Vĩnh Phúc: Giáo dục học sinh về giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải tham quan hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh chụp: 12/2020

Bằng những hình thức khác nhau phù hợp với điều kiện của từng trường cũng như tình hình thực tế tại địa phương, nhiều trường học đã tổ chức cho các em học sinh được học tập, tham quan thực tế tại các địa danh, di tích lịch sử.

Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc là đơn vị thường xuyên phối hợp tốt với các nhà trường và tạo điều kiện cho học sinh đến tham quan, tìm hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc qua các hiện vật sẵn có. Ông Mai Văn Trung, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Để góp phần đưa Bảo tàng trở thành một địa chỉ để giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương, trở thành một mô hình “xã hội học tập”; Bảo tàng tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Trong đó, hoạt động hướng dẫn tham quan luôn có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong năm 2020 Bảo tàng tỉnh đã đón tiếp 21.000 nghìn lượt khách tham quan, trong đó có 18.000 lượt khách là học sinh, học viên, sinh viên.

Khi đến tham quan Bảo tàng, các em được trực tiếp quan sát hiện vật, nghe cán bộ thuyết minh kể những câu chuyện lịch sử gắn liền với hiện vật gốc, với những nhân vật lịch sử đã để lại những ấn tượng sâu sắc. Đây chính là cầu nối giữa bảo tàng với học sinh, sinh viên, qua đó khuyến khích các em chia sẻ những hiểu biết cũng như những suy nghĩ của bản thân về các vấn đề mình quan tâm. Những hình ảnh, hiện vật trong nội dung trưng bày giúp mọi người ghi nhớ lâu hơn những ấn tượng của cuộc tham quan. Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh còn tổ chức các gian trưng bày chuyên đề lưu động, đưa hiện vật bảo tàng xuống các trường học nhân dịp các kỷ niệm, ngày lễ lớn của tỉnh, của ngành, của đất nước nhằm giáo dục học sinh truyền thống yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương….

Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc đón tiếp 18.000 lượt khách tham quan là học sinh, sinh viên

Được tham quan chuyên đề “Văn hóa Đông Sơn trên đất Vĩnh Phúc” với hơn 200 hiện vật cùng nhiều loại hình và chất liệu phong phú có niên đại khoảng 4.000 năm trước, trong đó chủ yếu là nhóm hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn có niên đại cách đây 2.000 năm, tại Bảo tàng tỉnh, em Nguyễn Thị Vân Anh, học sinh trường THCS Tô Hiệu (Thành phố Vĩnh Yên) cho biết: “Dù đã được nghe, được xem qua sách báo, tivi nhưng mỗi lần có dịp nghe các cô thuyết minh kể về cội nguồn lịch sử của quê hương, chúng em đều không khỏi bồi hồi, xúc động. Được đến xem trực tiếp các di vật, em cảm thấy rất tự hào và có thêm ý chí quyết tâm học tập. Em cũng cố gắng học giỏi môn tiếng Anh, có những bài viết bằng tiếng Anh để giới thiệu với bạn bè trong nước và ngoài nước về giá trị lịch sử văn hóa quê hương Vĩnh Phúc”.

Có thể nói, cùng với những hoạt động tham quan, trải nghiệm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hoạt động giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc nói chung và lịch sử, văn hóa của mảnh đất Vĩnh Phúc nói riêng, thông qua các bài dạy, hoạt động ngoại khóa ở các cơ sở giáo dục, nhà trường, đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, nhân lên tình yêu môn lịch sử, bồi dưỡng tư tưởng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, thời gian tới ngành tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh thực hiện giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho học sinh; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị liên quan nhằm đa dạng hóa các hoạt động giáo dục di sản với nội dung, hình thức giảng dạy phù hợp với văn hóa địa phương cũng như điều kiện thực tế của các nhà trường và mọi đối tượng học sinh. Đây chính là nguyên tắc bảo tồn bền vững cho các di sản văn hóa của quê hương, đất nước.

Lê Hoàn