Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Từng bước xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

Trước yêu cầu cấp thiết của lịch sử, ngày 15-4-1974, Bộ Công an tổ chức thành lập lực lượng Cảnh sát Bảo vệ để thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Từ đó, ngày 15-4 trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động.

Tại Lai, tháng 4-1960, lực lượng An ninh vũ trang (tiền thân của Phòng CSCĐ) được thành lập với 7 cán bộ, chiến sĩ. Đến năm 1962, lực lượng này được bổ sung, dần hình thành các tổ an ninh vũ trang, sau đó phát triển thành tiểu đội, trung đội rồi đại đội. Khi mới thành lập, trang bị vũ khí, phương tiện thiếu thốn nhưng nhiệm vụ của lực lượng An ninh Gia Lai rất nặng nề: chiến đấu chống địch càn quét; bảo vệ các cơ quan đầu não, lãnh đạo tỉnh, vùng căn cứ cách mạng, trại tạm giam; dẫn đường, tổ chức vận chuyển an toàn hàng trăm tấn vũ khí, phương tiện… Vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lực lượng An ninh vũ trang Gia Lai đã dũng cảm đấu tranh, giành được nhiều chiến công vang dội. Điển hình như khi Mỹ-ngụy tấn công cơ quan đầu não của tỉnh ở khu căn cứ cách mạng Krong, lực lượng An ninh đã tiêu diệt gọn cả đại đội địch, bảo vệ an toàn khu căn cứ cách mạng.

Lãnh Phòng Cảnh sát cơ động đón nhận Huân chương chiến công hạng III của Chủ tịch nước. Ảnh: Thúy Trinh

Năm 1977, Tiểu đoàn CSCĐ tại Gia Lai chính thức được thành lập với nhiệm vụ chính là đấu tranh với tổ chức phản động FULRO hoạt động vũ trang. Chỉ tính riêng giai đoạn 1977-1990, bên cạnh công tác phối hợp vận động quần chúng, kêu gọi FULRO quy hàng, trình diện, lực lượng CSCĐ phối hợp cùng với các đơn vị vũ trang khác tổ chức hơn 500 trận đánh; tiêu diệt, bắt sống hơn 800 tên FULRO, quy hàng hơn 1.000 tên, thu nhiều vũ khí, đạn dược của địch, làm tan rã 2 sư đoàn, 9 khung trung đoàn, 31 khung tiểu đoàn, 3 bộ máy chỉ huy cấp tỉnh và hàng chục toán vũ trang của FULRO. Trong giai đoạn này đã xuất hiện nhiều tấm gương mưu trí, dũng cảm chiến đấu, hy sinh như: Nguyễn Văn Nhanh, Nguyễn Minh Hưu, Rơmah Thố, Puih Thái, Nguyễn Hải, Lê Ngọc Lâm, Cao Xuân Thức, Vũ Chí Công, Nguyễn Văn Tám…

Những năm 2001, 2004 và 2008, bọn FULRO lưu vong xúi giục, kích động người dân tộc thiểu số ở một số địa bàn tham gia các hoạt động biểu tình, gây rối, đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê ga” làm cho tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp. Lực lượng CSCĐ đã phối hợp với các lực lượng kiên trì thuyết phục, vận động Nhân dân; khống chế những đối tượng quá khích; giải tán các điểm nóng về an ninh trật tự; phối hợp tổ chức nhiều kế hoạch nghiệp vụ truy bắt số đối tượng cầm đầu cốt cán trốn ra rừng hoạt động. Đồng thời, hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ được điều động xuống cơ sở “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con; tuyên truyền, vạch rõ âm mưu, thủ đoạn thâm độc, nham hiểm của bọn phản động FULRO để thức tỉnh đồng bào; vận động người dân trở về buôn làng, yên tâm làm ăn, lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Với những thành tích xuất sắc trong công tác và chiến đấu, ngày 22-7-1998, Phòng CSCĐ vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trấn áp tội phạm, bảo vệ bình yên cho Nhân dân

Bước vào thời kỳ đổi mới, lực lượng CSCĐ luôn kề vai, sát cánh cùng với các lực lượng khác tích cực truy quét, đấu tranh quyết liệt, trấn áp kịp thời các loại tội phạm, bảo vệ bình yên cho Nhân dân. Tiêu biểu như: phối hợp bắt gọn Nguyễn Sỹ Hải-đối tượng đặc biệt nguy hiểm có lệnh truy nã toàn quốc và nhiều tiền án, tiền sự, sử dụng vũ khí cố thủ trong nhà; bao vây, truy bắt thành công Nguyễn Văn Tây-kẻ nhẫn tâm bắn chết 7 người trong một gia đình tại xã Cư An, huyện An Khê (cũ); phối hợp phát hiện và tạm giữ 57 đối tượng dương tính với các chất ma túy, trong đó có 3 đối tượng tàng trữ, mua bán chất ma túy trái phép tại bar S.E.F Lounge & Chill (số 8 Hoàng Văn Thụ, phường Diên Hồng, TP. Pleiku); phối hợp thực hiện các lệnh bắt hàng chục đối tượng cầm đầu trong đường dây tổ chức cá độ bóng đá qua mạng internet với số tiền cá cược trên 3.000 tỷ đồng…

Trong năm 2012 và 2013, đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức nhiều đợt bao vây, phong tỏa, truy bắt các đối tượng FULRO lợi dụng tà đạo “Hà Mòn” kích động, lôi kéo quần chúng tại địa bàn huyện Mang Yang… Với những thành tích đó, trong giai đoạn này, hơn 300 lượt cán bộ, chiến sĩ được các cấp khen thưởng; 3 lượt tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Ngày 16-7-2013, Phòng CSCĐ vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.

Lực lượng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh tham gia diễn tập thực binh năm 2023. Ảnh: Thúy Trinh

Trong đại dịch Covid-19, Phòng CSCĐ đã cử 571 lượt cán bộ, chiến sĩ xung phong đi tuyến đầu với hơn 8.000 ngày công, đảm bảo an ninh trật tự tại các chốt kiểm soát giao thông, các khu cách ly, bệnh viện điều trị Covid-19 của tỉnh… Đơn vị đã góp phần trở thành “lá chắn thép, thanh bảo kiếm” bảo vệ an ninh trật tự, được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng-chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”.

Những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, lực lượng CSCĐ tiếp tục được trang bị đồng bộ về vũ khí, khí tài, phương tiện chiến đấu. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 30-3-2021, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định thành lập Trung đoàn CSCĐ dự bị chiến đấu với thành viên là cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị, Công an địa phương của tỉnh Gia Lai, góp phần nâng cao sức mạnh toàn diện của lực lượng CSCĐ.

Cùng với công tác huấn luyện nghiệp vụ, kỹ chiến thuật quân sự, võ thuật Công an nhân dân; quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ; vũ trang canh gác, bảo vệ mục tiêu trọng yếu; tấn công, trấn áp tội phạm, Phòng CSCĐ còn tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân nghĩa tình gắn với giáo dục truyền thống, hướng về cộng đồng, cơ sở, để lại tình cảm sâu đậm trong lòng Nhân dân. Từ đầu năm 2023 đến nay, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã trao hàng trăm suất quà với tổng trị giá trên 80 triệu đồng. Ngoài ra, các phong trào hiến máu nhân đạo, “Mỗi ngày làm một việc tốt vì Nhân dân”, “Ngày chủ nhật xanh”… cũng được duy trì đều đặn, rộng khắp, đã góp phần thắt chặt mối đoàn kết quân dân, để lại ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh người chiến sĩ CSCĐ.

50 năm qua, trên mỗi chặng đường chiến đấu, dù trải qua bao khó khăn gian khổ, cán bộ, chiến sĩ Phòng CSCĐ luôn thể hiện rõ lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, có kỷ luật kỷ cương, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Thành tích đó là kết quả của sự phấn đấu không mệt mỏi, rèn luyện không ngừng của mỗi cán bộ, chiến sĩ, sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ tận tình của các tầng lớp nhân dân và sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng.

Ghi nhận những cống hiến trong công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc, ngoài danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đảng, Nhà nước còn tặng thưởng cho tập thể Phòng CSCĐ nhiều phần thưởng cao quý, điển hình như Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương Chiến công hạng nhì. Hàng trăm lượt tập thể, hàng ngàn lượt cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh và các cục nghiệp vụ tặng bằng khen, giấy khen.

Thời gian tới, cùng với tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch tiến hành âm mưu, hành động chống phá cách mạng với thủ đoạn, hình thức mới, ngày càng tinh vi và xảo quyệt. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội vẫn trong xu hướng gia tăng. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra cho Phòng CSCĐ sẽ hết sức nặng nề, khó khăn và phức tạp. Với một đơn vị chiếm đa số là cán bộ, chiến sĩ trẻ, để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, cấp ủy, lãnh đạo Phòng CSCĐ cần tăng cường công tác giáo dục chính trị; huấn luyện, tuần tra, cơ động chiến đấu; xây dựng lực lượng CSCĐ theo tiêu chí “Trung thành với Đảng, đoàn kết kỷ cương, dũng cảm kiên cường, chính quy tinh nhuệ”. Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, bởi truyền thống vẻ vang sẽ là hành trang quý báu của đơn vị, của từng cán bộ, chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.