Sửa đổi quy định về cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa chuyển tới Bộ Tư pháp hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, để thẩm định theo quy định.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sau gần 5 năm triển khai, các quy định tại Nghị định số 54/2019/NĐ-CP đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Việc quy định cụ thể các điều kiện kinh doanh đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh loại hình dịch vụ này, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trong những năm qua. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân khi tham gia kinh doanh, sử dụng dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được nâng cao.

Tuy nhiên, hiện nay, một số quy định tại Nghị định số 54/2019/NĐ-CP đã phát sinh các tồn tại, vướng mắc, không còn phù hợp với thực tế, chưa cập nhật theo các văn bản mới được ban hành.

Viêc sửa đổi quy định về cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường là cần thiết. (Ảnh: theo chinhphu.vn)

Cụ thể như điều kiện phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20 m2 trở lên, không kể công trình phụ diện tích đối với cơ sở karaoke, phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80 m2 trở lên, không kể công trình phụ đối với dịch vụ vũ trường có tính chất bắt buộc, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong khi thực tế đa số các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường được chuyển đổi từ nhà ở hộ gia đình. Bên cạnh đó, qua đánh giá, điều kiện này cũng không có ý nghĩa cho việc đảm bảo tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy tại cơ sở.

Bên cạnh đó, các điều kiện kinh doanh tại Nghị định chưa cụ thể hóa các nội dung, dẫn chiếu đến các quy định của pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khác có liên quan một cách thống nhất, có hệ thống gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong việc tra cứu, thực hiện các quy định.

Quy định về trình tự, thủ tục thẩm định thực tế các địa điểm kinh doanh trước khi cấp phép đã được quy định, nhưng chưa cụ thể được thành phần, phân định trách nhiệm giữa các sở, ngành, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong công tác cấp giấy phép, kiểm tra, thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó, sửa đổi quy định về cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường là cần thiết, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thủ tục cấp phép, đồng thời đáp ứng yêu cầu tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.

Trong Dự thảo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về việc bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự; bổ sung điều kiện bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các tiêu chuẩn áp dụng, liên quan đến phòng cháy chữa cháy tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Đồng thời, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp với thực tế.

Dự thảo cũng đề xuất sửa quy định về cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Về quy trình cấp Giấy phép, bổ sung trách nhiệm thành lập, thành phần Đoàn thẩm định cấp Giấy phép để thẩm định thực tế các điều kiện kinh doanh trên cơ sở kế thừa quy định về thẩm định thực tế tại địa điểm kinh doanh tại Nghị định số 54/2019/NĐ-CP. Đồng thời, bổ sung cụ thể trường hợp thu hồi Giấy phép kinh doanh khi vi phạm các quy định về phòng cháy và chữa cháy...

Góp ý cho Dự thảo, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc giữ lại điều kiện quy định đia điểm kinh doanh dịch vụ vũ trường phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử văn hóa từ 200m trở lên.

Vì các vũ trường sử dụng nhạc mạnh có độ ồn và độ rung lớn, ảnh hưởng đến cộng đồng khu vực xung quanh, nhất là những nơi cần yên tĩnh như trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo... Đồng thời, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đề nghị nên bổ sung thời hạn Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường để để đảm bảo quản lý nhà nước.

Cùng góp ý xây dựng Dự thảo, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị giữ nguyên khoản 4, Điều 4 Nghị định số 54/2019/NĐ-CP về quy định chốt cửa tại phòng hát karaoke, do hiện nay tình trạng tệ nạn trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke diễn biến phức tạp, biến tướng nên việc bỏ quy định này thì gây khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở kinh doanh…

Phương Thảo