Thành phố Hồ Chí Minh: Xây dựng cơ chế phát triển 'siêu đô thị'

Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực thực hiện khát vọng trở thành thành phố năng động bậc nhất châu Á.

Sức chống chịu của kinh tế thành phố còn hạn chế

Các con số thống kê chỉ ra rằng, trong 45 năm qua, thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất cả nước về quy mô dân số và kinh tế. Giai đoạn 2016-2019, dù kinh tế thế giới có nhiều biến động, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng trưởng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP và hơn 26% tổng thu ngân sách quốc gia.

Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thành phố vẫn cơ bản hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì, phát triển kinh tế. Kinh tế thành phố vẫn tăng trưởng 1,39%, thu ngân sách đạt hơn 371.000 tỷ đồng, đóng góp hơn 25% thu ngân sách quốc gia. Đặc biệt, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng từ mức 61,1% năm 2016 lên mức 71,4% năm 2020, khẳng định sức mạnh nội tại của nền kinh tế thành phố.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại, (giai đoạn 1991-2010), tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn đạt 2 con số (bình quân 10,5%), thì giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng bình quân của kinh tế thành phố chỉ còn 7,2%. Điều này cho thấy sức chống chịu của kinh tế thành phố vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, trước bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều biến động khó lường, thành phố cần phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù, nhất là khơi dậy tiềm năng, thế mạnh để đưa thành phố phát triển đột phá trong giai đoạn tới.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong 10, 15 năm tới, thành phố Hồ Chí Minh có cơ hội trở thành thành phố phát triển năng động bậc nhất khu vực ASEAN và châu Á. Sau năm 2035, cơ cấu kinh tế thành phố dự báo nằm trong nhóm các nền kinh tế hậu công nghiệp, với kinh tế số giữ vai trò chi phối. Để thực hiện được khát vọng này, thành phố cần tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách.

Gỡ nút thắt cơ chế

Theo kế hoạch phát triển của thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố định hướng phát triển đô thị bền vững, đô thị thông minh; trong đó tập trung đẩy nhanh chính quyền số, xã hội số, kinh tế số và nâng cao chất lượng dịch vụ công. Định hướng cơ chế phát triển kinh tế thành phố trên quan điểm kinh tế vùng, thể hiện vai trò là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhiều ý kiến, hiến kế phát triển thành phố Hồ Chí Minh theo định hướng trên của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra rằng, chỉ có con đường phát triển khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), đẩy nhanh tiến trình tăng trưởng theo chiều sâu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mới giúp thành phố phát triển nhanh và bền vững. Song song đó, thành phố cần kiến tạo cơ chế huy động các nguồn lực quan trọng trong xã hội như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp trong nước và các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách khác.

Còn Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, trong ba nút thắt lớn của thành phố là cơ sở hạ tầng, cải cách thể chế và chất lượng nguồn nhân lực, thì cải cách thể chế giữ vai trò then chốt. Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, cải cách thể chế cần xác định rõ đó là cải cách về quản lý vận hành của một “siêu đô thị” hiện đại và cải cách về môi trường đầu tư và kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư lớn.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đang xây dựng hai đề án là đề án Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (hiện đã thành lập Ban Chỉ đạo) và đề án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (dự kiến hoàn thành năm 2022). Thành phố cũng đang xem xét thành lập Hội đồng tư vấn để giúp giải quyết các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

“Thành phố xác định quy hoạch là công cụ quan trọng để quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý, hiến kế của các chuyên gia, qua đó chuyển hóa thành các giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển thành phố trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Nguyễn Lê