Tăng tốc giảm nghèo bền vững

Nông thôn vùng cao đang có sự đổi thay đáng kể với tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm. Trong ảnh: Xây dựng đường nông thôn tại Hà Giang. Ảnh: Báo Hà Giang

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 2/9/2016 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg. Chương trình được triển khai, thực hiện trên toàn quốc mang lại thành quả rõ rệt.

Theo đánh giá mới đây từ Quốc hội, giai đoạn 2016-2020, kết quả giảm nghèo của Việt Nam vượt mục tiêu đề ra với tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5%. Qua các năm thực hiện đã có xấp xỉ 1,4 triệu hộ trên tổng số 2,3 triệu hộ nghèo thoát nghèo, chiếm khoảng 58%, đạt tỷ lệ Quốc hội giao. Hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực nông thôn, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự thay đổi tích cực. Thông qua Chương trình, nhiều địa phương với các giải pháp đồng bộ, cách làm sáng tạo, hiệu quả đã phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trong nhiệm vụ giảm hộ nghèo. Đời sống hộ nghèo, cận nghèo, thôn, bản, xã nghèo được cải thiện rõ rệt.

Ví dụ như tại Lạng Sơn, đây là tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng giai đoạn 2016-2020 tỉnh đã hỗ trợ hơn 50 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn để phát triển kinh tế với doanh số cho vay hơn 4.000 tỷ đồng; cấp được hơn 1,7 triệu lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí hơn 1.732 tỷ đồng; hỗ trợ cho 775.000 lượt học sinh, sinh viên với kinh phí hơn 400 tỷ đồng… Từ đó tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm bình quân hàng năm đạt 3,61%; đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo tại tỉnh Lạng Sơn còn khoảng 7%.

Bên cạnh những “trái ngọt” đạt được, có thể thấy kết quả giảm nghèo hiện vẫn chưa thực sự bền vững, nhiều địa phương trong quá trình triển khai nhiệm vụ hiệu quả chưa cao, tỷ lệ hộ thoát nghèo thiếu bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo, cận nghèo còn cao. Cùng với đó, trình độ dân trí của nhiều người dân vùng sâu, vùng xa còn thấp, gây khó khăn trong khả năng tiếp thu, vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tình hình thiên tai, dịch bệch, nhất là hậu quả đại dịch COVID-19 đã và đang diễn ra đã làm chậm lại tiến độ giảm nghèo của nhiều địa phương, nhiều hộ cận nghèo trở thành nghèo…

Duy trì thành quả, bứt phá trong giai đoạn 2021-2025

Để tăng tốc giảm nghèo bền vững trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, trước hết các địa phương sau khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 cần tập trung tổng kết, đánh giá, chỉ ra những hạn chế, bất cập, rút ra bài học lớn vận dụng cho giai đoạn mới với những giải pháp mạnh mẽ hơn để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, cần sớm quán triệt mục tiêu, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trước hết là về phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025; chủ động ban hành kế hoạch, giải pháp phù hợp hiệu quả hơn trong lĩnh vực giảm nghèo; các bộ, ngành, các cơ quan, đoàn thể liên quan cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách, quy trình hỗ trợ cho phù hợp tình hình thực tiễn.

Để vấn đề này được thực hiện hiệu quả, các địa phương cần bắt đầu từ việc điều tra, rà soát đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm khoa học, đồng bộ, phản ánh đúng tình hình thực tế, từ đó có chính sách hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể đối với các nhóm hộ nghèo, cận nghèo. Cần tạo ra cơ chế chính sách đồng bộ, thống nhất hơn, gắn liền đầu tư nguồn lực phù hợp, kịp thời nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, công trình cơ sở hạ tầng.

Thực hiện đổi mới mạnh mẽ hơn nữa và có những chính sách đặc thù để kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội ở các vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng, miền núi, biên giới. Tập trung cho các huyện, xã nghèo; những địa phương, vùng xuất phát điểm nền kinh tế còn thấp, nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, công nghiệp, dịch vụ, thương mại chưa phát triển mạnh dẫn đến công tác giải quyết việc làm, gặp nhiều khó khăn…

Cùng với các chính sách, từng địa phương chủ động có giải pháp huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, cá nhân có tiềm năng, thế mạnh góp phần đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Các hoạt động trong lĩnh vực này bảo đảm tạo hành lang, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, phát triển sản xuất, tạo thu nhập cho người nghèo.

Đồng thời, điều rất quan trọng khác là coi trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, trong cộng đồng dân cư; phát huy hiệu quả giám sát trong huy động và sử dụng vốn đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ, nhằm nâng cao thu nhập cho hộ gia đình, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị…

Thái Sơn