Tòa soạn năm 2040 sẽ như thế nào?

Vào những năm 2040, một công cụ có thể với tên gọi “GA-Net” sẽ thực hiện hầu hết các công việc hằng ngày của báo chí. Thành thật mà nói, vào thời điểm đó, các nhà báo sẽ quên mất cách đưa tin về tỷ số trận đấu thể thao hay biến động giá cả tại Phố Wall.

Vào những năm 2040, các phóng viên sẽ chỉ tập trung vào các tin bài mang tính chiều sâu hơn. Mọi tác vụ nhàm chán khác đều được xử lý nhanh và tốt hơn bởi AI. Chúng ta sẽ có người đứng đầu bộ phận AI, chuyên theo dõi và thỉnh thoảng bổ sung một số câu chuyện mà AI đã bỏ sót. Nhưng phần lớn hệ thống sẽ tự vận hành một cách liền mạch để sản xuất tin bài xuyên suốt.

Tòa soạn phi tập trung

Đó sẽ là thời kỳ mà tòa soạn sẽ cực kỳ im lặng. Vì sao ư? Vì vào thời điểm đó, đâu còn ai ở lại trong tòa soạn để viết tin. Thay vào đó, những nhóm chat sẽ liên tục hoạt động. Các hợp đồng truyền thông cũng có thể được ký kết từ xa. Tòa soạn sẽ biến thành một Tổ chức vận hành phi tập trung (Decentralized Autonomous Organization) - viễn cảnh thực ra đã bắt đầu định hình vào thời điểm này.

Vào năm 2040, nếu muốn tham gia vào quá trình kết nối truyền tải thông tin toàn cầu, chúng ta sẽ cần có token và ví điện tử, giống như vào năm 2004, bạn sẽ cần một trang web để kết nối vậy. Người dùng tất nhiên sẽ sử dụng các ví tiền điện tử để đăng ký nhận tin tức từ các tờ báo. Vào thời điểm đó, quyền sở hữu kỹ thuật số, gồm bản quyền các bài báo, được cho là an toàn và bảo mật hơn, các Big Tech không có cơ hội xâm phạm.

Nếu nhìn vào cảnh nhộn nhịp của tòa soạn Associated Press vào năm 1994 so với ngày nay, chúng ta sẽ hình dung được tòa soạn trong 20 năm tới sẽ còn “im lìm” như thế nào. Ảnh: AP

Sự bảo mật đó sẽ tạo điều kiện cho một thị trường phát triển lành mạnh và các tòa báo cạnh tranh một cách công bằng để giành lấy thị phần của mình. Dù hiện đại song cách hoạt động báo chí đó lại có phần giống thời đại của báo in, khi các sản phẩm báo chí được bảo vệ gần như tuyệt đối.

Nhưng để đến được thời đại đó, thế giới đã trải qua thời đại của tin tức giả vào đầu những năm 2020, rồi những cuộc chiến trung gian thông tin vào những năm 2025 - 2029. Nguồn gốc của tòa soạn năm 2040 sẽ khởi nguồn từ khái niệm “báo chí công dân”, thứ đã xuất hiện từ năm 2007.

Cây bút Jeff Howe của Wired, người đã đặt ra cụm từ “crowdsourcing” (tạm dịch là huy động nguồn lực từ cộng đồng), cho rằng: “Khi đó, bất kỳ dự án huy động nguồn lực từ cộng đồng nào cũng phải có một chàng trai (hoặc cô gái) đáng tin cậy, những người sẽ làm việc vất vả cả ngày lẫn đêm để giữ cho dự án đi đúng hướng. Tại một tạp chí, người này được gọi là Tổ chức sản xuất. Nhiều bộ não cùng làm nhằm giúp cho công việc nhẹ nhàng hơn, nhưng phải có một người hiểu được tất cả và có thể giúp hệ thống cùng vận hành”.

Như vậy, tòa soạn vào những năm 2040 sẽ chỉ cần có một người duy nhất vận hành, tất cả phần còn lại sẽ được góp sức bởi tất cả những nhà báo, những biên tập viên khác ở đâu đó trên khắp thế giới.

Khám phá quan trọng nhất vào năm 2040 là các tổ chức tin tức nhận ra rằng độc giả muốn tham gia vào công tác truyền tải thông tin, và điều đó không chỉ dừng lại ở việc tương tác và chia sẻ trên các trang mạng xã hội.

Thông qua việc sử dụng các hợp đồng thông minh, các biện pháp khuyến khích phù hợp và cùng với các công nghệ blockchain, các tổ chức tin tức mới dần được hình thành. Các cá nhân có thể đóng góp tin tức vào một chợ trao đổi thông tin, nơi tin tức được tạo ra và kết quả là giá trị được trao đổi.

Mỗi bài báo là một tài sản được bảo vệ

Vào năm 2040, các quy tắc không được đưa ra thông qua các Big Tech như Facebook hay Google. Thay vào đó, các quy tắc mới sẽ áp dụng các giao thức mới, để giúp bất kỳ ai cũng có thể tương tác với báo chí. Trong 25 năm đầu của thế kỷ này, các giao thức của web được mở cho tất cả mọi người, nhưng chỉ một số tổ chức ưu tú có thể thực sự làm giàu dựa trên chúng (như Google hiện tại). Sau nỗi sợ hãi về độc quyền vào năm 2027, ngay cả những tổ chức đó cũng đã sẵn sàng áp dụng một lớp giao thức mới cho internet để hỗ trợ thương mại và trao quyền sở hữu an toàn cho những người tham gia. Bạn sở hữu các sản phẩm sáng tạo hay dữ liệu của mình và mọi giá trị mà nó tạo ra, không ai có thể xâm phạm.

Hầu hết các tòa soạn vào năm 2040, đều dựa vào 4 lớp hợp đồng thông minh chính, bao gồm lớp đăng ký tin bài, lớp biên tập, lớp quản lý và lớp sở hữu. Như bạn có thể đoán, các lớp này có thể trộn lẫn hoặc hoàn toàn xếp chồng lên nhau. Nhưng mỗi tình huống đều sẽ có những quy tắc riêng của nó. Có nghĩa, cách hoạt động báo chí trong 20 năm tới rất cởi mở, song vẫn được kiểm soát nội dung chặt chẽ.

Tòa soạn trong tương lai sẽ một nơi phi tập trung, cởi mở nhưng đảm bảo được sự công bằng. Ảnh minh họa: GI

Hầu hết những độc giả tương tác với bài báo sẽ bị tính phí. Mỗi phút đọc báo, xem video, người dùng sẽ bị tính phí 0,0000005 BTC, tương đương với chưa đến 0.01 USD của năm 2023. Mức giá này tương đối thấp vì vào năm 2040, sẽ không có người trung gian hoặc người xử lý thanh toán.

Nhìn chung, tòa soạn vào năm 2040 sẽ là nơi không còn bóng người, trở thành các trung tâm phi tập trung, nơi AI sẽ thay chúng ta điều phối. Tương lai của báo chí sẽ được thực hiện trên một nền tảng khác với internet hiện nay, các bài viết không thể bị đánh cắp và hoàn toàn được bảo vệ.

Dù tương lai đó có vẻ hơi nhàm chán, nhưng nó sẽ mang lại sự công bằng cơ bản cho báo chí, nơi mỗi bài báo sẽ nhận được thù lao trực tiếp từ độc giả, các nhà báo sẽ lại có nhiều động lực để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình.

Hoàng Việt