Tạo động lực mới cho công tác quản lý thị trường năm 2024

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị.

Nhiều dấu ấn về công tác nhân sự

Tại hội nghị tổng kết nhiệm vụ 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), được tổ chức ngày 4/1/2024, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, năm 2023, ngoài công tác chuyên môn nghiệp vụ thì Tổng cục đã có một năm ghi dấu ấn đặc biệt trong việc sắp xếp tổ chức nhân sự. Cụ thể, Tổng cục đã bổ nhiệm 25 Cục trưởng mới, chiếm 40% số lượng Cục trưởng. Hiện chỉ còn 2 cục, 1 vụ chưa có cấp trưởng.

Năm 2023 cũng là năm Tổng cục tiếp tục duy trì nêu cao vai trò người đứng đầu, là năm thứ 2 đánh giá cuối năm theo tiêu chí của từng tháng, cho điểm từng đơn vị.

Nói riêng về kết quả chuyên môn, Tổng cục trưởng Linh cho biết, cả năm 2023, toàn Tổng cục đã kiểm tra 72.000 vụ, xử phạt 52.000 vụ, trong đó có 174 vụ chuyển cơ quan điều tra (tăng hơn 40% so với năm 2022), thu nộp ngân sách hơn 500 tỷ đồng;

Tuy nhiên, ông Linh cũng thẳng thắn thừa nhận, chất lượng kiểm tra chưa đồng đều. Vấn đề nóng như àng giả chưa kiểm tra, xử lý được nhiều khi chỉ chiếm 10% số vụ được xử lý.

“Các việc chưa làm được mà chúng tôi vẫn trăn trở hàng ngày là hiện tượng hàng giả hàng nhái vẫn còn nhiều. Mặc dù đã xác định đây không phải là công việc mà Tổng cục QLTT có thể “đơn thương độc mã” làm nên Tổng cục đã ký các quy chế phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt tuyến biên giới như biên phòng, hải quan; Tuy nhiên công tác phối hợp chưa thực sự hiệu quả. Nhiều địa bàn còn “bị thủng”, chưa được quan tâm đúng mức, hiện tượng hàng giả, hàng nhái còn nổi cộm” - ông Linh nói.

Do đó, trong năm 2024, với dự báo sẽ tiếp tục là năm khó đoán định sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm soát thị trường, Tổng cục QLTT sẽ tập trung vào kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử.

Dẫn ví dụ cách đây 2 tuần, lực lượng liên ngành đã phối hợp bắt giữ một kho hàng bán theo hình thức trực tuyến lớn ở Hà Đông (Hà Nội), lực lượng mất 3 ngày, 3 đêm để kiểm đếm hàng hóa với hàng trăm nghìn sản phẩm, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh, xu thế 2024 sẽ nhắm đến là thương mại điện tử. Đặc biệt là hàng giả, vụ việc mới đây ở Chương Mỹ sản xuất thực phẩm chức năng giả ngay các nhãn hiệu quốc tế ngay tại trong nước, cho thấy đây là vấn đề rất nhức nhối…

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT báo cáo tại Hội nghị

Trước mắt, hiện nay, chuẩn bị cho Tết nguyên đán, hàng hóa đang trong quá trình được sản xuất lưu thông sôi động, Tổng cục sẽ tập trung các lĩnh vực mặt hàng thiết yếu, an toàn thực phẩm; tiếp tục triển khai mạnh mẽ đề án 319 về thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng phải xác định phương hướng hoạt động phù hợp trong tình huống có đến 40% là lãnh đạo mới. Đáng chú ý, ông Linh cho biết, hiện Tổng cục đang xây dựng đề án điều động luân chuyển lãnh đạo các Cục, Vụ. Năm 2024 cũng là đến thời điểm bổ nhiệm lại 90 lãnh đạo, trong đó, dự kiến sẽ có 30% lãnh đạo luân chuyển địa bàn… để tạo ra động lực mới, tránh phát sinh các vấn đề thân quen, gây khó khăn và không hiệu quả cho công tác QLTT.

Ông Linh cũng kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo sát sao công tác QLTT và quan tâm bổ sung thêm biên chế, tăng cường trang thiết bị cho lực lượng làm tốt nhiệm vụ.

Cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Tổng cục QLTT đã có những nhiều kết quả trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần lành mạnh môi trường sản xuất - kinh doanh; Đồng thời đánh giá cao việc Tổng cục QLTT triển khai nhiều chuyên đề đấu tranh với hàng giả, ôn lậu, gian lận thương mại, với số lượng tăng hơn năm trước. Duy trì tốt việc giám sát 100% cơ sở kinh doanh xăng dầu, góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Công tác phối hợp từ Trung ương đến địa phương chuyển biến tích cực trong năm 2023. “Nếu phối hợp tốt với Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển để “đánh chặn” từ xa sẽ không mất công chặn trong nội địa, bởi chặn được hàng hóa thẩm lậu từ biên giới thì đỡ vất vả cho việc quản lý trong nước, do đó Tổng cục cần phải phối hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng chức năng khác” – Bộ trưởng Diên nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lưu ý, dù Tổng cục QLTT tổ chức mô hình theo ngành dọc, nhưng quá trình thực hiện cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, địa phương, cấp ủy, chính quyền địa phương, để công tác chuyên môn nghiệp vụ đạt kết quả tốt hơn.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, dù nhiều vụ việc được xử lý tốt, kiểm tra thu giữ nhiều hàng hóa vi phạm với quy mô lớn, làm thức tỉnh nhiều người đang làm ăn gian dối nhưng theo Bộ trưởng tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn phổ biến, đặc biệt trên môi trường thương mại điện tử tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm.

Trong khi đó, số vụ việc bắt giữ còn chưa phản ánh đúng những gì diễn ra trên thực tế; Việc kiểm tra tại một số địa bàn chưa sâu sát, công tác thanh tra, kiểm tra chủ yếu ở niêm yết giá chưa đi sâu vào kiểm soát tại cơ sở, cần đi vào ngóc ngách của vấn đề để tìm ra bản chất và có cách giải quyết.

Công tác quản lý giáo dục chính trị tư tưởng nhiều đơn vị chưa tốt, sức ì một số nơi còn lớn, vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra. Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục QLTT làm quyết liệt hơn, thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh tác phong đạo đức công vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đối số. Trước mắt mở đợt cao điểm phòng chống buôn lậu gian lận thương mại trong dịp Tết để người dân yên tâm mua sắm.

“Bộ Công Thương sẽ làm việc với các đơn vị chức năng để có quy chế phối hợp tốt, qua đó đấu tranh hiệu quả hơn các vi phạm trong lĩnh vực do ngành quản lý” - Bộ trưởng Diên khẳng định.

Hoàng Tú