Thêm lợi nhuận nhờ 'thương hiệu gạo xanh'

Nhằm thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Dự kiến sẽ có 12.000 tỷ đồng đầu tư vào Đề án, trong số đó, 3.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước, 8.400 tỷ đồng vốn xã hội hóa, còn lại là từ các nguồn vốn khác.

Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao” được kỳ vọng tăng lợi nhuận của người trồng lúa ở mức 40% nhờ “thương hiệu gạo xanh”.

Thông tin tại hội thảo “Vai trò của Hợp tác công - tư trong triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” chiều ngày 2/10, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)- cho biết: Đề án đưa ra mục tiêu giảm 20% chi phí sản xuất, góp phần giảm khoảng 9.500 tỷ đồng cho các hộ trồng lúa (với sản lượng 13 triệu tấn lúa).

Bên cạnh đó, thông qua việc áp dụng quy trình canh tác bền vững, tổ chức lại sản xuất sẽ góp phần đảm bảo ổn định giá bán lúa, và dự kiến giá bán lúa sẽ tăng 10% so với canh tác truyền thống.

"Với mức giá bình quân 5,1 triệu đồng/tấn thì việc tăng giá 10% góp tăng doanh thu từ bán lúa 7.000 tỷ đồng/năm (nếu tính tổng thể một triệu ha hay 13 triệu tấn lúa). Như vậy lợi nhuận từ sản xuất lúa sẽ tăng lên do giảm chi phí và do tăng giá bán. Ước tính nếu trên phạm vi một triệu ha lúa vùng chuyên canh, lợi nhuận từ sản xuất lúa tăng lên khoảng hơn 16 nghìn tỷ đồng"- ông Tùng cho biết thêm.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, mục tiêu của đề án là tăng lợi nhuận của người trồng lúa ở mức 40% (năm 2025) và hơn 50% (năm 2030), không chỉ từ bán lúa mà còn nhờ giảm chi phí, nguồn thu từ phụ phẩm và bán chứng chỉ carbon. Hiện nay, đề án đã được trình Thủ tướng và các bộ ban ngành giải trình một số nội dung trước khi đề án ban hành.

Đối với việc bán chứng chỉ carbon, ông Trần Thanh Nam cho biết, Ngân hàng Thế giới WB đã cam kết mua theo nghĩa vụ các tín chỉ carbon từ Đề án sản xuất lúa này với giá khoảng 10 USD/tấn (tín chỉ).

“1 ha lúa có khả năng giảm phát thải từ 5 - 10 tấn carbon. Như vậy nguồn thu có thể tăng thêm từ việc bán tín chỉ này thêm 50 - 100 USD/ha/năm. Nhưng câu chuyện không chỉ là tăng thêm thu nhập từ việc bán tín chỉ carbon mà là việc gia tăng giá trị hạt gạo nhờ thương hiệu gạo xanh”- ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Ông Cao Thăng Bình - Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB tại Việt Nam:

WB cam kết hỗ trợ vốn cho đề án 400 triệu USD, tuy nhiên con số này có thể tăng nếu Việt Nam có đề xuất. Vấn đề mấu chốt hiện nay là Việt Nam phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án nói chung bởi thời gian qua nhiều dự án rất chậm.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần làm rõ cơ chế tiếp cận nguồn vốn. Ông Bình cho rằng, cách tốt nhất là không nên tổ chức thành các dự án thành phần của từng địa phương mà gom chung lại thành một dự án quốc gia để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

“Dựa trên diện tích sản xuất được tổ chức và công cụ đo đếm của WB, chúng tôi hy vọng có thể chuyển tiền cho Đề án này chỉ trong 2 - 3 lần. Ngoài ra một số tổ chức khác thuộc WB cũng có thể tăng mức tài trợ cho dự án thêm so với con số cam kết ban đầu là 100 triệu USD”- ông Bình cho biết thêm.

Mai Ca