Tháng mười, hướng về Hà Nội

Nó giống như một dịp sinh nhật đặc biệt mà những biến động của lịch sử đã lựa chọn để đặt cho thành phố ngàn năm tuổi này. Trong thời gian này, Hà Nội cũng chú trọng tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội, triển lãm… về mọi khía cạnh của thành phố, đáp ứng sự chờ đợi của công chúng.

Một thành phố “vươn mình” trong nhiếp ảnh

Nếu như ở lần tổ chức đầu tiên năm 2002, triển lãm ảnh Hà Nội trong tôi có quy mô nhỏ, chỉ như “cuộc chơi” của những nghệ sĩ nhiếp ảnh cao tuổi thì đến nay, trải qua 18 năm, triển lãm đã trở thành sự kiện văn hóa thường niên nhân dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10.10.

Trong lần trở lại này, Hà Nội trong tôi giới thiệu tới công chúng hơn 80 bức ảnh sinh động, ghi lại những góc nhìn chân thực của các nhiếp ảnh gia, nhà báo về dấu mốc đáng nhớ của Hà Nội sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính.

Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” năm 2023 do báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Câu lạc bộ Nhiếp ảnh người cao tuổi Hà Nội tổ chức, khai mạc vào sáng 5.10, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thạch Thảo

Triển lãm ảnh được chia làm 3 phần. Trong đó, Phần 1 với chủ đề “Hà Nội vươn mình bứt phá” giới thiệu đến công chúng những hình ảnh về sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính; quá trình đô thị hóa; các dự án khu đô thị; các dự án giao thông trọng điểm; các trung tâm thương mại, khu công nghiệp…

Phần 2 “Đổi thay nông thôn mới Hà Nội” là những tác phẩm cho thấy diện mạo mới của nông thôn Hà Nội về điện, đường, trường trạm, nhà ở; góc nhìn mới lạ về các mô hình nông nghiệp công nghệ cao; đời sống nông thôn; các khu, cụm công nghiệp, làng nghề nông thôn; kiến trúc nhà cổ, nhà đá ong ở nông thôn…

Phần 3 “Bản sắc văn hóa Thủ đô” ghi lại nét độc đáo của văn hóa Thăng Long - Hà Nội hòa quyện với văn hóa xứ Đoài, hệ thống các di tích lịch sử văn hóa phong phú đưa Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa lớn của cả nước.

Du khách quốc tế hào hứng tham quan triển lãm. Ảnh: Thạch Thảo

Thông qua triển lãm, công chúng cảm nhận rõ sự phát triển của Thủ đô trong từng lĩnh vực. Hà Nội hôm nay không chỉ trở thành một trung tâm kinh tế trọng điểm, mà còn là nơi khởi nghiệp của nhiều giá trị tinh hoa trong nước và quốc tế, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn, hàng đầu thế giới, là động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa của cả nước.

Triển lãm kéo dài từ ngày 5-11.10.2023 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sau đó, ảnh sẽ được trưng bày tại ga Cát Linh từ ngày 12-30.10.2023.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội

Một mùa giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội cũng vừa khép lại, những giá trị của Hà Nội tiếp tục được phát hiện và tôn vinh qua những ý tưởng, tác phẩm, việc làm và đặc biệt là qua những con người một đời hết lòng vì Hà Nội. Dấu ấn của mùa giải năm nay có lẽ nằm ở việc những giá trị của Hà Nội được soi chiếu trên nhiều bình diện từ quá khứ cho tới hiện tại, để rồi hướng tới tương lai.

Hạng mục Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội năm nay có đến hai đề cử đoạt giải. Đó là cuốn sách Phố Hàng Bột, chuyện “tầm phào” mà nhớ của cố tác giả Hồ Công Thiết (1952 - 2023) và triển lãm ảnh Hanoi Streets 1985 - 2015: In the Years of Forgetting (Hà Nội 1985 - 2015: Những năm tháng bị lãng quên) của William E.Crawford. Tuy thuộc hai loại hình khác nhau nhưng cả hai tác phẩm cùng có điểm chung là mang đến màu sắc hoài niệm về một thời đã qua. Ở đó có những con người Hà Nội dẫu nặng gánh mưu sinh nhưng vẫn đong đầy tình nghĩa.

Cuốn sách Phố Hàng Bột, chuyện “tầm phào” mà nhớ của cố tác giả Hồ Công Thiết (1952 - 2023) được trao Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội.

Tác giả William E.Crawford nhận Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội với Triển lãm ảnh Hanoi Streets 1985 - 2015: In the Years of Forgetting (Hà Nội 1985 - 2015: Những năm tháng bị lãng quên). Ảnh: BTC

Hạng mục Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội được trao cho Chủ trương và các bước chuẩn bị tích cực của Thành phố Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cùng các đơn vị liên quan nhằm đưa “Hà Nội học” thành một môn học trong giáo dục phổ thông tại Hà Nội. Và Festival Thu Hà Nội - Đến để yêu lần đầu tiên do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (UBND TP Hà Nội) tổ chức được vinh danh tại hạng mục Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội.

Trải dài từ các hạng mục Tác phẩm, Việc làm, Ý tưởng đã cho thấy những giá trị và tiềm năng của Hà Nội ở cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Như một sự ngẫu nhiên, tất cả những bình diện này gần như đều quy tụ tại Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội được trao cho đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh được trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội. Ảnh: BTC

Chỉ trong 3 bộ phim Hà Nội mùa đông năm 46, Mùa ổiHoa nhài, Đặng Nhật Minh có riêng cho mình một lịch sử bằng điện ảnh trải dài từ quá khứ cho đến hiện tại. Còn tương lai thì sao? Nó nằm ở cách Đặng Nhật Minh vẫn luôn đau đau, trăn trở về Hà Nội chẳng khi nào ngơi nghỉ. Minh chứng rõ nhất là ở tuổi trên 80 ông vẫn làm bộ phim cuối đời mang tên Hoa nhài dành cho Hà Nội như để “trả nợ” ân tình với mảnh đất mà ông gần như gắn bó cả đời mình.

Một cảnh trong phim Hoa nhài tái hiện những lát cắt đời sống ở Hà Nội, gửi gắm tình yêu Hà Nội của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh.

Khám phá thêm những tầng sâu ý nghĩa bên trong các tác phẩm, ý tưởng, việc làm này, chúng ta sẽ hiểu hơn, yêu hơn những sự việc, con người, không gian quanh ta, những thứ bình dị tưởng cứ thế trôi vào lãng quên nhưng lại vô cùng nhớ... Đó chính là điều ý nghĩa nhất mà Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội mang lại, cũng chính là điều tạo nên sức hút của Giải thưởng trong suốt 15 năm qua.

Tìm về ký ức trong “Thành xưa - Phố cũ”

Hà Nội đã trải qua quá trình biến đổi mạnh mẽ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX khi người Pháp chiếm và quy hoạch, xây dựng lại Hà Nội. Tòa thành cũ mất đi, để lại nhiều nuối tiếc. Nhưng những con phố mới ra đời và định hình nét đẹp kiến trúc Hà Nội cho đến tận hôm nay.

Mới đây, một triển lãm mang đậm chất hoài cổ về Hà Nội mang tên Thành xưa - Phố cũ do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức, đã diễn ra tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Lễ khai mạc “Thành xưa - Phố cũ” diễn ra vào sáng 6.10.2023. Ảnh: BTC

Với 180 phiên bản tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản đồ, bản vẽ kỹ thuật được lựa chọn trưng bày, Thành xưa - Phố cũ mang đến một góc nhìn mới về lịch sử, văn hóa, đất và người Thăng Long - Hà Nội trong những năm đầu thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX trong không gian Hà Nội xưa với những khu phố, con đường, những di tích lịch sử, văn hóa cùng nhiều công trình mang đậm dấu ấn Pháp.

Cổng phố Ô Quan Chưởng, cuối thế kỷ XIX (nay là phố Hàng Chiếu). Ảnh trưng bày tại triển lãm. Nguồn: EFEO

Những bè chở đầy gỗ trên sông Hồng và cầu Paul Doumer, đầu thế kỷ XX. Ảnh trưng bày tại triển lãm. Nguồn: EFEO

Thành xưa - Phố cũ sẽ tái hiện phần nào sự thay đổi của Hà Nội trải qua trong hơn một thế kỷ với hình ảnh thành Hà Nội được xây dựng theo kiến trúc kiểu Vauban đầu thời Nguyễn vẫn còn nguyên vẹn nằm ở phía Tây của khu phố cổ, hình ảnh phường - thị của Hà Nội chưa có những biến chuyển theo hướng đô thị hóa hiện đại, đến một Hà Nội đang dần chuyển mình, xây dựng và quy hoạch theo kiểu phương Tây với những con phố dọc ngang hình ô cờ.

Ngay từ cuối thế kỷ XIX, người Pháp bắt đầu cho quy hoạch và xây dựng thành phố Hà Nội trên cơ sở kinh đô Thăng Long cũ, trong đó tâm điểm là thành Hà Nội. Ngoài một số công trình được giữ lại như: Kỳ Đài, Đoan Môn, bậc rồng trước thềm điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc - minh chứng của một thời kỳ lịch sử huy hoàng đã qua thì thành Hà Nội đã thay đổi một diện mạo mới mang phong cách Á Âu.

Trường Đại học Đông Dương đầu thế kỷ XX. Ảnh trưng bày tại triển lãm. Nguồn: EFEO

Thành phố được mở rộng với nhiều khu phố mới, trung tâm chính trị, hành chính được xây dựng mới. Hà Nội dần khoác tấm áo khác, tuy nhiên giao hòa trong không gian kiến trúc kiểu phương Tây, vẫn còn đó dấu tích của Thành xưa - Phố cũ.

Triển lãm sẽ kéo dài từ ngày 6.10.2023 đến hết ngày 31.12.2023.

Tin, ảnh: Thạch Thảo