Vì sao lừa đảo đầu tư đa cấp vẫn lộng hành?

Hình minh họa

Bài 1: Nhìn lại những vụ ừa đảo huy động vốn quy mô lớn

Những vụ sụp đổ công ty đầu tư tài chính hoạt động theo mô hình đa cấp (lấy của người vào sau trả cho người vào trước) lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ, thậm chí là hàng chục nghìn tỷ đồng, đẩy nhiều nạn nhân rơi vào cảnh trắng tay, tan nhà nát cửa.

Gần đây, ngày 7/2/2024, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Hoàng Nam (45 tuổi, quê Ninh Bình) về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đối tượng này đã ký 870 hợp đồng góp vốn, chiếm đoạt số tiền lên tới 270 tỷ đồng.

Tài liệu điều tra ban đầu cho thấy, hồi tháng 12/2020, ông Nam thành lập Công ty CP đầu tư tài chính PFS (Công ty tài chính PFS), hoạt động ở lĩnh vực hỗ trợ tư vấn các khoản vay tài chính - ngân hàng và cho vay các hình thức tín chấp, thế chấp, cầm cố tài sản.

Quá trình hoạt động, ông Nam đã tổ chức các buổi hội thảo, lôi kéo người đến nghe và kêu gọi góp vốn đầu tư vào Công ty tài chính PFS; đồng thời hứa hẹn sử dụng tiền của các nhà đầu tư để cho cá nhân, tổ chức vay và chi trả lợi nhuận theo tỷ lệ 2% - 6%/số tiền góp vốn mỗi tháng.

Khi hết hạn hợp đồng, các nhà đầu tư được cam kết sẽ được hoàn trả tiền vốn đã góp. Để tạo niềm tin, ông Nam còn hứa hẹn ngay sau khi nhà đầu tư nộp 100 triệu đồng, công ty sẽ trả tiền thưởng tương đương 0,5 chỉ vàng.

Đối tượng Hoàng Nam bị khởi tố vì lừa đảo chiếm đoạt 270 tỷ đồng của nhà đầu tư

Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, ông Nam dùng tiền của nhà đầu tư sau để trả lợi nhuận cho nhà đầu tư trước, trả tiền lương cho nhân viên, trả tiền thuê văn phòng. Ngoài ra, ông Nam còn sử dụng tiền của các nhà đầu tư để trả nợ và chi tiêu cá nhân nên sau đó không còn khả năng chi trả.

Trước đó, Công ty cổ phần thương mại bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam), do đối tượng Vũ Thị Thúy cầm đầu, cho đến khi bị bắt, Thúy đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 8,9 nghìn tỷ, của hơn 20 nghìn nạn nhân trên phạm vi cả nước.

Thủ đoạn của Vũ Thị Thúy là tung ra các thông tin về các dự án phát triển bất động sản sai sự thật để thu hút lòng tin của các nhà đầu tư, từ đó huy động số tiền lớn, với các chiêu thức trả lãi từ 68% đến 84%/năm.

Vẫn lao như thiêu thân bất chấp cảnh báo

Gần đây, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) đã khuyến cáo người dân không tham gia đầu tư vào Tập đoàn Skyway đến từ Belarus. Công ty này được các đối tượng "lùa gà" giới thiệu là "tập đoàn thực hiện các dự án công nghệ vận tải trên không".

Tuy nhiên, thực chất Công ty này đang hoạt động theo hình thức huy động vốn từ nhà đầu tư qua hình thức mua gói cổ phần. Theo đó, mọi người có thể mua cổ phiếu của Skyway để trở thành nhà đầu tư, gói đầu tư cao nhất là 150.000 USD. Tuy nhiên, Công an cho rằng, đây là hành vi huy động vốn trái phép.

Tại Việt Nam, Skyway được cho là có hoạt động ở một số địa phương như TP Hà Nội, Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bắc Giang. Công ty Skyway chưa được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động kinh doanh đa cấp, có dấu hiệu vi phạm pháp luật thông qua việc giới thiệu thêm thành viên vào hệ thống, giới thiệu được nhiều thành viên thì nhận được nhiều "hoa hồng".

Đây là dấu hiệu của hành vi kinh doanh đa cấp trái phép thông qua hình thức đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền điện tử...

Cũng theo Bộ Công an, một số quốc gia như Estonia, Bỉ... đã có cảnh báo về hoạt động huy động vốn của Skyway là trái pháp luật, có đặc điểm lừa đảo giống mô hình kim tự tháp. Ngoài ra, còn có các công ty như Magic, Qnet đều đến từ nước ngoài và đang hoạt động huy động vốn có dấu hiệu trái pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam.

Trước những thông tin cảnh báo của các cơ quan chức năng liên tục được phát đi, hiện nay, một bộ phận người dân vẫn lao như thiêu thân theo những lời mời gọi đầu tư đa cấp. Vậy căn nguyên nào đã khiến họ tự biến mình thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo tinh vi này? Câu trả lời sẽ được phần nào giải đáp ở bài sau.

Bài sau: Lợi nhuận lớn - Sức hút khó cưỡng từ bẫy đa cấp

Hoàng Sa