Tích lũy là cần thiết, kênh chứng khoán sẽ 'hút' lại dòng tiền

“Nhịp nghỉ” là cần thiết

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tháng 3 và quý I/2024 với diễn biến tích cực cả về điểm số lẫn thanh khoản. Chỉ số -Index tăng tháng thứ 5 liên tiếp và chốt quý I tăng 13,64% so với cuối năm 2023, đóng cửa cuối quý tại 1.284,09 điểm.

Số lượng tài khoản nhà đầu tư vẫn tăng ấn tượng

Trong tháng 3, số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm 163.839 tài khoản (+44,6% theo tháng, +155,8% theo năm). Lũy kế sau 3 tháng đầu năm 2024, số lượng tài khoản tăng thêm đạt 402.476 tài khoản, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2023, đưa tổng số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư lên trên 7,69 triệu tài khoản cho thấy thị trường chứng khoán vẫn đang là kênh đầu tư nhận được nhiều sự quan tâm.

Không những thế, thanh khoản còn ấn tượng hơn, khi giá trị giao dịch trung bình đạt gần 30 nghìn tỷ đồng trong tháng 3/2024. Theo các chuyên gia của Research, tâm lý tích cực và diễn biến dòng tiền xoay vòng gia tăng giữa các nhóm mã, ngành giúp thanh khoản thị trường trong tháng 3 tăng 27,78% so với tháng trước và tăng mạnh 183,03% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung trong quý I, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường tăng 19% so với quý IV/2023 và tăng 2,1 lần so với cùng kỳ cho thấy dòng tiền vào thị trường ở mức cao.

Cũng theo SHS Research, ngược lại với việc bán ròng kỷ lục của khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục là nhân tố chính khi mua ròng với giá trị 11.145 tỷ đồng trong tháng 3. Đây là giá trị mua ròng rất lớn trong 3 năm trở lại đây khi chỉ thua kém tháng 3/2021, qua đó nâng mức mua ròng của nhà đầu tư cá nhân trong nước quý I/2024 lên 16.302 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dòng tiền trên thị trường đang có dấu hiệu chững lại trong vài ba phiên gần đây và về dưới mức 20 nghìn tỷ đồng/phiên, trong đó, phiên ngày 10, 11/5, thanh khoản khớp lệnh sàn chỉ còn khoảng 15 nghìn tỷ đồng. Đây là còn số thanh khoản thấp nhất kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Tuy vậy, theo nhiều nhận định, việc dòng tiền có dấu hiệu "dịu lại" sau đợt tăng kỷ lục là hợp lý, dòng tiền sẽ trở lại và có sức bền tốt hơn khi rủi ro ngắn hạn qua đi.

Thanh khoản giảm trong bối cảnh chỉ số cũng đang có diễn biến giằng co, tích lũy sau chuỗi tăng liên tục và tiệm cận ngưỡng 1.300 điểm. Tuy nhiên, điều này cũng đã được nhiều công ty chứng khoán và chuyên gia dự báo trước.

Trong báo cáo mới phát hành, các chuyên gia của Research cũng đã đưa ra một số yếu tố rủi ro có thể khiến thị trường cần có một “nhịp nghỉ”, bao gồm: lực bán chốt lời đẩy mạnh khi thị trường đã phục hồi gần 25% trong 5 tháng liên tục; biến động tăng của tỷ giá và biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. “Hai yếu tố rủi ro này có thể nhạy cảm hơn so với các tháng trước do thị trường đang tiệm cận ngưỡng kháng cự quan trọng” - chuyên gia của SSI Research cho hay.

Xu hướng tích cực dài hạn “vẫn nguyên”

Trong báo cáo mới đây, mặc dù chỉ ra một số rủi ro ngắn hạn, song Quỹ Lumen Vietnam (LVF) vẫn duy trì triển vọng tích cực mạnh mẽ về thị trường trong cả trung và dài hạn. Theo Quỹ LVF, đến cuối tháng 3/2024, định giá P/B VN-Index vẫn ở mức thấp là 1,8 lần, thấp hơn một độ lệch chuẩn so với trung bình 5 năm; đồng thời, cổ phiếu dự kiến sẽ trở thành kênh đầu tư ưa thích tại Việt Nam trong những năm tới, thu hút dòng tiền đầu vào tăng lên từ các nhà đầu tư trong nước.

Quỹ LVF còn cho biết thêm, các điều kiện kinh tế tổng thể vững mạnh tiếp tục cho thấy sự cải thiện và nỗ lực của Chính phủ để điều hướng nền kinh tế đến sự tăng trưởng đầy hứa hẹn. LVF cũng đề cập đến những tiến bộ đáng kể trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán lên mới nổi sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố dự thảo Thông tư mới sửa đổi 4 thông tư.

Ảnh minh họa

Chia sẻ tại Chương trình Gõ cửa tháng mới của Công ty Chứng khoán SSI, ông Lã Giang Trung - Tổng giám đốc Passion Investment cũng cho rằng, hiện thị trường đã đi qua giai đoạn định giá cổ phiếu từ mức rất thấp về mức bình thường, từ đây trở lên sẽ không còn mạnh mẽ và khó khăn hơn, tuy nhiên vẫn ở trong xu hướng đi lên.

Chuyên gia của SSI Research tin rằng, mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp vẫn khiến cho lợi suất đầu tư trên thị trường cổ phiếu hấp dẫn nhà đầu tư hơn trong bối cảnh hiện tại.

So với giai đoạn VN-Index tiệm cận mốc điểm số 1.300 điểm ở nửa đầu năm 2021, SSI Research nhận thấy giai đoạn hiện tại thị trường đang có lợi thế hơn về mặt định giá cũng như mặt bằng lãi suất cũng đang tốt hơn. Đáng chú ý là giai đoạn nửa đầu năm 2021 thị trường ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận rất mạnh tương ứng 77% ở quý I và 61% ở quý II.

“Với giai đoạn hiện tại để có thể tiến lên các vùng điểm số cao hơn thị trường có thể cần được hỗ trợ thêm bởi yếu tố triển vọng tăng trưởng tích cực hơn trong các quý tới” - chuyên gia của SSI Research cho hay./.

Duy Thái