Về Yên Phụ xem nghệ nhân nuôi cá cảnh

Gian nan đeo đuổi nghề

Đi dọc theo con phố Yên Phụ, du khách có thể nhìn thấy cổng làng Yên Phụ cổ kính xen giữa những ngôi nhà cao tầng hiện đại. Khác hẳn với không khí ồn ào, tấp nập của phố phường à Nội, làng Yên Phụ vẫn giữ được những nét đẹp rất bình dị, dân dã của làng quê Việt Nam.

Ông Lại Văn Hồng bên "trang trại" cá cảnh của gia đình.

Trước đây, Yên Phụ còn có tên gọi là phường Yên Hoa, một trong những cửa ngõ phía Bắc của kinh thành Thăng Long. Với vị trí địa lý tiếp giáp với Hồ Tây và sông Hồng nên từ xa xưa, người dân làng Yên Phụ đã sống bằng nghề đánh cá và buôn bán cá cảnh.

Nói về nguồn gốc nghề nuôi cá cảnh nơi đây, kể cả những bậc cao niên trong làng cũng không thể biết chính xác nghề có từ bao giờ. Chỉ biết rằng trong quá khứ, làng còn có thêm một số nghề khác như nghề trồng hoa, làm hương... Nhưng sau cùng chỉ còn nghề nuôi cá cảnh là tồn tại và được các hộ gia đình gìn giữ cho tới bây giờ.

Về đến Yên Phụ, khi nhắc đến những “nghệ nhân” của nghề nuôi cá cảnh, chúng tôi được giới thiệu đến gia đình ông Lại Văn Hồng. Nhiều người bảo rằng, đến nay gia đình ông đã gắn bó với nghề nuôi cá cảnh theo phương pháp truyền thống đã hơn một thế kỷ.

Chia sẻ về nuôi cá theo phương pháp truyền thống, ông Lại Văn Hồng nói: "Mỗi buổi sáng gia đình chú phải dậy thật sớm để ra các ao tù lấy mối thủy trần về làm thức ăn cho cá. Để lọc nước sạch cho bể, người nuôi cá cảnh nơi đây sử dụng những tấm bông lớn… thay vì sử dụng máy bơm, hóa chất".

Đến nay, nghề nuôi cá cảnh tại phường Yên Phụ đã trải qua hơn một thế kỷ.

Anh Đặng Trường Giang (47 tuổi, số 4 Vũ Miên) chia sẻ thêm, để theo nghề được lâu thì người kinh doanh trước hết phải yêu cá, học cách kiểm soát nguồn thức ăn, áp dụng phương pháp hiện đại và phải thích ứng với cơ chế thị trường bằng cách đầu tư những loại cá hợp với nhu cầu của người chơi…

“Hằng ngày, người nuôi cá phải dậy từ sớm, kiểm tra từng bể, vớt cá con, thăm bệnh và cho cá ăn. Riêng cá con chưa ăn được giun thì chúng tôi phải ra ao hồ để vớt hồng trần (tên dân gian của một loại sinh vật nhỏ như hạt bụi, nổi trên mặt nước vào sáng sớm - PV), lọc lấy những con thật nhỏ thì cá con mới ăn được” – anh Đặng Trường Giang nói.

Bảo tồn, phát triển

Vào những thập niên trước, làng Yên Phụ chủ yếu nuôi một số loại cá truyền thống, như: cá vàng, cá chọi, cá kiếm, cá vạn long… Đây đều là những giống cá bình dân, dân gian vẫn hay gọi là cá “cỏ”. Khi mức sống của người dân cao hơn, thú chơi cá cảnh dần thay đổi theo.

Nghề nuôi cá cảnh theo phương pháp truyền thống vẫn tạo ra nét đặc trưng.

Để đáp ứng thú chơi ngày càng cao của người dân, cùng với việc bảo tồn, nâng cao chất lượng các loài cá truyền thống, những hộ nuôi cá cảnh tại phường Yên Phụ đã mạnh dạn nhập khẩu thêm nhiều loại cá có giá trị lớn như: cá rồng, cá la hán hay cá chép koi của Nhật Bản...

Việc nhập ngoại cá vừa khẳng định danh tiếng của làng nghề, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh kinh tế thị trường. Điều đó cho thấy, người Yên Phụ không đánh mất bản sắc riêng của làng nghề mà chỉ thay đổi để thích nghi tốt hơn với thời cuộc.

Yên Phụ là một trong những địa điểm chuyên cung cấp những loại cá "độc".

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND phường Yên Phụ chia sẻ, ngày nay, Yên Phụ chỉ còn hơn 20 hộ còn đeo đuổi nghề, nhưng chủ yếu buôn cá cảnh với nhiều giống cá nhập ngoại độc đáo, đắt tiền. Cá cảnh được đưa về cả bằng máy bay, trong những thùng, hộp bơm đầy ô xy. Chúng được nuôi bằng nước máy, bể kính trong suốt, sủi tăm liên tục ngày đêm, ăn thức ăn “fast-food”... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều giống cá thuần chủng của làng Yên Phụ như: cá vàng, cá kiếm, cá chọi... được những người yêu nghề truyền thống của ông cha gìn giữ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết thêm, trong thời gian tới, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề trên địa bàn nói chung và nghề nuôi cá cảnh nói riêng, UBND phường Yên Phụ, quận Tây Hồ sẽ tạo mọi điều kiện để quảng bá hình ảnh làng nghề, thu hút người dân, khách du lịch đến với phường Yên Phụ. Đồng thời, “truyền lửa” cho thế hệ trẻ ngày càng yêu động vật và thú chơi lành mạnh. Từ đó, tạo điều kiện xây dựng và phát triển quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Thủ đô.

Vân Nhi