Sự biến mất của mức lương triệu USD tại Trung Quốc

Giới phân tích tài chính Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng mất việc làm, thu nhập giảm sút và mất đi nhiều phúc lợi. Ảnh minh họa: VCG.

Từng “hái" ra tiền với với mức lương cao đáng mơ ước, giới phân tích tài chính ở Trung Quốc giờ đây đang phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt. Hàng loạt công ty cắt giảm phúc lợi, giảm lương, thậm chí là sa thải nhân sự, SCMP đưa tin.

Tại công ty môi giới chứng khoán Guotai Junan (Thượng Hải, Trung Quốc), nhiều nhân sự cấp cao đã từ chức sau khi không chấp nhận việc cắt giảm lương và sự tiêu chí đánh giá công việc khắt khe.

Một công ty môi giới khác ở Thâm Quyến (Trung Quốc) đã sa thải 40% chuyên gia phân tích trong quý đầu tiên, đồng thời cắt giảm 50% tiền thưởng năm ngoái. Ngoài ra, nhiều tổ chức khác trong ngành cũng đang giảm ngân sách ăn uống và đi lại để tiết kiệm chi phí.

Tình trạng cắt giảm này trái ngược hoàn toàn với thời kỳ “hoàng kim" vài năm trước của lĩnh vực tài chính. Thời điểm đó, nhiều công ty chứng khoán trả mức lương tới 10 triệu NDT (khoảng 1,4 triệu USD) cho các nhà phân tích hàng đầu.

Trước đây, chuyên viên phân tích cấp cao giành được giải thưởng tại các cuộc thi nghiên cứu uy tín như New Fortune có thể nhận mức lương thưởng hàng năm lên tới 10 triệu NDT. Ảnh minh họa: Mizuno K/Pexels.

Amy (28 tuổi), chuyên gia phân tích ngành năng lượng mới của công ty môi giới tầm trung ở Thượng Hải, cho biết cô đã mất việc vào tháng 2. Đội nhóm của cô bị cắt giảm từ 7 xuống còn 2 người.

Sau nhiều tuần tìm kiếm việc làm mới, Amy chấp nhận một vị trí tương tự với mức lương thấp hơn 40% công việc cũ, tại công ty chứng khoán quy mô nhỏ hơn do “không còn lựa chọn nào khác”. Có việc làm và giữ được việc hiện là ưu tiên của nhà phân tích 28 tuổi.

Trong một thời gian dài, các công ty môi giới Trung Quốc đánh giá đội ngũ nhân sự phân tích dựa trên khối lượng hoa hồng giao dịch, hay còn gọi là "soft dollars”, trong tiếng Trung quốc gọi là "paidian”. Đây là yếu tố khiến các công ty môi giới mở rộng các nhóm nghiên cứu và trả lương hậu hĩnh cho các nhà phân tích cùng đãi ngộ cạnh tranh.

Theo dữ liệu từ China Vision Capital, số lượng nhà phân tích trong lĩnh vực tài chính tại Trung quốc đã tăng gần 70%, hiện có hơn 4.800 người.

Những nhân sự với 10 năm kinh nghiệm có thể nhận được mức lương cơ bản khoảng 800.000 NDT (khoảng 110.000 USD) và người có 5 năm kinh nghiệm thường được trả khoảng 500.000 NDT (khoảng 69.000 USD), chuyên gia tuyển dụng chuyên viên tài chính Zhang cho biết.

Ngoài lương, mức thưởng dành cho các chuyên gia cũng hấp dẫn. Thông thường tiền thưởng tương đương 10-12 tháng lương cơ bản, thậm chí có thể lên tới 24 tháng trong những năm doanh thu công ty tốt và 3 tháng lương nếu năm đó thua lỗ.

Nhiều nhà phân tích bị sa thải chấp nhận công việc có mức lương thấp hơn ở công ty khác. Ảnh minh họa: Rdne Stock Project/Pexels.

Tuy nhiên, tình thế đang đảo chiều. Cuối năm ngoái, Trung Quốc đề xuất cắt giảm phí giao dịch do các quỹ đầu tư công trả và yêu cầu các nhà quản lý quỹ không sử dụng hoa hồng để trả cho nghiên cứu từ các công ty môi giới.

Đồng thời, các nhà đầu tư cũng không còn mặn mà với việc rót tiền vào thị trường chứng khoán Trung Quốc sau 3 năm thua lỗ liên tiếp, dẫn đến nhu cầu nghiên cứu cổ phiếu giảm.

Hơn một năm qua, hàng loạt ngân hàng cắt giảm việc làm. Thu nhập của các nhân viên ngân hàng đầu tư cấp cao đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 thập kỷ.

Để cắt giảm chi phí, các công ty môi giới đang tiến hành sa thải nhân viên, giảm lương và siết chặt chi phí phúc lợi cho các nhà phân tích. Theo SCMP, có ít nhất 2 công ty chứng khoán quy mô tầm trung đã giới hạn chi phí công tác của nhân viên. Trong đó, có một công ty còn giới hạn ngân sách tiếp đại khách hàng ở mức 200 nhân dân tệ (28 USD) một bữa ăn, bất kể số lượng người tham dự.

Giáo sư Chen Zhiwu từ ĐH Kong cho rằng việc cắt giảm nhân sự là sự thay đổi mang tính cấu trúc của ngành chứng khoán. Ông dự đoán đây có thể là xu hướng lâu dài.

Như Phương