Tiếp tục thực hiện tốt tín dụng chính sách

Gia đình anh Lưu Tân Quang (thôn Cổ Chất, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) vay vốn phát triển nghề thêu máy. Ảnh: XUÂN TIẾN

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hà Nội, sau 20 năm thực hiện Nghị định 78, hơn 2 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách của thành phố được vay vốn với số tiền 42.538 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ 334 tỷ đồng, đến nay, Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội thực hiện 17 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt 12.773 tỷ đồng với gần 255.000 khách hàng vay vốn, tăng 12.439 tỷ đồng, gấp 38,2 lần so với thời điểm nhận bàn giao. Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn của thành phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện được tiếp cận đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời. Qua đó giúp 243.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho hơn 808.000 lao động; giúp hơn 148.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo 775.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn và 11.300 ngôi nhà cho hộ nghèo; hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, giúp người nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống.

Là gia đình từng thuộc hộ nghèo và nhận được sự hỗ trợ của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thường Tín, anh Lưu Tân Quang ở thôn Cổ Chất, xã Dũng Tiến chia sẻ: “Với số vốn vay được là 50 triệu đồng từ gói vay giải quyết việc làm và 20 triệu đồng từ gói vay nguồn nước sạch vệ sinh môi trường, gia đình đã đầu tư máy thêu và xây dựng hệ thống lọc nước để phục vụ cuộc sống. Nhờ đó, gia đình tôi đã thoát nghèo và có cuộc sống đầy đủ hơn”.

Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh cho biết, trong quá trình triển khai Nghị định 78, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động của NHCSXH. Thành phố, các quận, huyện, thị xã đã bố trí ngân sách chuyển 6.350 tỷ đồng qua NHCSXH để ủy thác cho vay; 100% quận, huyện, thị xã chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH... Tuy nhiên, nguồn vốn chỉ đáp ứng một phần nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và đối tượng chính sách, trong khi đòi hỏi về vốn để hỗ trợ tạo việc làm còn rất lớn. Đặc biệt, những năm gần đây, dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, đối tượng chính sách, tác động tiêu cực đến việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Vì vậy, bà Lê Thị Đức Hạnh đề nghị các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp với NHCSXH tham mưu UBND TP Hà Nội bố trí vốn ủy thác sang NHCSXH thành phố để cho vay thực hiện các chương trình theo chỉ đạo của Thành ủy; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đề xuất với các cấp, ngành liên quan bổ sung, chỉnh sửa cơ chế, chính sách sao cho phù hợp với thực tiễn.

THU THẢO