; (3) thúc đẩy chương trình nghị sự của WTO về phát triển và quyền sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử.

Các thành viên WTO cũng kêu gọi thảo luận về chính sách công nghiệp, an ninh lương thực, y tế và biến đổi khí hậu.

Mặc dù có rất ít hy vọng rằng Hội nghị thượng đỉnh sẽ mang lại kết quả có ý nghĩa nhưng những điểm sáng có thể bao gồm việc Timor-Leste và Comoros gia nhập WTO, cũng như khả năng ký kết một thỏa thuận thương mại điện tử.

Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu AI for Good

Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu AI for Good dự kiến diễn ra vào ngày 30 đến 31-5 tại Geneva (Thụy Sĩ), trong bối cảnh thế giới lo ngại về sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ AI.

Hội nghị thượng đỉnh năm nay sẽ quy tụ các đại diện của chính phủ, tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, tập đoàn và tổ chức quốc tế để thảo luận về cách điều hướng trong thời đại mà công nghệ đang phát triển với tốc độ cấp số nhân.

Sự phát triển của các công nghệ AI hướng tới công chúng như AI tổng quát và các mô hình ngôn ngữ lớn đặt ra tính cấp thiết của việc thảo luận về cách thức đưa những đổi mới này phát triển bền vững, an toàn, công bằng, có trách nhiệm và mang lại lợi ích.

Hội nghị cũng dự kiến sẽ xem xét cách sử dụng AI tốt nhất để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) vào năm 2030

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7)

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh 7 lần thứ 50 tại Puglia (Ý) từ ngày 13 đến 15-6.

Theo CFR, địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 mang ý nghĩa biểu tượng to lớn. Puglia là nơi giao thoa về mặt địa lý và văn hóa giữa nền văn minh phương Đông và phương Tây trong nhiều thế kỷ.

Bà Meloni muốn Hội nghị thượng đỉnh năm nay tập trung vào các quốc gia có thu nhập thấp (còn gọi là các quốc gia Nam bán cầu), nhằm bác bỏ quan điểm cho rằng thế giới bị chia cắt giữa phương Tây và “phần còn lại”.

Theo bà Meloni, các ưu tiên của Hội nghị thượng đỉnh sẽ bao gồm vấn đề Ukraine, sự tôn trọng các quy tắc quốc tế, an ninh kinh tế và năng lượng, di cư và quan hệ đối tác bình đẳng hơn với châu Phi.

Hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ bàn về việc triển khai Quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)

Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2024 sẽ diễn ra tại thủ đô Washington, D.C. (Mỹ) từ ngày 9 đến 11-7, đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh.

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Lithuania hồi tháng 7-2023. Ảnh: REUTERS

Tư cách thành viên NATO của Ukraine sẽ tiếp tục là một chủ đề chính trong chương trình nghị sự. Mặc dù tất cả thành viên NATO đều nhất trí về việc Ukraine cuối cùng sẽ được kết nạp vào liên minh, nhưng vẫn chưa có thỏa thuận nào về mốc thời gian và việc Kiev trở thành thành viên vẫn có vẻ không thực tế trong tương lai gần.

Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh sẽ là cơ hội để các thành viên tái khẳng định việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Hội nghị thượng đỉnh năm nay cũng sẽ tập trung vào vấn đề Tây Balkan, viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza, an ninh xuyên Đại Tây Dương và cạnh tranh địa chiến lược với Trung Quốc.

Ngoài ra, các thành viên NATO sẽ tìm kiếm sự đồng thuận trong việc lựa chọn người kế nhiệm Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Khai mạc Đại hội đồng ên Hợp Quốc (LHQ) và Hội nghị thượng đỉnh tương lai

Năm nay, các nguyên thủ và lãnh đạo thế giới tập trung tại TP New York (Mỹ) để khai mạc phiên họp mới của cuộc họp đa phương lớn nhất thế giới - Đại hội đồng LHQ, dự kiến diễn ra từ ngày 22 đến 23-9.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu khai mạc tại khóa họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9-2023. Ảnh: LIÊN HỢP QUỐC

Điểm nổi bật chính của khóa họp thứ 79 của Đại hội đồng LHQ sẽ là Hội nghị thượng đỉnh tương lai.

Được đề xuất trong báo cáo “Chương trình nghị sự chung của chúng ta" vào năm 2021, Hội nghị thượng đỉnh tương lai kỳ vọng sẽ vạch ra lộ trình cải cách LHQ, đặc biệt là về cách thực hiện hiệu quả hơn các thỏa thuận và mục tiêu quốc tế hiện có, chẳng hạn như mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Các vấn đề nóng tại Hội nghị dự kiến sẽ bao gồm việc quản lý công nghệ kỹ thuật số một cách có trách nhiệm, tạo ra một hệ sinh thái thông tin an toàn, thúc đẩy việc sử dụng bền vững không gian vũ trụ và phát triển kịch bản ứng phó những thách thức mới nổi như an toàn mạng, biến đổi khí hậu,...

Hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ xem xét cải thiện các phương pháp về số liệu và đo lường, quản lý và lưu trữ dữ liệu,...

Hội nghị cũng dự kiến sẽ đưa ra Hiệp ước định hướng hành động cho tương lai, với mục tiêu là được tất cả thành viên LHQ nhất trí thông qua.

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS)

Hội nghị thượng đỉnh năm 2024 sẽ diễn ra vào tháng 10 tại TP Kazan (Nga) với chủ đề “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng”.

Tại hội nghị, BRICS sẽ chào đón 5 thành viên mới là Saudi Arabia, Iran, Ethiopia, Ai Cập và UAE. Sự mở rộng của BRICS, lần đầu tiên sau 13 năm, phản ánh sự thay đổi địa chính trị với sự trỗi dậy của các “cường quốc tầm trung".

Khối này hiện chiếm gần một nửa dân số thế giới và gần một phần ba sản lượng kinh tế.

Ưu tiên chính của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong nhiệm kỳ chủ tịch BRICS là thiết lập một khuôn khổ để phát triển mối quan hệ với các thành viên mới và đối tác.

Ông Putin dự kiến cũng sẽ kêu gọi thiết lập các tuyến vận tải mới bền vững và an toàn, bao gồm việc thành lập ủy ban vận tải BRICS thường trực. Ngoài ra, Moscow cũng sẽ tăng cường mối quan hệ giữa các nước BRICS trong khoa học, đổi mới và chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy đổi mới và thành lập quỹ cho mạng lưới cơ sở hạ tầng quốc tế.

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP29)

COP29 sẽ diễn ra tại Azerbaijan vào tháng 11 năm nay.

COP29 sẽ kế thừa một số tiến bộ đáng kể từ COP28, đặc biệt là thỏa thuận kêu gọi các nước "chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 từ nay đến năm 2050, phù hợp với khoa học".

Một buổi họp báo tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) hồi tháng 12-2023 tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE). Ảnh: REUTERS

Dù vậy, COP29 cũng sẽ đối mặt nhiều khó khăn. Hội nghị năm nay sẽ phải tìm ra các cách để cải thiện nguồn tài chính cho việc thích ứng khí hậu, vốn vẫn là trở ngại lớn đối với các nước thu nhập thấp và trung bình trong việc giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu.

Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước LHQ về Đa dạng sinh học

Từ ngày 21-10 đến 1-11, Colombia sẽ tổ chức Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước LHQ về Đa dạng sinh học. Colombia là một nơi phù hợp vì đây là nơi cư trú gần 10% đa dạng sinh học của hành tinh.

Hội nghị năm nay tại Colombia sẽ tập trung vào việc đánh giá mức độ các chính phủ trong việc đáp ứng các mục tiêu của khuôn khổ nhằm bảo vệ 30% đất đai, đại dương, khu vực ven biển và vùng nước nội địa.

Bên cạnh đó, các cuộc thảo luận cũng tập trung vào việc cải cách khoản trợ cấp môi trường toàn cầu trị giá 500 tỉ USD và mục tiêu cắt giảm một nửa chất thải thực phẩm.

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu (G20)

Hội nghị thượng đỉnh 20 năm nay sẽ được tổ chức tại TP Rio de Janeiro (Brazil) trong hai ngày 18 và 19-11. Năm 2024 sẽ đánh dấu lần thứ ba liên tiếp một nền kinh tế mới nổi đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20.

Chủ đề của Brazil trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 là “xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững”, phản ánh sự nhấn mạnh vào vấn đề biến đổi khí hậu.

Các ưu tiên chính của Brazil tại Hội nghị thượng đỉnh G20 bao gồm chống đói nghèo và bất bình đẳng, phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, và cải cách quản trị toàn cầu.

Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2024, Lào sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45 và các hội nghị liên quan.

Với chủ đề “Thúc đẩy sự kết nối và tự cường”, Lào sẽ ưu tiên sự tăng cường kết nối, củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN, theo TTXVN.

VĨNH KHANG