Về quê lập nghiệp

Tuấn Trần, tên thật là Trần Tuấn Anh (SN1983), quê phường Phổ Thạnh, TX. Đức Phổ, từng “Về quê lập nghiệp” theo nghĩa đen. Quê đây là Quảng Ngãi. Anh về làm lại từ đầu khi con đường sự nghiệp của anh ở Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang phát triển, cơ hội để anh thăng tiến đang hanh thông, chứ không phải bế tắc.

Thiết kế bìa của cuốn sách "Về quê khởi nghiệp". Ảnh: T.A

Mỗi người đều có những hoàn cảnh khởi nghiệp khác nhau, và đừng ai hỏi ai vì sao khởi nghiệp. Nhưng ai đã khởi nghiệp cũng muốn biết, người khác đã khởi nghiệp như thế nào, có gì giống và khác với trường hợp khởi nghiệp của mình?

Tuấn Trần đã kể về trường hợp khởi nghiệp của anh, nhưng không đi quá sâu vào những chi tiết. Anh muốn kể với chúng ta, anh đã suy nghĩ thế nào, đã trải nghiệm ra sao, và đã rút ra được những bài học thành bại thế nào khi khởi nghiệp. Câu chuyện của anh rất hấp dẫn, không phải vì anh đã lập tức thành một tỉ phú, mà anh đã trả qua rất nhiều thời gian và bao nhiêu được mất, để trở thành một con người trưởng thành, với nhân cách, đạo đức, suy nghĩ, hy vọng và thất vọng cụ thể của một con người trong môi trường khởi nghiệp.

Trần Anh Tuấn. Ảnh: T.A

Làm tỉ phú chỉ là chuyện thành công trong thương trường, làm người mới là câu chuyện thành nhân. Còn làm việc như một người làm thuê, dù ở một doanh nghiệp rất lớn, vẫn khác với làm việc như một người làm chủ, dù ở một doanh nghiệp rất nhỏ.

Không phải ai cũng có thể thành ông chủ, dù nhỏ. Như tôi chẳng hạn. Sau khi đã làm việc hơn 50 năm, đã trải qua bao nhiêu hoàn cảnh, bao nhiêu được mất, tôi vẫn chỉ là một người “làm thuê”. Hay nói đúng hơn, tôi chỉ là người khởi nghiệp với chính mình, là “ông chủ” của những trang viết của mình, dù viết trên máy chữ hay máy tính. Đơn giản, vì tôi là một nhà thơ, một nhà báo. Tôi không bao giờ nghĩ mình có thể trở thành một “sếp” trong lĩnh vực thơ ca. Trong báo chí, nơi hoàn toàn có thể làm sếp, tôi cũng không bao giờ có ước mong mình sẽ làm tổng biên tập hay chủ báo.

Tôi “làm thuê” tự nguyện, chủ yếu ở lĩnh vực báo chí. Còn tôi làm chủ hoàn toàn, trong lĩnh vực thơ ca. Vậy là tôi vừa làm thuê vừa làm chủ, và tôi cảm nhận được những bài học của Tuấn Trần muốn chia sẻ với những người đang từ làm thuê tiến lên làm chủ.

Con đường khởi nghiệp là như vậy. Nhưng làm thuê ở đây, như tác giả “Về quê khởi nghiệp” đã nhấn mạnh, là “làm thuê chuyên nghiệp”. Tôi rất tán đồng quan điểm này. Những ai đã đạt trình độ “làm thuê chuyên nghiệp” đều hiểu giá trị của hai chữ “chuyên nghiệp”. Một khi mình đã chuyên nghiệp trong làm thuê, thì không chỉ ông chủ vừa ý, mà mình cũng rất vui, hài lòng với mình, vì đã làm tốt công việc.

Tuấn Trần cũng không quên chia sẻ với các bạn có ý tưởng tương đồng với mình, là hãy làm thuê trước khi làm chủ thì sẽ có điều kiện tích lũy, có điều kiện thực hành, học hỏi nhiều hơn. Tất cả những bài học khi làm thuê, sẽ giúp mình rất nhiều khi làm chủ. Và nếu làm thuê đã chuyên nghiệp, thì làm chủ càng phải chuyên nghiệp hơn.

Bởi từ xuất phát điểm, một người làm thuê giỏi chưa chắc đã thành công khi làm chủ, nhưng người ấy chắc chắn hơn hẳn những người làm thuê dở. Làm thuê hay làm chủ chỉ là vị trí của công việc, còn giỏi hay dở mới đánh giá năng lực thực sự của một con người. Nhưng làm sếp ở công ty hay doanh nghiệp nhà nước vẫn rất khác với làm sếp ở công ty hay doanh nghiệp tư nhân khởi nghiệp.

Trong rất nhiều bài học mà Tuấn Trần đã đúc kết được, đã viết ra, có một bài học không chiếm nhiều giấy, nhưng theo tôi, lại cực kỳ quan trọng: Đó là bài học về văn hóa. Ở đây là văn hóa nói chung, văn hóa tầm phố quát, chứ không chỉ văn hóa doanh nghiệp hay văn hóa doanh nhân, dù hai “thể loại” văn hóa này rất cần thiết cho người lập nghiệp. Với người lập nghiệp, văn hóa như là nước cho cá vẫy vùng. Nước ấy càng trong, càng sâu thì cá càng cảm thấy “mình làm chủ được mình” như câu thơ của nhà thơ Yến Lan, và môi trường văn hóa nhỏ do chính mình tạo ra ấy, trước hết, sẽ giúp ích cho mình, rồi sau đó giúp ích cho nhiều người cộng tác hay đối tác của mình.

Từ những câu chuyện nhỏ trong cuốn sách không dày, Tuấn Trần đã nêu được nhiều bài học lớn cho người mới khởi nghiệp, cho cả những người đã khởi nghiệp thành công. Vì con đường khởi nghiệp là rất dài, kể cả khi anh đã thành tỉ phú.

Cảm ơn Tuấn Trần rất nhiều vì quyển sách này. Tôi tuy không làm kinh doanh, nhưng học được từ đây nhiều bài học quý cho mình. Vì kinh doanh cũng là một cách sống. Tôi quen biết với Tuấn Trần cũng khá lâu rồi, vẫn rất ngạc nhiên khi đọc quyển sách này của Tuấn.

Cái tôi ngạc nhiên là Tuấn viết rất có văn, rất hấp dẫn, dù anh không phải nhà văn. Cách viết đối với một quyển sách là rất quan trọng, nó góp phần không nhỏ cho quyển sách được đón nhận bởi nhiều người đọc nhất.

Và tôi nghĩ: Con người này không đơn độc, dù không theo bất cứ “phong trào” nào. Không đơn độc, là khả năng gắn kết sẽ cao. Không đơn độc, nhưng luôn tự mình làm chủ mình, đó là cá tính sáng tạo. Và thành công cũng sẽ có cơ hội để gõ cửa chàng trai này.

Box: Trần Anh Tuấn là người sáng lập của TuanMinh Sport; Phó Chủ tịch HĐQT Vu Phong Energy Group; Giám đốc Công ty Vu Phong Tech; Chuyên gia cố vấn Hệ thống HSEQ tại Công ty CP Xây dựng 47;

Thanh Thảo