Sai lầm của Gen Z khi diện hở hang đi làm

Nhân viên văn phòng nhận được lời khuyên tiết chế mặc hở từ một số stylist. Ảnh minh họa: @thaonhile.

Maree Ellard, một nhà tạo mẫu cho dân công sở tại Australia, cho rằng sai lầm lớn của nhân viên thế hệ Z là để lộ nhiều da thịt hơn mức cần thiết.

Cô khuyên nhân viên văn phòng thuộc thế hệ này nên từ bỏ thói quen mặc áo crop top và chân váy siêu ngắn ở môi trường công sở.

“Dân công sở cần đảm bảo các bộ phận cơ thể từ ngực xuống đầu gối được che chắn cẩn thận”, Maree Ellard chia sẻ với Business Insider.

Một số stylist khuyên dân công sở nên hạn chế mặc trang phục quá hở, gây khó khăn trong di chuyển, sinh hoạt. Ảnh: @lehatruc.

Phụ nữ tránh váy ngắn, đàn ông kị quần đùi

Theo Maree Ellard, khi diện váy ngắn đi làm, các nữ nhân viên văn phòng không thể thoải mái di chuyển, cử động, bị hạn chế trong 8 tiếng sinh hoạt tại môi trường công sở.

Những chiếc váy, chân đầm ngắn dễ dàng khiến người mặc để lộ bộ phận nhạy cảm, tạo ra tình huống khó xử.

“Bạn không cần khoe vòng một, đùi hay rốn ở văn phòng”, Maree Ellard nói.

Hơn nữa, những set trang phục hở hang có thể khiến chính người mặc phân tán, khó tập trung vào công việc. Nếu dành quá nhiều thời gian cho việc chỉnh trang quần áo, loay hoay che chắn vì outfit để lộ quá nhiều da thịt, dân công sở khó dành 100% sức lực cho các nhiệm vụ cần hoàn thành.

Nói cách khác, bên cạnh áp lực công việc, những bộ cánh này gia tăng sự căng thẳng, lo lắng cho người mặc. Về lâu dài, những cảm xúc tiêu cực này có khả năng ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe tinh thần của nhân viên văn phòng.

Tương tự, quy tắc ăn mặc kín đáo cũng được áp dụng với nam giới ở chốn công sở. Stylist người Mỹ Liz Teich khẳng định quần short của cánh mày râu trông kém chuyên nghiệp và lịch sự trong môi trường làm việc.

Nếu các nam nhân viên văn phòng biện minh rằng họ chỉ mặc quần đùi trong những ngày nắng nóng, Liz Teich phủ nhận lý do này. Nhà tạo mẫu cho rằng hệ thống điều hòa luôn khiến văn phòng đủ mát mẻ.

Liz Teich khẳng định rằng thị trường thời trang hiện nay cung cấp nhiều loại quần dài thoáng khí, thấm hút mồ hôi tốt, phù hợp với môi trường văn phòng. Sự lựa chọn của nam giới công sở không bị bó hẹp như họ nghĩ.

Xu hướng làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch thúc đẩy trào lưu ăn diện thoải mái tại văn phòng. Ảnh: @acupper.

Gen Z mặc xuề xòa hơn

Theo Liz Teich, nhân viên Z có xu hướng ăn mặc xuề xòa hơn các thế hệ đi trước. Trào lưu làm việc tại nhà trong đại dịch Covid-19 cũng góp phần thúc đẩy xu hướng này.

Khi trở lại công sở sau thời kỳ dịch bệnh, nhiều nhân sự Gen Z ăn mặc như ở nhà hoặc khi đi dạo phố. Một số nhân viên thuộc thế hệ này chưa từng có kinh nghiệm đi làm tại văn phòng trước Covid-19, vì vậy họ không có kinh nghiệm diện áo quần lịch sự, chuyên nghiệp.

Một quản lý cấp cao từng chia sẻ với Business Insider rằng anh bất ngờ khi thấy nhân viên diện áo crop top siêu ngắn đến chỗ làm. Anh loay hoay, ngại nhắc nhở vì không muốn khiến nhân sự cảm thấy xấu hổ, trở nên tự ti.

Mặc dù không hài lòng, quản lý này đành giữ im lặng vì không tìm được cách góp ý khéo léo, tránh làm mất lòng cấp dưới.

Nhìn chung, việc ăn mặc thiếu chỉn chu ở văn phòng có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến con đường thăng tiến, phát triển sự nghiệp của người lao động trẻ.

“Nếu nhân viên ăn mặc xuề xòa, thiếu lịch sự, quản lý có thể kết luận rằng họ không coi trọng, tận tâm với công việc này”, phó Giáo sư Ryan Vogel tại Trường Kinh doanh Fox thuộc Đại học Temple (Philadelphia, Pennsylvania), chia sẻ với Business Insider.

Cấp trên không chỉ quan tâm đến chất lượng công việc mà còn để ý đến cách ăn diện, thái độ ứng xử của nhân sự tại văn phòng để xem xét mức độ phù hợp của họ với doanh nghiệp.

Linh Vũ