Quảng Ngãi: nhiều cụm công nghiệp 'trắng' hệ thống xử lý nước thải

Toàn tỉnh ảng Ngãi có 19 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động, đại đa số phần lớn đều nằm gần khu dân cư nhưng lại không có CCN nào đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Nước thải được xả ra các kênh mương gần khu vực, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc cho người dân.

Tiêu biểu như CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây (thuộc xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi). Sau gần 2 thập kỷ được đầu tư và thu hút doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh, rất nhiều sự cố môi trường đã xảy ra tại CCN làng nghề này.

Nước thải đen ngòm ở tuyến kênh gần CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây.

Không ít vụ xả thải của doanh nghiệp khiến cá chết hàng loạt, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Người dân đã nhiều lần phản đối, kiến nghị xử lý nhưng vẫn chưa ngăn chặn triệt để tình trạng xả thải gây ô nhiễm.

Ông Lê Lô ( xã Tịnh Ấn Tây) cho biết: "Nước kênh ở gần CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây có màu xanh, đen. Ở đây, người dân sợ nhất là nguồn nước uống bị ô nhiễm. Dù đã kiến nghị với chính quyền địa phương nhiều lần nhưng đến nay vẫn không khắc phục”.

Cử tri mang mẫu nước lấy từ kênh chìm Sơn Tịnh đến buổi tiếp xúc cử tri và thông tin đến các đại biểu về tình trạng ô nhiễm tại tuyến kênh này.

Điều người dân lo ngại không phải vô căn cứ khi gần đây nhất, hồi tháng 2/2024, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 330 triệu đồng đối với công ty Công ty TNHH sản xuất và thương mại Sinh Lộc (CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây) vì phát hiện thông số nước xả thải có chứa chất xyanua vượt quy định hơn 21 lần. Ngoài ra, các thông số tổng nitơ, tổng chất rắn lơ lửng cũng vượt quy chuẩn kỹ thuật.

Đáng chú ý, năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã bố trí 10 tỷ đồng cho TP Quảng Ngãi đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung ở CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây, với công suất 500 m3/ngày đêm. Nhưng UBND TP Quảng Ngãi không thực hiện và trả lại vốn đầu tư.

Lý giải vấn đề trên, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi Trà Thanh Danh cho rằng, qua cân đối, tính toán thì nhận thấy việc đầu tư 10 tỷ đồng để làm trạm xử lý nước thải tập trung 500 m3/ngày đêm mà chỉ vận hành xử lý 35 m3/ngày đêm là không hiệu quả.

Đồng thời, định hướng của TP Quảng Ngãi là kiến nghị di dời CCN Tịnh Ấn Tây nhằm sử dụng vị trí này với chức năng phát triển đô thị, nên việc không đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung nhằm tránh lãng phí ngân sách.

Tương tự, CCN Đồng Dinh (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) cũng "trắng” hệ thống xử lý nước thải tập trung. Dù một vài doanh nghiệp đã chú động đầu tư trạm xử lý nước thải riêng nhưng nguy cơ sự cố môi trường ngoài ý muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nước thải từ một doanh nghiệp trong CCN Đồng Dinh chảy tràn ra đường.

Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nghĩa Hành Phạm Quốc Vương chia sẻ, đến nay hệ thống xử lý nước thải tập trung tại CCN Đồng Dinh vẫn chưa được đầu tư do nguồn kinh phí gặp khó khăn.

Trước tình hình đó, UBND huyện Nghĩa Hành đã nhiều lần đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ngãi để hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhằm từng bước hoàn thành hệ thống xử lý nước thải.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 quy định, tất cả các CCN đều phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nếu CCN nào chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì trong thời gian 24 tháng phải đầu tư theo đúng quy định. Thế nhưng đến nay, 100% CCN tại Quảng Ngãi đều chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi Trần Thị Hạ Vũ cho biết, theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và các nghị định văn bản liên quan, nếu không có hạ tầng môi trường thì sẽ không được thu hút các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khi có lượng nước xả thải và không cho tăng công suất của các dự án không phù hợp với quy hoạch.

“UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo cho các sở, ngành, địa phương thu hút các nhà đầu tư để đầu tư hạ tầng môi trường. Ngoài kinh phí ngân sách nhà nước thì cũng cần nguồn kinh phí ngoài ngân sách để thu hút đầu tư, xã hội hóa lĩnh vực này ở các CCN”, bà Vũ cho hay.

Hà Phương