TP.HCM xây dựng các thế hệ đọc sách

Xây dựng các thế hệ đọc sách

Nhằm góp phần quảng bá, đưa văn hóa đọc đến từng đối tượng cụ thể, đưa việc đọc sách gần gũi với người dân, .HCM luôn tìm những đại sứ văn hóa đọc hằng năm là những đại diện trên nhiều lĩnh vực như: xuất bản, báo chí, kinh tế, văn hóa - nghệ thuật, học sinh. Họ là những người đều có chung một tình yêu đối với sách và mong muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, hiếu đọc, quảng bá giá trị của sách, từ đó góp phần phát triển văn hóa đọc sâu rộng đến người dân, nhất là trong lĩnh vực của họ.

Người dân Thành phố và du khách tham quan và mua sách tại hội sách diễn ra tại trung tâm thành phố

Là một người yêu thích đọc sách, Nhật Vy, học sinh lớp 9 trường THCS Hoa Lư (TP.Thủ Đức) cho biết, qua thời gian đọc sách giấy và giờ là sách điện tử, mỗi loại hình sách lại cho em những trải nghiệm khác nhau.

Theo em, việc đọc sách thay đổi theo thời gian, chính vì thế để khuyến khích bạn đọc, nhất là những bạn ở độ tuổi như Vy cần cách tiếp cận mới. Và cô bé này đã cho ra đời dự án review sách hay nên đọc để truyền cảm hứng, sự tò mò với những trang sách cho các bạn đồng trang lứa. Đây là dự án được Vy thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau từ trang trí tập san giới thiệu về sách đến sử dụng các trang mạng xã hội mà mình có từ Youtube, Facebook. Nhờ dự án này Vy còn nhận được sự giúp sức từ những người bạn của mình.

Nhật Vy chia sẻ: “Ở trường em được hỗ trợ cô cũng như các bạn thực hiện phần tập san, các bạn cũng gợi ý em về việc trang trí, đóng góp những cuốn sách hay. Em cũng nhận được rất nhiều cuốn sách hay, trong thời gian sắp tới được nghỉ hè em sẽ đọc những cuốn sách đó. Ngoài ra em cũng làm nhiều chủ đề khác nhau để bất kỳ ai tới cũng có thể tìm các chủ đề mà mình yêu thích”.

Đường sách TP.HCM thường xuyên tổ chức các chương trình, hoạt động về sách cho đông đảo người dân có thể đến tham gia

Có thói quen đọc sách từ bé, đến khi đi làm và trở thành doanh nhân, ông Lê Trí Thông, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM cho biết, mỗi tuần ông sẽ dành thời gian đọc ít nhất 2 cuốn sách. Những kiến thức tuy rải rác đến từ nhiều ngành khác nhau, nhưng tựu chung lại giúp ích rất nhiều trong việc kinh doanh của ông.

Theo ông Lê Trí Thông, việc đọc sách hiện nay rất khác so với trước đây, nếu như trước đây chỉ đọc qua sách, thì hôm nay có thể đọc qua sách nói, website, thông qua công cụ chat GPT tổng hợp lại sau đó mới đọc chi tiết.

Với vai trò là đại sứ văn hóa đọc nhiệm kỳ 2024-2025, ông Lê Trí Thông cho biết thêm: “Với cộng đồng doanh nhân, chúng tôi nghĩ giá trị câu chuyện liên tục học, liên tục cập nhật kiến thức trong thời đại ngày này rất quan trọng. Với hoạt động ở hội doanh nhân trẻ TP.HCM, chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi cùng với nhau, chia sẻ về sách, kiến thức cũng như công nghệ đọc ngày nay”.

Định hướng phát triển lâu dài

TP.HCM đã có rất nhiều hoạt động liên quan đến sách xuyên suốt hàng tháng, hằng quý, có thể kể đến Lễ hội Sách Tết, ngày Sách và văn hóa đọc, hoạt động sôi nổi tại các Đường sách,…

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, để phát triển văn hóa đọc, Thành phố không chỉ có những sự kiện tạo điểm nhấn mà còn cần sự đầu tư bài bản, khoa học.

Sắp tới đây, TP.HCM cũng sẽ thực hiện cuộc khảo sát về tỷ lệ đọc sách của người dân thành phố, đặc biệt trong học sinh, thanh thiếu nhi để có định hướng lâu dài.

Học sinh trao đổi tại một sự kiện diễn ra tại Đường sách TP.HCM

TP.HCM hướng đến việc đọc sách được lan tỏa ở nhiều độ tuổi, nhiều ngành nghề khác nhau

Ông Thắng nói:"Từ khảo sát, Thành phố sẽ xây dựng những chính sách mang tính dài hạn bài bản để văn hóa đọc của Thành phố thực sự phát triển. Không phải bằng những sự kiện điểm nhấn của Thành phố mà bằng những hoạt động thường xuyên, hằng ngày trong từng lớp học, từng gia đình”.

Ngoài tổ chức ngày hội liên quan đến sách thu hút hàng triệu người, Thành phố còn có các hoạt động hưởng ứng những ngày lễ lớn, ngày kỉ niệm thông qua sách.

TP.HCM còn luôn khuyến đọc trong trẻ em bằng nhiều hình thức, như tặng các tủ sách, các cuộc thi lớn lên cùng sách, đại sứ văn hóa đọc, tổ chức dạy học trải nghiệm ngoài nhà trường. Và Đường sách trở thành không gian để không chỉ học sinh mà còn cả người dân có thể tham gia nhiều hoạt động, từng bước đưa hình ảnh sách và thói quen đọc sách gần gũi hơn.

Theo ông ê Hoàng, Giám đốc Đường sách TP.HCM, việc khảo sát được tỷ lệ đọc sách của người dân Thành phố tới đây thực sự quan trọng để xây dựng văn hóa đọc không chỉ dừng lại phong trào.

Ông ê Hoàng chia sẻ: “Điều đó cũng tạo cho Thành phố có động lực mạnh mẽ hơn để tổ chức tốt và hiệu quả hơn nữa những hoạt động về sách và phát triển văn hóa đọc. Từ đó để TP.HCM thực sự xứng đáng là thành phố về sách”.

Khi công nghệ, số hóa phát triển, TP.HCM đã tìm cách đi vào từng nhóm đối tượng cụ thể, từng ngành nghề đúng với định hướng để mỗi người dân là một đại sứ văn hóa đọc. Và xa hơn nữa, việc khảo sát tỷ lệ đọc sách trong người dân cũng là bước đi dài hơi để Thành phố có những chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong tương lai, hướng đến là thủ đô sách của Việt Nam.

Vũ Hường/VOV-TP.HCM