THỂ THAO TP HCM: THỜI OANH LIỆT NAY CÒN ĐÂU! Bóng chuyền rớt hạng

Chỉ thắng được vỏn vẹn 1 trận đấu qua 2 giai đoạn của Giải Vô địch quốc gia 2023, đội óng chuyền nam TP HCM chính thức rớt hạng, đội nữ cũng lâm vào tình cảnh tương tự, sớm quay lại sân chơi hạng A chỉ một năm sau khi thăng hạng.

Bóng chuyền nam: Xây nhà từ nóc

Mất đến 4 năm chờ đợi, đội bóng chuyền nam mới quay lại hạng đấu cao nhất với phiên hiệu Maseco HCM cùng cơ chế vận hành có rất nhiều thay đổi. Đội bóng không chỉ được giao cho doanh nghiệp quản lý mà còn có "đại bản doanh" riêng tại Nhà thi đấu Rạch Miễu sau thời gian phải "ăn nhờ, ở đậu" tại Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng rồi Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ.

Năm 2015, Maseco TP HCM lên ngôi vô địch quốc gia, kết thúc 17 năm "trắng" danh hiệu ở cấp độ quốc gia. Cộng thêm 2 lần giành ngôi vô địch vào các năm 2018 và 2019 với phiên hiệu tuyển TP HCM sau khi Maseco không còn là nhà tài trợ chính, ai cũng nghĩ bóng chuyền nam TP HCM đã trở lại thời hoàng kim của những năm 90 của thế kỷ trước, thời điểm mà họ gần như thống trị làng bóng chuyền nam quốc gia.

Trong số các tổ chức xã hội về ể thao ở TP HCM, Liên đoàn Bóng chuyền là tổ chức có nhiều biến động nhất ở các vị trí quản lý, điều hành. Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, đã có 3 lần phải thay đổi ghế chủ tịch giữa nhiệm kỳ, chưa kể nhiều thành viên ban chấp hành hoàn toàn không có chuyên môn. Ở nhiệm kỳ mới nhất, liên đoàn gần như "bất động" khiến bóng chuyền TP HCM không có cả tài chính lẫn lực lượng để vận hành.

Mùa giải 2023 chưa khởi tranh, 8 cầu thủ chủ chốt của đội tuyển TP HCM xin nghỉ đồng thời nộp đơn khiếu kiện việc họ không được thanh toán tiền hỗ trợ thi đấu hằng năm, mà người trong nghề vẫn quen gọi là "phí lót tay", trên dưới 200 triệu đồng mỗi người. Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM vào cuộc thì sự việc được giải thích do "hợp đồng quảng cáo phát triển thương hiệu" với Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam trong 5 năm trị giá 30 tỉ đồng bị ách tắc vì lý do khách quan. Tìm hiểu cặn kẽ, nhóm cầu thủ này biết rõ một phần kinh phí tài trợ cho đội bóng chuyền nam được "san sẻ" không đúng mục đích cho các đội thể thao khác!

Không còn đủ nhân sự cần thiết và phải dùng đến lực lượng trẻ, tuyển nam TP HCM chính thức rớt hạng. Một kết quả đáng buồn dành cho HLV Nguyễn Văn Hòa cùng các cầu thủ vừa giành HCĐ bóng chuyền nam tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 và xa hơn đôi chút là ánh hào quang lấp lánh của 3 chức vô địch quốc gia các năm 2015, 2018 và 2019.

Cựu binh ra đi vẫn chưa được thanh toán lương, thưởng như đã hứa, dàn cầu thủ trẻ còn lại giờ phải dời bản doanh xuống tận Trung tâm TDTT Gò Vấp, nguồn kinh phí hoạt động đã ít nay lại càng eo hẹp hơn. Không có vận động viên chất lượng cao về chuyên môn, kinh phí hoạt động cũng khiêm tốn vậy nên không rõ bóng chuyền nam TP HCM sẽ dựa vào cơ sở nào để hoàn thành mục tiêu "làm lại" từ sân chơi hạng A, nhằm sớm trở lại đấu trường Giải Vô địch quốc gia Việt Nam?

Đội bóng chuyền nam TP HCM rớt hạng phải thi đấu hạng A mùa bóng 2024. Ảnh: ĐÔNG LINH

Đội nữ lên - xuống hạng như "cơm bữa"

Đội tuyển nữ TP HCM sau thất bại 1-3 ở trận "chung kết ngược" với đội Ngân hàng Công Thương đầu giai đoạn 2 coi như đã chắc suất rớt hạng mùa giải 2023. Đoàn quân của HLV Trần Hiền an bài số phận khi đối đầu bất thành với những đội mạnh như LPBank Ninh Bình và Binh chủng Thông tin - TTBP.

Việc nhà tài trợ Sacombank rót 6 tỉ đồng cho chiến dịch trụ hạng của tuyển nữ TP HCM chỉ vài tuần trước khi diễn ra giai đoạn 2 Giải Vô địch quốc gia 2023 đã không tạo được hiệu ứng tức thời như mong muốn. Ngay cả việc tăng cường được siêu sao người CH Dominica Gina Mambru cũng không thể giúp đội bóng của HLV Trần Hiền cải thiện được tình thế, đành chấp nhận sự may rủi của số phận khi không thể tự quyết ở những vòng đấu quyết định.

Tiếng là đại diện cho TP HCM - nơi có phong trào bóng chuyền một thời sôi động nhất nước, song đội nữ phải cam chịu số phận còn truân chuyên gấp bội so với các đồng nghiệp nam. Đội được giao cho Trung tâm TDTT quận Tân Bình quản lý từ nhiều năm nay. Kinh phí hạn hẹp, không đủ tiềm lực để thu hút các cầu thủ giỏi như cách làm của nhiều nơi khác nên chuyện lên xuống hạng "như cơm bữa" đã trở nên quen thuộc với bóng chuyền nữ TP HCM.

Trong khi rất nhiều địa phương tích cực tìm kiếm mọi nguồn lực để tăng cường sức mạnh cho đội bóng của mình thì Liên đoàn Bóng chuyền TP HCM gần như im hơi lặng tiếng. Khi người đứng đầu là lãnh đạo một sở đã nghỉ hưu chỉ biết nhiều về tên tuổi các cựu danh thủ hơn là các vấn đề nội tại của bóng chuyền thành phố, nhiều ủy viên liên đoàn tham gia cho có tên tuổi thay vì "làm" bóng chuyền.

Tân Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền TP HCM Hà Vũ Sơn cho biết: "Việc 2 đội bóng chuyền nam, nữ cùng rớt hạng mang đến nỗi đau cho người hâm mộ và chúng tôi có trách nhiệm phải sớm đưa 2 tập thể này trở lại đấu trường cao nhất. Vấn đề của bóng chuyền chuyên nghiệp là tài chính và 2 đội bóng thành phố lao đao vì yếu tố sống còn này. Trong tình hình kinh tế khó khăn chung, không dễ để tìm kiếm những đơn vị đồng hành mới với bóng chuyền nói riêng và thể thao TP HCM nói chung".

Tương lai của bóng chuyền TP HCM ra sao và bao giờ bóng chuyền TP HCM tìm lại vị thế của mình, có thể nói là một câu hỏi không dễ có lời giải đáp.

Người hâm mộ bóng chuyền TP HCM từ khá lâu đã không còn có được niềm tự hào với những tên tuổi lớn của bóng chuyền thành phố và cả nước như Dệt Thành Công, Công nhân Hóa chất, Seaprodex, Công ty Hợp doanh in số 2. Không còn được dịp mê mẩn với những ngôi sao bóng chuyền như Cao Xuân Thái, Phan Phước Điền, Trương Hữu Vinh..., hay các ngôi sao trẻ hơn như Lê Hồng Hảo, Châu Văn Lễ, Lê Hồng Huy, Lê Văn Oanh, Nguyễn Văn Hùng... một thời khuynh đảo cả làng bóng chuyền Việt Nam.

ĐÀO TÙNG