Vài dòng giữa sóng dịch

Những ngày qua, cơn sóng dịch Covid lần thứ tư đã phủ lên đời sống người lao động một gam màu tối sẫm. Nhất là những người ngoại tỉnh, người lao động nhập cư.

Đây là nguồn lao động rất lớn, là "động lực" cho bộ máy sản xuất công nghiệp được vận hành hiệu quả và mạnh mẽ, góp phần tạo ra chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa phục vụ đời sống tiêu dùng đến các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và cả lĩnh vực gia công, xuất khẩu.

Người lao động nhập cư cũng góp phần tiêu thụ rất lớn lượng hàng hóa sản xuất trong nước, đóng góp không hề nhỏ vào sự phát triển của những vùng kinh tế công nghiệp. Và khi làn sóng dịch Covid tràn qua, họ phải chống đỡ với đủ thứ khó khăn đang bủa vây lấy mình.

Trong các chi phí dành cho người lao động nhập cư thì việc trả tiền thuê trọ, tiền thuê mặt bằng chiếm một tỷ lệ không hề nhỏ, khoảng trên dưới 30% thu nhập của mỗi người. Khó khăn nhất trong những nhóm ngành nghề của người lao động nhập cư hiện nay gồm có ba nhóm chính; nhóm thứ nhất là những người bán vé số, phụ hồ, bốc vác, công nhân thời vụ, tài xế taxi, người bán hàng rong. Nhóm thứ hai là những gia đình công nhân đang sống ở các khu nhà trọ. Nhóm thứ ba là những người thuê mặt bằng để kinh doanh, như spa, chăm sóc sắc đẹp, các dịch vụ ăn uống và giải trí.

Làn sóng dịch tràn qua tạo nên sự ngưng trệ trong sản xuất, khiến cho nhiều người mất việc và trở nên thất nghiệp. Dù bị thất nghiệp, mất đi nguồn thu nhập nhưng các khoản chi phí bắt buộc nh tiền thuê nhà, phòng trọ... vẫn phải trả. Tiền điện nước và nhu cầu sinh hoạt hằng ngày như mua lương thực, thực phẩn vẫn phải chi, khiến cho họ trở nên túng quẫn.

Việc sinh sống ở các khu nhà trọ thiếu điều kiện đảm bảo vệ sinh, cũng làm phát sinh ra nhiều lo ngại trong việc kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Khó khăn về kinh tế, chật vật để xoay sở giữa vòng xoáy của bão giá về lương thực, thực phẩm do dịch bệnh gây ra khiến nhiều người lao động nhập cư khao khát được trở về quê nhà hơn bao giờ hết. Và đã có câu chuyện đón người lao động trở về từ vùng dịch, một câu chuyện về cách hành xử đúng đắn của một số người.

Khởi đầu từ việc Hội đồng hương Quảng Nam tại TP HCM, làm cấu nối với sự cho phép của Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trong việc tổ chức cho những người lao động là con, em của Quảng Nam đang gặp khó khăn do dịch bệnh tại Tp HCM về quê. Việc làm này được sự ủng hộ và đón nhận trong niềm vui sướng của hàng ngàn người là dân Quảng Nam đang làm việc, học tập tại Tp. Không chỉ với riêng người lao động là con em đất Quảng vui sướng, mà cả người dân ở quê và lãnh đạo các địa phương của tỉnh đều hân hoan chào đón, dù biết rằng việc đón người lao động từ vùng dịch trở về và đảm bảo không để cho dịch bệnh lây lan là hết sức khó khăn. Đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo từ việc xét nghiệm ban đầu, phương tiện vận chuyển phải đảm bảo được cách ly tuyệt đối trên suốt hành trình. Địa phương phải chuẩn bị đủ cơ sở vật chất để tiếp nhận, cách ly tập trung đúng thời hạn và thực hiện nghiêm các qui định chống dịch của Chính phủ, Bộ y tế và của địa phương ban hành. Ngoài ra còn tổ chức lực lượng cán bộ, nhân viên y tế để làm các xét nghiệm tầm soát, theo dõi và sẵn sàng xử lý nếu chẳng may có ca nhiễm về từ người lao động trên.

Quyết định của Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam với sự phối hợp của Hội đồng hương tại TP HCM như một hiệu ứng làm lan tỏa đi một thông điệp “không ai bị bỏ lại phía sau trong dịch bệnh”. Rồi tiếp đến là Tp Đà nẵng, Qủang Ngãi và một số địa phương khác cũng có kế hoạch đón người lao động nhập cư là con em của mình trở về.

Dù bắt buộc phải cách ly 21 ngày khi trở về, chấp nhận bỏ lại nhiều thứ nhưng với người lao động nhập cư, được trở về quê từ vùng dịch ở thời điểm này cũng là một giấc mơ giữa ban ngày!Thường mỗi năm có hai đợt sóng người lao động dịch chuyển là trước và sau Tết Nguyên Đán. Nhưng năm nay mọi thứ đã khác.

Có một điều chắc chắn sẽ xảy ra, đó là sau đợt dịch này nhiều người sẽ chọn cách ở lại để bám quê, bám làng mà sống.

Họ sẽ cân nhắc những yếu tố rủi ro để định hình lại công việc. Cân đối lại khả năng tích lũy giữa số dư với quãng thời gian, công sức lao động mà mình bỏ ra cho phù hợp. Vì qua làn sóng dịch này, có quá nhiều người khi ngừng việc họ chỉ còn hai bàn tay trắng.

Nhưng cũng từ trong cơn bão của dịch bệnh, chúng ta lại được nhận ra tình yêu thương của đồng bào từ các vùng miền trên cả nước. Từ những chuyến xe viện trợ hàng hóa đầy ắp nghĩa tình hướng về người dân đang gồng mình giữa tâm dịch. Là các đoàn Y, Bác sĩ tình nguyện sẵn sàng lên đường làm nghĩa vụ cứu chữa người bệnh, dù phải đối mặt với nguy cơ chính bản thân mình cũng có thể trở thành bệnh nhân.

Và biết bao những phiên chợ 0 đồng giữa lòng thành phố, hay những chuyến hàng trao tay của nhóm thiện nguyện Vòng Tay Việt. Những nhóm Bác sĩ tình nguyện thăm khám cho bệnh nhân tại nhà miễn phí và biết bao điều khác nữa. Hình ảnh những người dân quê gom từng bó rau, kí thịt để chia sẻ với đồng bào của mình giữa những ngày này giống như một dòng sông cuộn trào lên những giá trị tinh hoa về tinh thần yêu thương, đùm bọc, sẻ chia của Người Việt.

Dịch bệnh rồi sẽ qua. Thiệt hại về kinh tế, tổn thất nhiều thứ rồi sẽ được bù đắp. Mất mát ở những gia đình có người thân không qua khỏi vì Covid rồi cũng sẽ nguôi dần theo thời gian. Nhưng có một thứ vẫn luôn ở lại trong tâm hồn, trong kí ức, trong những câu chuyện, đó chính là tình yêu dành cho đồng bào mình, hy sinh vì dân tộc mình và sẻ chia từng chén cơm, manh áo sẽ là một câu chuyện dài và nối tiếp đi cùng năm tháng. Đi cùng với dòng chảy ngàn đời của dân tộc Việt Nam!

NDHA - T7/2021

Ghi chép của Nguyễn Đặng Hà Anh từ giữa vùng dịch