Tai nạn liên hoàn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn: chất lượng đường và lái xe chạy ẩu

Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: P.V

Tai nạn liên hoàn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 18/2, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Công an huyện Phong Điền khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với lái xe ô tô con BKS 36A - 485.XX do điều khiển phương tiện vượt ẩu gây tai nạn liên hoàn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoạn qua huyện Phong Điền, làm 3 người tử vong.

Trước đó, vào khoảng 10h cùng ngày, ông P.Đ.K. (SN 1959, trú tại TP Tum, tỉnh Kon Tum) điều khiển xe ô tô BKS 36A - 485.XX chở theo 4 người trong gia đình gồm P.Đ.Q (SN 1978), chị L.T.H (SN 1983), P.L.K.V (SN 2009), P.Đ.Q (SN 2015) - cùng trú tại phố Tân Cộng (phường Đông Tân, TP Thanh Hóa) - đi trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn theo hướng Đà Nẵng - Quảng Trị.

Khi đến Km 48+200m cao tốc Cam Lộ - La Sơn, thuộc thôn Đông Thái (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền), xe ô tô 36A - 485.XX đã vượt lên từ phía bên phải và va chạm với xe đầu kéo 63C- 136.XX kéo theo rơ mooc 63R-002.XX đang đi cùng chiều phía trước, cùng làn đường. Sau va chạm, xe ô tô lao sang phần đường ngược chiều, va chạm vào xe ô tô 63H - 005.XX; sau đó lao xuống vực bên phải phần đường một chiều theo hướng ảng Trị - Đà Nẵng.

Hậu quả, cháu Q tử vong tại chỗ, cháu V, chị H được đưa đi cấp cấp tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 và tử vong sau đó, những người còn lại có liên quan bị xây xát; 4 xe bị hư hỏng.

Chất lượng đường cao tốc và lái xe chạy ẩu

Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại đoạn đường này cũng thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng xã hội. Tại một diễn đàn về ô tô, tài khoản N.V.H cho rằng, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn mỗi chiều đi chỉ có 1 làn duy nhất, có vạch liền và biển cấm vượt, tầm 5km sẽ có 1 điểm cho vượt bằng vạch đứt hoặc mở rộng làn có phân cách cứng dài 1km để vượt, nhưng vẫn cắm biển hạn chế 80km/h.

Do đường nhỏ có nhiều dốc dài nên các xe to thường đi rất chậm nên các xe nhỏ phải nối đuôi nhau bò theo, rất ức chế. Khi đến đoạn cho vượt mặc dù đủ 2 làn có dải phân cách cứng, làn khẩn cấp, nhưng vẫn cắm biển hạn chế và chiều dài cho phép vượt chỉ được 1km. Theo tài khoản này, đến đoạn này nếu không bứt tốc tranh thủ vượt thì lại phải “bò” theo đến điểm vượt tiếp theo.

Còn tài khoản N.D.T. cho biết, anh mới chạy xe trên cao tốc Túy Loan-La Sơn và La Sơn-Cam Lộ. Anh cho rằng, đoạn đường hẹp, chỉ có 1 làn chạy và 1 làn khẩn cấp. Tuy nhiên, làn khẩn cấp cũng hẹp vừa đủ 1 xe, nếu đỗ xe ở làn khẩn cấp bật đèn cảnh báo cũng rất nguy hiểm.

Toàn tuyến đường phần lớn là vạch liền, có những đoạn vạch đứt và có những đoạn có 2 làn đường riêng biệt để mục đích cho các xe vượt nhau, các xe nối đuôi nhau chạy nếu có tai nạn hoặc sự cố 1 trong 2 làn thì chắc chắn sẽ kẹt xe.

Tài khoản này còn cho rằng, vượt xe khác trên đường này là rất khó, nguy hiểm và phải đợi đến đoạn đường đôi, nếu vượt đoạn vạch đứt phải căn xe đối diện khoảng cách cho chuẩn; tính toán tốc độ xe mình chính xác; quyết đoán để vượt, chạy ban ngày tầm nhìn tốt còn nguy hiểm, nếu chạy ban đêm khi vượt xe chỉ cần bạn tính toán sai các yếu tố ở trên sẽ dẫn tính tình huống đối dầu trực diện xe ngược chiều và khả năng tan xác pháo là cực cao, thậm chí xe văng ra khỏi đường lao xuống ruộng hoặc vực sâu hai bên,

Đường lên xuống đồi dốc rất nhiều, cua tay áo cũng có, nếu không giữ làn tốt, vào cua rất dễ đâm vào xe bên làn ngược lại, toàn tuyến gần như không có đèn cao áp chiếu sáng hai bên…

Cũng tham gia ý kiến cho vụ việc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ việc nạn giao thông đều do người điều khiển phương tiện không chấp hành các quy định của luật giao thông đường bộ.

Theo ông, khi tham gia giao thông, mọi người cần lưu ý quy định vượt xe trên cao tốc để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.

Theo đó, tại Khoản 4, Điều 14, Luật Giao thông đường bộ quy định khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải: Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; Khi xe điện đang chạy giữa đường; Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được

Còn theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật 41:2019/BGTVT: “Vượt phải là tình huống giao thông trong đó một phương tiện vượt phương tiện khác về phía bên phải của phương tiện bị vượt trên cùng một chiều đường tại các đường chỉ có một làn xe cơ giới mỗi chiều”.

“Dựa vào quy định trên có thể thấy, hành vi "vượt phải" chỉ cấu thành khi diễn ra trên đường chỉ có một làn xe cơ giới mỗi chiều; còn đối với đường cao tốc hay đường quốc lộ có hai làn xe cơ giới trên mỗi chiều trở lên thì hành vi vượt này không được coi là vi phạm vượt phải. Đây cũng chính là điểm đã gây ra khá nhiều hiểu lầm, tranh cãi giữa lái xe và CSGT trong quá trình xử lý vi phạm thời gian vừa qua.” – luật sư Thơm nói.

Tuy nhiên, theo ông, dù vượt trái hay vượt phải (đối với các trường hợp được phép vượt phải) thì khi vượt xe khác, lái xe vẫn cần tuân thủ tuyệt đối theo các quy định về an toàn được nêu tại khoản 2, Điều 14, Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:

Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn; xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.

Minh Dương