Trải nghiệm sắc thái Trung thu xưa ở Phố cổ Hà Nội

Màn biểu diễn đấu vật đem lại cho các em nụ cười vui vẻ, sảng khoái.

Sáng 22/9, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ Hà Nội (số 50, phố Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức khai mạc chuỗi hoạt động văn hóa nhân dịp Tết Trung thu.

Tại đây, Ban tổ chức tái hiện mâm cỗ Trung thu truyền thống, trưng bày nhiều loại đồ chơi dân gian: Đèn ông sao, đèn lồng các loại, đèn kéo quân, con giống bột, con phỗng đất hay ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy… Trong đó, các loại đèn Trung thu được sắp đặt tạo nên một không gian rực rỡ và đậm chất truyền thống.

Tại đây, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước giới thiệu bộ ảnh và tư liệu chủ đề “Trở về Trung thu xưa”.

Chuyên đề này giới thiệu gần 80 tài liệu, tư liệu hình ảnh giúp công chúng quay ngược thời gian để tìm hiểu những nghi lễ Tết Trung thu chốn Hoàng cung, không khí rộn ràng tiếng trống, rực rỡ đèn lồng, đèn ông sao, đèn con thỏ… của tết Trung thu trên phố phường Hà Nội xưa.

Các em học sinh tìm hiểu tư liệu về Trung thu xưa.

Ngôi nhà Di sản (số 87 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm) là nơi giới thiệu không gian gia đình Hà Nội đón Tết Trung thu.

Đối với người Việt Nam, Tết Trung thu là một dịp quan trọng đối với mỗi gia đình. Hình ảnh các gia đình quây quần gắn bó bên nhau bên mâm cỗ “trông trăng” là hình ảnh đẹp có từ ngàn năm nay.

Với nhiều người, đây còn là Tết đoàn viên với gia đình. Những hình ảnh, hiện vật tại đây giới thiệu phong tục này của các gia đình người Việt.

Trong đó, mâm cỗ đêm rằm Trung thu không chỉ để ăn, mâm cỗ này cho mắt ngắm, tai nghe, mũi ngửi, đồng thời, cũng là dịp để giáo dục lớp trẻ thông qua một số loại đồ chơi.

Một điểm di tích khác cũng trở thành nơi có các hoạt động đón Trung thu là Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật - 22 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm.

Tại đây, các nghệ nhân rối cạn Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức) sẽ liên tục trình diễn những màn biểu diễn rối cạn.

Trong dịp này, không gian bích họa phố Phùng Hưng cũng trở thành một không gian sôi động với nhiều hoạt động phong phú.

Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp các nghệ nhân, thợ thủ công của các làng nghề lân cận Hà Nội trưng bày, trình diễn giới thiệu các sản phẩm đồ chơi truyền thống như: Đèn ông sao, ông tiến sĩ, ông đánh gậy, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, chuồn chuồn tre…

Tại đây còn có nhiều trò chơi dân gian ngoài trời khác như: Ô ăn quan, cướp cờ, đánh chuyền, kéo co, bịt mắt bắt dê, cà kheo, múa sạp, nhảy bao bố, nhảy lò cò...

Với nhiều hoạt động trải nghiệm đa dạng, Ban Tổ chức mong muốn góp phần đẩy mạnh hoạt động giáo dục di sản của Thủ đô, nâng cao ý thức bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng cho giới trẻ.