Tổng dư nợ cho vay tại Kiên Giang đạt 127.975 tỷ đồng

Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho rằng, năm 2024, tỉnh Kiên Giang xác định là năm bứt phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Để góp phần thực hiện các mục tiêu này, ngành ngân hàng cần bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, phát huy tốt vai trò huyết mạch của nền kinh tế, phối hợp tốt các cấp, các ngành tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Ngành ngân hàng thấu hiểu, chia sẻ và hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp và người dân trên địa bàn; phấn đấu tăng trưởng tín dụng theo chiều sâu, trên cơ sở vào cuộc, phối hợp các sở, ngành, hội bắt đầu từ mô hình thí điểm.

Thống nhất kế hoạch tăng trưởng tín dụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn yêu cầu ân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang nỗ lực cao hơn và đạt tiệm cận bằng tăng trưởng tín dụng toàn quốc; trong đó, tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp tín dụng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng tốt, đúng và trúng hơn, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên.

Đồng thời, các ngành cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công; tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện điều kiện pháp lý, tìm kiếm, đưa sản phẩm ra thị trường, nâng cao khả năng tiêu thụ.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Nam, khu cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành (Kiên Giang).

Năm 2023, vốn huy động tại địa phương tăng trưởng 7,86% so cuối năm 2022, đạt 73.957 tỷ đồng.

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang Lê Đình Khanh, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, hoạt động tín dụng trên địa bàn cơ bản thông suốt, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đến ngày 31-12- 2023, tổng dư nợ cho vay tại Kiên Giang đạt 127.975 tỷ đồng, tăng 12,2% so cuối năm 2022.

Tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ và tăng trưởng cao, chiếm trên 79,32% tổng dư nợ. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng khá, trong đó cho vay nông nghiệp nông thôn tăng 11,52%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 21,06%, xuất khẩu tăng 13,57%.

Tin và ảnh: ĐẶNG LINH