Thủ phủ của miền Tây ở đâu?

1. Địa điểm nào được mệnh danh là thủ phủ của Tây Nam Bộ?

Cà Mau
Cần Thơ
Long An

Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được mệnh danh là Tây Đô - thủ phủ của Tây Nam Bộ từ hơn trăm năm trước.

2. Tên gọi Cần Thơ có nguồn gốc như thế nào?

Tên một loại hoa trong tiếng Khmer
Tên một loại quả trong tiếng Khmer
Tên một loại cá trong tiếng Khmer

Có nhiều giả thuyết khác nhau về tên gọi Cần Thơ. Một lý giải phổ biến về địa danh này là từ Kìn Tho trong tiếng Khmer. Kìn Tho là loại cá sặc rằn có nhiều ở địa phương. Có thể người Việt đã đọc trại rạch Kìn Tho, nơi có nhiều cá sặc rằn thành rạch Cần Thơ, nên từ tên rạch đã chuyển thành tên vùng đất.

3. Chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ được công nhận danh hiệu nào sau đây?

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Di sản văn hóa vật thể quốc gia
Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp

Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận chợ nổi Cái Răng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nét độc đáo của khu chợ này là các hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa được diễn ra trên sông. Chợ nổi họp từ 5h, nhộn nhịp nhất lúc 6-8h rồi vãn dần.

4. Cầu Cần Thơ bắc qua con sông nào?

Sông Hậu
Sông Tiền
Sông Cổ Chiên

Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Tại thời điểm hoàn thành (2010), đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Việt Nam (550 mét) và dài nhất tại khu vực Đông Nam Á. Nhờ chiếc cầu này, các loại phương tiện giao thông và hàng hóa dễ dàng lưu thông mà không phải chịu cảnh lụy phà. Ảnh: Phạm Ngôn.

5. Để tham quan vườn cacao và tìm hiểu về cách chế biến, du khách có thể đến huyện nào?

Phong Điền
Phong Châu
Phong Thái

Vườn cacao Mười Cương ở huyện Phong Điền là điểm du lịch hút khách của Cần Thơ, nhất là du khách nước ngoài. Đến đây, bạn có thể tham quan khu vườn xanh mát với hàng nghìn gốc cacao độc đáo giữa xứ sở sông nước miền Tây, tìm hiểu quy trình chế biến cacao, thưởng thức những thành phẩm từ cacao hấp dẫn như bột, bơ, kẹo, chocolate... Ảnh: Carolyncarter.

6. Địa điểm ở Cần Thơ là bối cảnh của nhiều bộ phim nổi tiếng như Những nẻo đường phù sa , Người đẹp Tây Đô , Nợ đời , Người tình ... ?

Nhà cổ Cai Cường
Nhà cổ Ba Đức
Nhà cổ Bình Thủy

Từng xuất hiện trong bối cảnh của nhiều bộ phim, nhà cổ Bình Thủy hay nhà thờ dòng họ Dương hiện là một trong những địa điểm thu hút du khách khi về Cần Thơ. Ngôi nhà được xây dựng lần đầu tiên năm 1870, đến những năm đầu thế kỷ 20 thì được gia đình xây mới, mở rộng không gian. Công trình kiến trúc đặc sắc này có sự giao thoa văn hóa Đông - Tây rõ nét, chịu ảnh hưởng không nhỏ của nghệ thuật phương Tây nhưng vẫn giữ được hồn cốt dân tộc. Ảnh: Linhchan2610.

7. Các làng nghề hủ tiếu tập trung tại quận nào?

Ninh Kiều
Bình Thủy
Thốt Nốt

Các làng nghề hủ tiếu tập trung ở phường An Bình, quận Ninh Kiều gần cầu Rau Răm. Du khách có thể đến đây quan sát, trải nghiệm quy trình làm ra sản phẩm hủ tiếu đặc trưng của địa phương. Bạn cũng đừng quên thưởng thức món pizza hủ tiếu hấp dẫn, được biến tấu từ sợi hủ tiếu chiên giòn, ăn kèm các loại topping lạ miệng. Ảnh: Tatymilaa.

Quỳnh Anh