Vấn đề con người trong xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045 (kỳ 1)

Trong Hội nghị cấp cao lần thứ 43 (từ ngày 5-7/9/2023), ASEAN đã công bố văn kiện quan trọng đó là Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV. Đây là sáng kiến của Chủ tịch ASEAN Indonesia năm 2023, đóng vai trò là nền tảng cho Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2045, giúp củng cố ASEAN để giải quyết các thách thức khác nhau trong tương lai. Đây là lần đầu tiên ASEAN có một tầm nhìn mang tính chiến lược dài hạn. Cho dù tương lai phải đối diện với những thách thức to lớn nhưng ASEAN vẫn cần bám sát tinh thần cốt lõi “lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu, động lực” của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đến năm 2045.

Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV được xem là thành tựu chính của Hội nghị cấp cao ASEAN 43 tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: Anh Sơn)

Nỗ lực hoạch định tương lai

Từ khi ASEAN được thành lập, Tuyên bố Bangkok đã khẳng định các mục tiêu chính của khối là “thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực thông qua việc tôn trọng công lý và pháp quyền” và “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực thông qua nỗ lực chung”. Liệu ASEAN có hoàn thành được những mục tiêu này hay không còn tùy thuộc vào nhận thức và năng lực hành động của khối. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các siêu cường hiện nay, việc chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những hậu quả bất ngờ và không lường trước sẽ là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo ASEAN. ASEAN vẫn là một chiếc cốc đã “nửa đầy” chứ không phải một chiếc cốc “nửa vơi”, đó là ý tưởng đầu tiên mà Lực lượng đặc nhiệm cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, đang cố gắng thực hiện.

Nhìn lại, ASEAN đã đi được một chặng đường dài trong việc hoạch định cho tương lai. Trước khi các nhà lãnh đạo ASEAN thống nhất thành lập nhóm đặc nhiệm chuẩn bị cho tầm nhìn xa hơn 2025, khối đã có Tầm nhìn ASEAN 2020, được thống nhất từ năm 1997 với mục tiêu “ASEAN là một khối hòa hợp của các quốc gia Đông Nam Á, hướng ngoại, sống trong hòa bình, ổn định và thịnh vượng, gắn kết với nhau trong quan hệ đối tác phát triển năng động và một cộng đồng xã hội quan tâm”.

Trong 23 năm qua, ba cột mốc quan trọng đã được hoàn thành. Năm 2003, tại Hội nghị cấp cao , Thỏa thuận Bali II quy định, Cộng đồng ASEAN được thành lập bao gồm ba lĩnh vực hợp tác - chính trị và an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội. Để tiến xa hơn, ASEAN đã nhất trí vào năm 2007 về việc thiết lập khuôn khổ pháp lý và thể chế cho ASEAN. Kết quả là Hiến chương ASEAN được thi hành từ tháng 12/2008. Năm 2015, các nhà lãnh đạo ASEAN nhận thấy Cộng đồng ASEAN là “gắn kết về chính trị, hội nhập kinh tế và có trách nhiệm xã hội” để đối mặt với những thách thức và cơ hội trong tương lai. Với vị thế và ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng của nhóm, tầm nhìn của ASEAN vào năm 2025 là phát huy vai trò trung tâm của ASEAN để bảo đảm cộng đồng sẽ duy trì hòa bình, ổn định, sôi động, kiên cường và bền vững.

Quan trọng và kiên cường hơn

Vấn đề đặt ra là ASEAN sẽ định hình như thế nào vào năm 2045. Nhóm đặc nhiệm cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 (HLTF-ACV) được thành lập vào năm 2022, có thời gian đến tháng 12/2025 để đưa ra tầm nhìn. HLTF-ACV gồm 20 thành viên (mỗi quốc gia có hai thành viên) được giao trách nhiệm cụ thể để xây dựng tầm nhìn sau năm 2025 cho Cộng đồng ASEAN.

Liên quan đến nội dung tương lai của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2045, kỳ họp lần thứ 7 cũng thảo luận những xu hướng quan trọng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của Cộng đồng ASEAN trong 20 năm tới. Những xu hướng này bao gồm địa chính trị, an ninh lương thực, khủng hoảng năng lượng, chuyển đổi kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và đại dịch, cùng nhiều xu hướng khác. Theo đó, Tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 sẽ được kéo dài thêm 10 năm từ 2035 đến 2045. Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn công bố tầm nhìn 20 năm (với đánh giá giữa kỳ vào năm 2035) tại Bangkok vào tháng 3/2023. HLTF-ACV đã đưa ra quyết định trên tại cuộc họp lần thứ 7 tổ chức tại Belitung, , từ ngày 19-20/3/2023.

Điều này đánh dấu lần đầu tiên tổ chức 56 tuổi này đưa ra một tầm nhìn dài hạn khác thường vào thời điểm quan trọng của tình trạng hỗn loạn địa chính trị và địa kinh tế toàn cầu. Các nước ASEAN đã nhấn mạnh rằng năm 2045 sẽ là thời điểm mới để tìm ra cách làm cho ASEAN trở nên quan trọng và kiên cường hơn. Từ nay đến năm 2025, lực lượng đặc nhiệm sẽ phải tìm câu trả lời làm thế nào để phát triển Tầm nhìn không chỉ bảo đảm vai trò của ASEAN trong bối cảnh địa chính trị trong 20 năm tới mà còn bảo đảm khả năng phục hồi trong nước và quốc tế của ASEAN vào thời điểm khối này sẵn sàng trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ tư thế giới sau Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản hay Ấn Độ hay không?

Tầm nhìn ASEAN năm 2045 có thể bao gồm những thách thức liên thế hệ mới mà các thế hệ khác nhau sẽ phải liên tục giải quyết trong cộng đồng ASEAN. (Nguồn: ERIA)

Nhiều việc cần phải làm

Tuy nhiên, còn rất nhiều việc cần phải làm để bảo đảm rằng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 mới, hiện có hiệu lực đến năm 2045, phù hợp với nguyện vọng chung của khoảng 672 công dân ASEAN. Sẽ có đánh giá giữa kỳ về tầm nhìn của 10 năm đầu tiên vào năm 2035. Lực lượng đặc nhiệm đã đệ trình danh sách các yếu tố cốt lõi của Tầm nhìn sau năm 2025 của Cộng đồng ASEAN lên các nhà lãnh đạo ASEAN. Trong ba năm tới, Tầm nhìn ASEAN vào năm 2045 sẽ được xây dựng và hoàn thiện. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng khuyến nghị các nhà soạn thảo cần cân bằng giữa chủ nghĩa thực dụng và tham vọng để ASEAN ổn định, tiến bộ và giữ đúng bản sắc của mình.

Những xu hướng lớn được Nhóm đặc trách cấp cao đề cập bao gồm: hiệu ứng dây chuyền từ những thay đổi địa chính trị, khủng hoảng năng lượng và an ninh lương thực; trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và an ninh mạng. Ngoài ra, thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức do đại dịch và thiên tai gây ra. Tầm nhìn ASEAN năm 2045 có thể bao gồm những thách thức liên thế hệ mới mà các thế hệ khác nhau sẽ phải liên tục giải quyết trong cộng đồng ASEAN.

Để phù hợp trong thế giới tương lai phân cực hơn, ASEAN phải cùng nhau hành động và củng cố vai trò trung tâm của khối để duy trì vai trò chủ chốt toàn cầu. Cho đến nay, một số từ khóa đã xuất hiện trong dự thảo Tầm nhìn ASEAN, trong đó sẽ bao gồm các ưu tiên của ASEAN - Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sự cạnh tranh lớn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, gián đoạn kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo...

(còn tiếp)

* Viện Nghiên cứu Đông Nam Á

** Học viện An ninh nhân dân

PGS.TS. DƯƠNG VĂN HUY* - ThS. VŨ MẠNH HÙNG**